Oái oăm đăng bức ảnh tắc đường trên facebook, bị “tố” xâm phạm bí mật đời tư

(PLVN) - Tuần trước tôi có chụp vài bức ảnh cảnh tắc đường tại một ngã 4 để cập nhật đăng trên facebook cá nhân. Thật tình cờ trong bức ảnh đông đúc đó lại có hình ảnh anh T (người quen) chở cô bồ trong khi anh ta nói dối gia đình đang đi công tác...
(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Hỏi: Chiều tối thứ bảy vừa rồi tôi có chụp cảnh tắc đường tại một ngã 4 mục đích để cập nhật đăng trên facebook cá nhân. Thật tình cờ trong khuôn hình lại có hình ảnh anh T (người quen) chở cô bồ của anh ta, chuyện này khi đó tôi không hề biết. Mãi sau, tôi mới biết hôm đó anh T có báo với gia đình là phải đi công tác, nhưng rồi phát sinh chuyện đột xuất do cô bạn kia có việc gấp nên anh T phải hoãn chuyến công tác để tối hôm đó chở cô ấy đi công chuyện. Đó là lý do hai người có mặt trong bức ảnh "tắc đường" đăng trên facebook của tôi.   

Anh T cho rằng tôi có ý đồ chơi xấu anh ta và yêu cầu tôi phải xóa ảnh, đăng bài xin lỗi anh ta. Tôi khẳng định mình hoàn toàn không có động cơ mục đích chơi xấu, tôi không sai thì việc gì tôi phải xóa ảnh, gỡ bài và xin lỗi anh ta? Nhưng anh T làm căng, dọa nếu tôi không thực hiện những yêu cầu đó thì anh ta sẽ kiện tôi vì tội vu khống, bôi nhọ anh ta, xâm phạm quyền riêng tư khi sử dụng hình ảnh cá nhân của anh ta mà không xin phép. Anh T cho rằng hành vi của tôi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng là khiến mọi người hiểu lầm anh ta ngoại tình, vợ chồng anh ta lục đục. 

Xin hỏi trong trường hợp này hành vi của tôi có vi phạm pháp luật hay không? (Anh H.K.A, 25 tuổi). 

Trả lời: Quyền hình ảnh của công dân được pháp luật dân sự bảo hộ, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, nếu không có thể bị coi là xâm phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh, xâm phạm bí mật đời tư...

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 tại Điều 32 có quy định về quyền của cá nhân với hình ảnh, cũng như quy định về việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. 

Cụ thể Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền cá nhân đối với hình ảnh như sau: 

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Theo như bạn trình bày, việc bạn đăng bức ảnh cảnh tắc đường tại một ngã tư được coi là hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng theo Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 nên việc chụp và đăng tải thuộc trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Việc bạn chụp ảnh và đăng tải bức ảnh không nhằm mục đích làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh... nên không vi phạm pháp luật.

Mặc dù xét về lý bạn không sai sót, vi phạm nhưng xét về tình, nếu bức ảnh bạn đăng trên facebook cá nhân thực sự đã gây cho anh T những rắc rối, hiểu lầm thì cũng nên nghĩ đến giải pháp dĩ hòa vi quý, cân nhắc đến việc gỡ bỏ bức ảnh coi như giúp anh ta tránh được những phiền toái.

Đọc thêm