Pháp luật cho phép công dân Việt Nam có 2 quốc tịch trong trường hợp nào?

(PLVN) - Mới đây, thông tin một ĐBQH của TP HCM có thêm quốc tịch Cộng hòa Sip lại làm nóng các diễn đàn khiến dư luận hoài nghi, lo ngại. Trên thực tế, đã xảy ra trường hợp doanh nhân, chính khách, thậm chí tội phạm kinh tế trước đó bí mật nhập thêm quốc tịch nhằm “hạ cánh an toàn”, tẩu tán tài sản, rửa tiền... Vậy pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này như thế nào? 
Pháp luật cho phép công dân Việt Nam có 2 quốc tịch trong trường hợp nào?

Pháp luật cho phép người Việt được mang 2 quốc tịch trong trường hợp nào? Liệu chúng ta có thể kiểm soát được những trường hợp xin nhập quốc tịch nước thứ hai mà có biểu hiện nghi vấn, từ đó có biện pháp kịp thời để ngăn chặn, hạn chế được tình trạng khi phát hiện những sai phạm của họ thì người đó đã "cao chạy xa bay" sang nước mà họ có quốc tịch, rồi tẩu tán tài sản, rửa tiền hay không?

- Về vấn đề này, theo quy định tại Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành, pháp luật Việt Nam cho phép công dân Việt Nam có thể có 2 quốc tịch; tuy nhiên, việc 2 quốc tịch chỉ áp dụng với một số ngoại lệ. Cụ thể những người có thể có 2 quốc tịch gồm: người được Chủ tịch nước cho phép, trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.

Luật Quốc tịch cũng cho phép người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam. Chính sách trên cũng được áp dụng với trường hợp có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hay có lợi cho nhà nước Việt Nam.

Trường hợp nếu không thuộc những diện trên thì công dân nước ngoài, người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam muốn trở thành công dân Việt Nam phải có các điều kiện sau: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; biết Tiếng Việt để có thể hòa nhập vào cộng đồng; thường trú từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch, và có khả năng đảm bảo cuộc sống ở Việt Nam...

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) từng khai đã làm thủ tục nhập thêm quốc tịch Hoa Kỳ, Antigua và Barbuda.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) từng khai đã làm thủ tục nhập thêm quốc tịch Hoa Kỳ, Antigua và Barbuda.  

- Thời gian qua, thực tế có một số doanh nhân, chính khách sinh sống tại Việt Nam đã đăng ký thêm quốc tịch thứ hai (ngoài quốc tịch Việt Nam); họ hoàn toàn có thể làm được điều này nếu đáp ứng đủ điều kiện, phù hợp với quy định của pháp luật nước sở tại mà họ xin nhập quốc tịch.

Điều này thậm chí khá dễ dàng, cởi mở trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nguồn thông tin về dịch vụ hỗ trợ làm thủ tục định cư với các điều kiện cụ thể, chi tiết; cơ chế bảo mật thông tin cá nhân khá đầy đủ, an toàn; rồi hướng dẫn cách mở tài khoản, chuyển tiền.v.v. Chỉ đến khi họ "cao chạy xa bay" sang nước mà họ nhập quốc tịch thì dư luận và cơ quan chức năng mới biết.  

Vậy liệu cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm soát được những công dân Việt Nam nào có “biểu hiện nghi vấn” khi làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài để có biện pháp ngăn chặn hay không? Theo Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Ngọc, Hà Nội) thì câu trả lời là có, nhưng chỉ trong trường hợp công dân đó xin nhập quốc tịch vào quốc gia mà pháp luật nước họ áp dụng chính sách một quốc tịch - nghĩa là để nhập quốc tịch nước ngoài, người đó buộc phải xin thôi quốc tịch Việt Nam. Chỉ duy nhất những trường hợp này chúng ta mới kiểm soát được. 

Còn nếu họ nhập quốc tịch vào những quốc gia chấp nhận chế độ đa quốc tịch thì chúng ta không thể kiểm soát. Mà những doanh nhân, chính khách Việt có nhu cầu nhập thêm quốc tịch nước ngoài thường là họ lựa chọn những quốc gia có chính sách đa quốc tịch nên đặt ra vấn đề kiểm soát để dự liệu rủi ro là không khả thi…

Đọc thêm