Phở bò ăn liền do Acecook sản xuất bị Hàn Quốc thu hồi: Cơ quan chức năng cần kiểm tra các sản phẩm tương tự

(PLVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), việc chất Benzo(a)pyrene có nguy cơ gây ung thư đã được khoa học chứng minh. Vì thế cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra xem có các sản phẩm tương tự Phở bò ăn liền Peacook đang lưu hành ở Việt Nam hay không?
Phở bò ăn liền do Acecook sản xuất bị Hàn Quốc thu hồi: Cơ quan chức năng cần kiểm tra các sản phẩm tương tự

Trước việc các hãng tin của Hàn Quốc đăng tải thông tin, Cục An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) đã cho phép các cơ quan chức năng có thẩm quyền thu hồi và xử lý sản phẩm phở bò ăn liền do Acecook sản xuất có hạn sử dụng đến ngày 3/12/2021, ngày 5/4/2022 và ngày 19/4/2022, vì phát hiện có chất Benzo(a)pyrene, một chất gây ung thư.

Trước đó, việc ô nhiễm chất benzo(a)pyrene (BaP) cũng từng được phát hiện có trong mì gói hiệu Nongshim của Hàn Quốc.

Benzo(a)pyrene là chất gì? Theo bài viết của Ths.Châu Vĩnh Thị (Viện Y tế Công cộng TP.Hồ Chí Minh), Benzo(a)pyrene là một loại hợp chất hữu cơ thuộc nhóm hydrocarbon đa vòng thơm có công thức phân tử C20H12.

Về tác động của Benzopyrene đối với sức khỏe, theo Ths.Châu Vĩnh Thị: Hít không khí ô nhiễm có thể gây ra kích ứng đường hô hấp, ăn hoặc uống thực phẩm hay nước chứa chất này có thể tổn thương hệ sinh dục và có thể gây ung thư, tiếp xúc trực tiếp trên da có thể gây kích ứng da.

Ủy ban chuyên gia của tổ chức FAO/WHO đã thực hiện việc đánh giá nguy cơ  và xếp chất này vào nhóm chất có khả năng gây ung thư và gây nhiễm độc gen. Benzopyrene được xem là chất đại diện (marker) cho các loại PAHs có khả năng gây ung thư.

Sản phẩm phỏ bò Peacock bị Hàn Quốc thu hồi do có chứa chất gây ung thư
 Sản phẩm phỏ bò Peacock bị Hàn Quốc thu hồi do có chứa chất gây ung thư

Trao đổi với PV PLVN, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, Benzopyrene là một chất có trong tự nhiên, được sinh ra trong quá trình cháy không hết của các loại nhiên liệu như than, củi... Trong sản xuất thực phẩm thì nó sinh ra khi chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao từ 300°C đến 600°C.

Việc chất Benzopyrene là một chất nguy cơ gây ung thư đã được khoa học chứng minh, khi chất này tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ gây biến dị các DNA, khiến con người mắc căn bệnh ung thư. 

“Chất này có thể xuất hiện trong các sản phẩm rang, chiên, rán. Ví dụ như trong gà rán, các sản phẩm cafe rang, hạt rang, trong những sản phẩm nướng như thịt nướng... Dầu để sản xuất mỳ ăn liền, một số sản phẩm được sấy cũng có thể có chất Benzopyrene vì dưới tác động của nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra chất này. Vì vậy việc Acecook Việt Nam giải thích, quá trình sấy thảo quả sinh ra Benzopyrene là hoàn toàn có khả năng”.

“Tuy nhiên, theo tôi đây chỉ là một khía cạnh rất nhỏ vì hàm lượng, lượng cho vào của thảo quả trong trong gói dầu của sản phẩm phở ăn liền rất ít. Do đó cần phải kiểm tra cả quá trình sấy, chiên bột mì ở nhiệt độ cao”, PGS Thịnh nêu ý kiến.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Ảnh: Môi trường và đô thị)
 PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Ảnh: Môi trường và đô thị)

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng các cơ quan chức năng phải vào cuộc để kiểm tra xem có các sản phẩm tương tự như Phở bò ăn liền Peacook đang lưu hành ở Việt Nam hay không?

“Không thể cứ tự mồm ta nói tai ta nghe, thì dân chịu hay sao? Vấn đề ở đây đặt ra là chất gì có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thì đều cần phải kiểm soát. Tất cả phải vì sức khỏe cộng đồng”, PGS Thịnh nêu quan điểm.

Kết quả khảo sát sơ bộ của PLVN cho thấy, trong thành phần gia vị của nhiều sản phẩm mỳ, phở ăn liền khác cũng có thành phần thảo quả. Do đó rất cần các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra nhưng các chuyên gia cũng cho biết, người tiêu dùng cũng không nên quá hoang mang vì chất Benzopyrene có trong thực phẩm là bình thường. Nó chỉ nguy hại khi vượt quá giới hạn cho phép.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, nguyên tắc thực phẩm an toàn không phải là hoàn toàn không có chất độc mà là có chất độc nhưng ở trong mức cho phép. Thực phẩm an toàn có thể có chứa chất độc hại nhưng mà hàm lượng dưới mức cho phép theo quy định của các cơ quan chức năng thì hoàn toàn có thể yên tâm.

Đọc thêm