Quặn lòng những nỗi đau sau vụ đứt cáp vận thăng ở Nghệ An

(PLVN) - Ngày những người cha tạm biệt vợ con vào thành phố làm việc, họ hẹn tết về sẽ mua áo mới. Nhưng rồi, những lời hứa ấy đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đất. Ba nạn nhân đã mãi mãi ra đi sau vụ tai nạn lao động khiến đoàn con thơ nheo nhóc. Trong khi đứa lớn gào khóc gọi tên cha thì những đứa nhỏ không hiểu chuyện, cũng chẳng chịu đội khăn tang. Tiếng khóc của đám trẻ khiến quê nghèo thêm thê lương ngày đầu năm mới.
Nỗi đau thương, mất mát của gia đình các nạn nhân.
Nỗi đau thương, mất mát của gia đình các nạn nhân.

“Sao bố nói Tết về mua quần áo cho con”

Xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) những ngày đầu năm 2021 bao trùm bởi không khí ảm đạm, thê lương. Cái rét tê tái càng khiến nỗi buồn của người dân nơi đây lớn hơn. Họ buồn khi tại xóm nhỏ có hai nạn nhân tử vong trong vụ đứt cáp vận thăng (thang cẩu) ở công trình xây dựng Sở Tài chính tỉnh Nghệ An vào ngày 2/1. Các nạn nhân tử vong người xã Vĩnh Thanh gồm: Phạm Văn Phượng (SN 1974), Nguyễn Duy Hiếu (SN 1977).

Ngày 3/1, người thân, bà con lối xóm đã tổ chức lễ tang cho hai nạn nhân. Trong dòng người nghẹn ngào đưa tiễn, hình ảnh hai cháu bé mới hơn một tuổi và ba tuổi là con gái anh Phạm Văn Phượng, cháu không chịu đội khăn tang, cứ gào thét khiến nhiều người xót xa. Cháu Phạm Thị Huyền (11 tuổi) và Phạm Thị Trang (10 tuổi) dù đã lớn hơn một chút, nhưng cháu cũng không cầm nổi nước mắt trước sự ra đi đột ngột của bố, cháu chỉ biết gào khóc trong đau xót: “Bố ơi! Bố nói Tết này về sẽ mua quần áo mới cho chúng con mà, vậy mà bố bỏ chúng con đi….”. Nghe tiếng khóc của những đứa trẻ khiến nhiều người rơi nước mắt theo. 

Tay bế đứa cháu ngoại, hai hàng nước mắt cứ thế rơi trên gương mặt bà Nguyễn Thị Hoa. Người phụ nữ đầu hai thứ tóc không thể ngờ rằng gia đình mình phải lâm vào cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh”. Trong nỗi đau lớn, bà Hoa nghẹn nghào: “Thằng Phượng nó hiền lành, chăm chỉ làm việc lắm. Vì ở quê không có công việc gì nên nó theo anh em trong xóm tham gia tổ thợ vào thành phố làm việc kiếm tiền về nuôi vợ con. Sống xa gia đình những mong có một tương lai tốt hơn, vậy mà….Giờ nó đi rồi 4 đứa con thơ thế này ai sẽ nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo đây”, bà tâm sự.

Tiếng khóc lạc giọng của những đứa trẻ tại đám tang bố khiến lòng người quặn thắt.
Tiếng khóc lạc giọng của những đứa trẻ tại đám tang bố khiến lòng người quặn thắt. 

Hung tin đau đớn khiến chị Trần Thị Hiền (37 tuổi, vợ anh Phượng) không còn đứng vững. Giữa đám tang mịt mù khói hương, người phụ nữ ấy lết từng bước khóc thảm thiết: “Sao anh lại bỏ mẹ con em ra đi như vậy. Anh đi rồi mẹ con em phải sống như thế nào đây? Các con còn nhỏ quá anh ơi”.

Theo chia sẻ của người thân, hơn chục năm trước, anh Phượng và chị Hiền nên duyên vợ chồng với nhau nhờ sự mai mối của bạn bè. Dù hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống thiếu trước, hụt sau nhưng họ vẫn động viên cố gắng làm việc. Để nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học hàng ngày anh Phượng theo anh em bạn bè đi làm thuê còn chị Hiền ở nhà chăm lo ruộng vườn, tần tảo nuôi con. Vậy mà, lời hứa Tết trở về đoàn viên với gia đình, vợ con, anh Phượng đã bỏ lại. Vụ tai nạn thương tâm khiến tương lai gia đình nghèo càng u ám. 

Một người hàng xóm tham dự đám tang sụt sùi kể: gia đình chú Phượng khổ lắm. Nghèo đến nỗi mùa đông cũng không đủ chăn ấm mà đắp. Hai vợ chồng từng ước mơ cất được căn nhà nhỏ kín gió để gia đình sinh sống nhưng có lẽ, ước mơ đó sẽ không thực hiện được. Hôm nghe tin những người thợ đang làm việc ở TP Vinh gặp nạn, nhiều người đau đớn, bàng hoàng. Dù vậy, họ vẫn tin những nạn nhân ấy sẽ tai qua, nạn khỏi. Thế nhưng, tính đến ngày 4/1, đã có ba nạn nhân không qua khỏi. Các nạn nhân ra đi đều là trụ cột chính trong gia đình. Do đó, việc họ tử vong sau vụ tai nạn để lại gánh nặng lớn cho vợ con.

Nỗi đau còn mãi

Giống gia đình anh Phượng, gia đình nạn nhân Trần Duy Hiếu cũng có hoàn cảnh rất éo le. Gia đình anh Hiếu thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống túng thiếu. Éo le hơn là năm trước anh Hiếu mới mổ thay khớp háng. Để có tiền trả nợ anh đành đi làm thuê sớm dù sức khỏe chưa bình phục hoàn toàn. Để san sẻ gánh nặng cho chồng, người vợ cũng theo một số người ra Hà Nội làm phụ hồ cho các công trình xây dựng.

Chưa hết, đứa con trai đầu cũng làm thuê tận miền nam nên trong nhà chỉ còn đứa con học cấp ba. Mỗi người đi làm thuê mỗi nơi với hy vọng tết về sẽ gia đình sẽ được đoàn tụ, cả nhà sẽ sum vầy với nhau bên mâm cơm tất niên. Vậy mà, mọi dự định của họ đã mãi không thực hiện được khi người cha, người chồng tử vong sau vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng. Nỗi đau mất chồng, mất cha với họ sẽ kéo dài mãi… 

Ngoài hai nạn nhân trên, nạn nhân thứ ba tử vong trong vụ tai nạn lao động nghiêm trọng quê ở xã Nhân Thành (huyện Yên Thành) là ông Đặng Minh Cung (SN 1958). Chủ tịch UBND xã Nhân Thành Nguyễn Sỹ Tùng cho biết gia đình và bà con lối xóm đã tiến lành lễ mai tạng cho ông Cung. Sau sự việc đau lòng xảy ra, chính quyền đã đến động viên, chia sẻ cùng gia đình nạn nhân.

Những bệnh nhân bị thương trong vụ đứt cáp vận thăng ở Nghệ An hiện đang được điều trị tại bệnh viện.
Những bệnh nhân bị thương trong vụ đứt cáp vận thăng ở Nghệ An hiện đang được điều trị tại bệnh viện.  

Vụ tai nạn tại công trình xây dựng Sở Tài chính Nghệ An ngoài khiến ba người tử vong còn làm tám người khác bị thương. Hiện, những bệnh nhân này đang được điều trị tại bệnh viện. Vừa trải qua ca phẫu thuật khiến ông Nguyễn Hữu Bình (52 tuổi, trú ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu) vẫn còn đau nhức. Túc trực bên cạnh bố, chị Nguyễn Thị Tâm (26 tuổi) thất thần kể lại: khoảng 13h30 ngày 2/1, cả gia đình đang ở nhà thì nhận được điện thoại của em trai báo là cha bị tai nạn đang cấp cứu trong bệnh viện. Vì mẹ đang mắc bệnh nên vừa nghe tin bố đã ngất xỉu. Do đó, gia đình phải chia người vừa canh chừng bố và mẹ. 

Theo chị Tâm, ngoài bố thì em út vừa tốt nghiệp lớp 12 cũng vào làm công nhân tại công trình này. “Hôm đó, sau giờ nghỉ trưa thì bố ra công trường trước thì gặp nạn. Nếu lúc đó, em trai út đi cùng bố thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với gia đình em nữa”, Thâm thở dài. Tiếp lời, người con rể cho hay, thể trạng bố vợ vốn yếu mà thường xuyên gặp nạn. Hồi tháng 7/2019, ông Bình bị gãy một chân, chân còn lại bị mẻ xương vì vụ sập giàn giáo ở Vũng Tàu. Điều trị đến tháng 11/2020 ông mới bình phục sức khỏe rồi vào Vinh làm thì lại gặp nạn.

Trưa 2/1/2021, 11 công nhân thi công công trình trụ sở làm việc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An (đóng ở phường Hưng Phúc, TP Vinh) vào thang cáp vận hành để lên vị trí thi công. Lúc thang cuốn lên gần đến nơi thì bất ngờ gặp sự cố và rơi tự do xuống mặt đất. Vụ tai nạn khiến 03 người tử vong, 08 người còn lại bị thương nặng.

Được biết, dự án Trụ sở làm việc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An do Ban Quản lý các dự án xây dựng dân dụng và kỹ thuật hạ tầng đô thị (nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Nghệ An) làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần thi công cơ giới và xây lắp 171. Công trình được khởi công vào tháng 1/2020, thời gian thi công dự kiến là 715 ngày. Trao đổi với báo chí ông Lê Tiến Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thi công cơ giới và xây lắp 171 cho biết, chiếc thang tời bắt đầu lắp từ tháng 9/2020, trước khi lắp đặt đưa vào sử dụng thang tời đã được kiểm định theo quy định.

Đọc thêm