Quảng Ngãi: Bội tín quy hoạch khiến hàng chục hộ dân 24 năm rơi vào cảnh khốn cùng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 24 năm khiến hàng trăm hộ dân sống tại trung tâm TP Quảng Ngãi (phường Lê Hồng Phong, tỉnh Quảng Ngãi) lâm vào cảnh khốn khổ, nhếch nhác vì dự án treo, bỗng dưng mới đây chính quyền lại thay đổi 180 độ, tính đến việc dừng triển khai dự án vì nhận thấy đền bù tái định cư sẽ thiệt thòi ngân sách nhà nước. 
Gia đình bà Hà ở trong ngôi nhà như “ổ chuột”.
Gia đình bà Hà ở trong ngôi nhà như “ổ chuột”.

Tương tự, cũng nằm trong trung tâm thành phố này, 17 năm qua (2004 - 2021) hàng chục hộ dân ở phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi không thể nâng cấp, sửa chữa nhà ở và cũng không được cấp sổ đỏ bởi vướng quy hoạch dự án trường THPT Lê Trung Đình (giai đoạn 2).

Bế tắc trên đất mình

Nếu như con đường Hai Bà Trưng của TP Quảng Ngãi sầm uất, náo nhiệt bao nhiêu, thì chỉ cách đó vài chục mét vào bên trong, là cuộc sống trái ngược của nhiều mảnh đời khốn khổ vì quy hoạch treo. Chẳng ai nghĩ rằng, giữa trung tâm thành phố lại có một khu vực bị bỏ quên như khu dân cư số 14 phường Lê Hồng Phong. Cả khu dân cư điêu tàn, nhà xiêu vẹo, đổ sập, nhếch nhác, đìu hiu.

Những ngày đầu tháng 4, trời nắng như đổ lửa, bà Bùi Thị Thục (53 tuổi) phải oằn mình sống dưới mái tôn thấp lè tè, thủng lỗ chỗ, mồ hôi nhễ nhại soạn từng bó rau, chuẩn bị cho buổi bán chiều. Suốt 24 năm qua, từ ngày đất trồng lúa bị thu hồi, bà nhận đền bù được 200-300 triệu, số tiền it ỏi không đủ chữa bệnh cho mẹ già rồi hết, bà đã phải làm đủ nghề để trang trải cuộc sống, chăm lo con cái học hành. Nhà đổ nát, nhưng không có tiền để sửa, hàng chục nhân khẩu của gia đình bà cứ lay lắt trong cảnh sống tạm bợ. 

Bà Thục gạt nước mắt khi nói về nỗi khổ của gia đình, mẹ mất… khi sống trong vùng đất 24 năm bị “treo”.
Bà Thục gạt nước mắt khi nói về nỗi khổ của gia đình, mẹ mất… khi sống trong vùng đất 24 năm bị “treo”.  

“24 năm qua, khoảng thời gian so sánh bằng một thế hệ ra đời, chúng tôi cứ mang cảm giác bị bỏ rơi. Đường đất chật hẹp, dây điện giăng kín trên đầu, nhưng chúng tôi không được phép sửa chữa vì vướng quy hoạch. … Thống khổ mỗi ngày thì rõ rồi, còn các dự án xung quanh đã làm vùng này trở thành nơi trũng thấp, ẩm ướt, thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

Những lúc như vậy, chính quyền cũng không có chủ trương việc phun thuốc phòng bệnh. Mẹ tôi, bà Phan Thị Vân (75 tuổi) cũng vì chờ đợi trong bệnh tật, khổ sở mà mất. Tôi mong sao dự án được triển khai, đền bù, rồi về khu tái định cư, chứ sống cảnh này mệt mỏi lắm”, bà Thục ngao ngán kể.

Gần đó, căn nhà bà xập xệ của bà Đặng Tạ Thị Thu Hà (55 tuổi) cũng chực chờ đổ ập. Hàng chục năm qua, vật dụng trong gia đình đều được bà gói ghém bỏ vào túi nilon. Bà khổ sở lý giải, vốn dĩ bà làm như thế để mỗi khi nghe tin mưa gió, hai vợ chồng nghĩ cách “chạy đi trú ẩn và ôm theo túi đồ cho tiện”. Vừa nói bà Hà vừa chỉ tay lên mái ngói mục nát, tường phủ đầy rêu.

Bà kể tiếp, từ khi chưa có chồng, bà đã nghe về dự án ở vùng này. Đến bây giờ có cháu, bà mà vẫn chưa thấy được tái định cư. Khu vực tổ 14 của bà nằm trong vùng quy hoạch thực hiện nhiều dự án như: Đê bao thị xã Quảng Ngãi; khu Trung tâm hành chính tỉnh; đường kè sông Trà Khúc, đường Hai Bà Trưng… Các dự án có cái đã làm, cái chưa làm, nhưng diện tích đất nông nghiệp của bà đã thu hồi gần hết mà tái định cư vẫn dang dở.

Người dân trình bày nỗi bức xúc, khổ sở vì dự án treo suốt 24 năm qua.
 Người dân trình bày nỗi bức xúc, khổ sở vì dự án treo suốt 24 năm qua. 

“Chúng tôi là cư dân của một trong bốn phường đầu tiên được thành lập nhưng đến giờ vẫn sống ở khu nhếch nhác như khu ổ chuột. Chúng tôi chỉ muốn nhanh chóng được đền bù, di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống. Ở đây vừa không có đất sản xuất, vừa không thể buôn bán kinh doanh, phải tha phương kiếm sống”, bà Hà mong mỏi. 

Tương tự phường Lê Hồng Phong, sau những ngôi nhà cao tầng hoành tráng ở đường Phan Đình Phùng là nơi có hàng chục hộ dân của phường Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi) cũng đang khốn khổ vì quy hoạch treo của giai đoạn 2, dự án trường THPT Lê Trung Đình, được triển khai từ 2004.

Căn nhà xây đã gần 40 năm sát vách với Trường THPT Lê Trung Đình, nơi ở của gia đình bà Lê Thị Bui cùng con gái và 3 đứa cháu ngoại. Nhà cửa xiêu vẹo, rách nát, trống trải. Nhà vệ sinh đã hỏng, nước thải của gia đình bà tràn cả ra vườn, gây ô nhiễm nặng.

Gần đó, gia đình bà Võ Thị Minh Huệ (63 tuổi) đã tăng lên 7 nhân khẩu với 3 thế hệ chen chúc trong ngôi nhà chật chội gần 100 m2, xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa. Bà Huệ bức xúc: “Không biết vì sao mà lại nhùng nhằng mãi, chưa xử lý cho chúng tôi? Nhà này giờ thấp hơn mặt đường nên cứ mưa là ngập, phải dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài. Không phải riêng nhà tôi, ở đây ai cũng vậy”. 

Lợi ích không đảm bảo, chính quyền chọn bỏ rơi nguyện vọng dân?

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 1997, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Đê bao thị xã Quảng Ngãi (cũ) liên quan đến các hộ dân đang sống tại tổ 14 phường Lê Hồng Phong, TP. Quảng Ngãi. Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục ký phê duyệt quy hoạch Khu trung tâm hành chính tỉnh. 

Để tái định cư cho người dân tổ 14, năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt đầu tư dự án Khu đô thị mới phục vụ tái định cư Khu II Đê bao - TP. Quảng Ngãi. Dự án được chia thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 273 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi trên 15 ha, có 560 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. 

Trớ trêu thay, từ khi có chủ trương đến nay, trải qua 5 kỳ lãnh đạo, tỉnh Quảng Ngãi vẫn điệp khúc khảo sát để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án rồi… để đó. Điều đáng nói, các dự án có cái đã làm, cái chưa làm, nhưng diện tích đất nông nghiệp của bà con đã thu hồi gần hết mà việc tiến hành tái định cư vẫn dang dở. Hiên nay, còn khoảng hơn 262 hộ thuộc giai đoạn 2 của dự án phải tiếp tục chờ. 

Trước đó, theo lãnh đạo phường Lê Hồng Phong, Quảng Ngãi đang có 2 phương án cho khu vực trên, hoặc tiếp tục làm giai đoạn 2, hoặc chỉnh trang lại rồi cấp sổ đỏ cho người dân. Địa phương ủng hộ người dân và đề nghị các cấp tiếp tục làm dự án hoàn thành.

Người dân phải sống trong cảnh nhà cửa tạm bợ, xuống cấp nhưng không được xây sửa.
Người dân phải sống trong cảnh nhà cửa tạm bợ, xuống cấp nhưng không được xây sửa. 
Một hình ảnh đổ nát, hoang tàn tại vùng Dự án treo trường PTTH Lê Trung Đình.
Một hình ảnh đổ nát, hoang tàn tại vùng Dự án treo trường PTTH Lê Trung Đình.  

Thế nhưng, tại cuộc hop báo quý I tổ chức chiều 7/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, trong năm nay, sẽ có quyết định dừng giai đoạn 2 của dự án, không bố trí tái định cư mà thực hiện chỉnh trang đô thị tại chỗ. 

Chủ tịch tỉnh lý giải, kinh phí đền bù giai đoạn 2 tính sơ bộ hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi đó, Quảng Ngãi chỉ thu về 4 hecta đất thương phẩm. Như vậy sẽ thiệt thòi cho ngân sách nhà nước. Điều này cũng đồng nghĩa, sau 24 năm treo kế sinh nhai của người dân, vì lý do lợi ích không đảm bảo, Quảng Ngãi đã chọn hướng… quay đầu.

Theo người dân tại dự án trình bày, do không còn đất sản xuất và đã hơn 20 năm chờ đợi, kinh tế kiệt quệ, người dân không còn khả năng xây dựng nhà cửa. Cũng vì lời hứa của các cấp chính quyền qua mỗi thời kỳ, ai ấy đều trông chờ dự án triển khai, họ có ít tiền đền bù để lo cho con cái đang tha phương khắp nơi và trang trải cuộc sống. Nhưng nay thì công cốc. “Yếu tố thời gian khiến chúng tôi khó khăn thực sự, chứ không phải sống “ký sinh”. Nhưng chính quyền lại lấy bế tắc của mình để đẩy sang cho người dân, cho thấy không có trách nhiệm, không sâu sát với thực tế của bà con, là bội tín”, các hộ dân bức xúc.

Đối với Dự án “treo” trường THPT Lê Trung Đình, theo ông Nguyễn Thành Trung - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dự án được triển khai từ 2004 trên diện tích quy hoạch gần 24.000m2 ở phường Chánh Lộ. Giai đoạn 1, dự án đã thu hồi khoảng 21.000 m2 và bố trí đất tái định cư cho người dân.

Năm 2016, UBND Quảng Ngãi phê duyệt giai đoạn 2 của dự án với diện tích gần 2.500 m2, tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng. Xây dựng hạng mục dãy phòng học và phòng bộ môn; tường rào cổng ngõ. Cuối năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định điều chỉnh dự án, không lấy đất của 19 hộ dân, dùng số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng để bổ sung các hạng mục còn thiếu cho trường, phục vụ công tác giảng dạy. Nhưng dù được loại ra khỏi dự án, các hộ dân vẫn không được sửa chữa nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vẫn nằm trong vùng quy hoạch.

Cũng theo ông Trung, kế hoạch ban đầu, 19 hộ dân sẽ được tái định cư ở đường Lê Đại Hành, nhưng do khu này chỉ có 13 lô đất còn lại sau khi tái định cư giai đoạn 1 nên không đủ đất. Khi dừng thu hồi đất giai đoạn 2, các hộ dân thống nhất ở lại chỗ cũ. Hiện Ban dự án đã gửi hồ sơ cho Phòng Quản lý đô thị TP. Quảng Ngãi, để cơ quan này tham mưu cấp trên, loại 2.500 m2 đất của 19 hộ dân ra khỏi quy hoạch, cấp sổ đỏ và giải quyết các kiến nghị của người dân”, ông Trung cho biết.

Đọc thêm