Sởn da gà dự lễ hội rước rắn kinh dị ở Italia

(PLVN) - Tại Italia, biểu tượng rắn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Người ta còn nói rắn là biểu tượng của may mắn và tốt lành. Chính vì vậy, mỗi năm cứ vào thứ năm đầu tiên của tháng 5, hàng ngàn du khách lại nườm nượp đổ về đất nước này để được tham dự và chứng kiến lễ hội rước rắn độc đáo.
Hàng chục con rắn chúa khổng lồ quấn quanh đầu tượng thánh Domenic trong lễ hội
Hàng chục con rắn chúa khổng lồ quấn quanh đầu tượng thánh Domenic trong lễ hội

Lễ hội tôn vinh Thánh San Domenic

Trên thế giới có rất nhiều lễ hội độc đáo và thú vị. Một trong những lễ hội ấn tượng nhưng cũng không kém phần kinh dị là Lễ hội rước rắn hay còn gọi là Lễ hội Festa dei Serpari, được tổ chức tại thị trấn nhỏ xinh Cocullo (Italy). Lễ hội được coi là một phần quan trọng của nền văn hóa của một đất nước này.

Cocullo là một thị trấn nhỏ có từ thời Trung cổ ở vùng Abruzzo, ngày nay thuộc tỉnh L’Aquilla, được coi là một trong những nơi có thiên nhiên hoang sơ nhất Italy. Cocullo cũng bình dị như bao ngôi làng khác ở miền Đông Nam Italy. Nó nằm khuất sau những quả đồi thấp với dân cư thưa thớt. Cuộc sống của người dân nơi đây cũng rất bình dị.

Hàng ngàn du khách chen chúc nhau trong lễ hội rắn bò nhung nhúc
Hàng ngàn du khách chen chúc nhau trong lễ hội rắn bò nhung nhúc  

Theo website của địa phương, có 2 giả thiết về nguồn gốc về việc tổ chức Lễ hội rắn. Theo đó, một truyền thuyết có niên đại 3.000 năm về trước đã khai sinh cho lễ hội rắn, đó là việc thờ cúng Nữ thần rắn Angitia của người Marsia để bà bảo vệ họ khỏi bị sói, gấu và dịch sốt rét tấn công. Người Marsica thuở xưa rất nổi tiếng với tài thuần phục rắn độc.

Lễ hội được cho là bắt nguồn từ nữ thần này, lâu đã được người dân ở miền trung Italy tôn thờ.  Tuy nhiên giả thuyết về vị Thánh San Domenic được nhiều người tin tưởng hơn cả. Theo đó, tương truyền, tại nơi này vào thế kỷ 11, dân làng chủ yếu làm nghề săn bắt và đốn củi nên có rất nhiều người đã bị rắn độc cắn chết. Lúc này, San Domenic di Sora là một thầy lang đã giúp rất nhiều người trị rắn độc. Ông cũng giúp dân làng chữa lành rất nhiều các chứng bệnh khác nhau như đau đầu, đau răng... Và để tỏ lòng biết ơn, kể từ năm 1392 (thế kỷ 14), người dân lấy ngày thứ 5 đầu tiên của tháng 5 tổ chức lễ hội để tôn vinh ông.

Những thiếu nữ xinh đẹp check-in cùng rắn
Những thiếu nữ xinh đẹp check-in cùng rắn  

Người dân đã tạc tượng và trang điểm cho tượng Thánh San Domenic bằng đá quý và tiền. Họ tin rằng những nghi thức này sẽ giúp họ tăng được sự kháng độc đối với những loài rắn độc trong khu vực và nghi lễ này sẽ giúp bản thân không bị rắn độc cắn trong vòng một năm. Vào ngày diễn ra lễ hội, hơn 30 chú rắn to bò quanh đầu, cổ và phía dưới chân bức tượng, được người dân khiêng đi quanh làng. Lũ rắn được cho uống sữa trước khi những người thuần phục rắn đem chúng phủ lên bức tượng Thánh San Domenico. 

Được biết, càng nhiều con rắn cuốn quanh cổ vị thánh này càng là dấu hiện báo điềm lành. Ngược lại nếu rắn bò ra khỏi tượng thì đó là điều kém may mắn. Người dân còn tin rằng những con rắn nào rơi ra khỏi bức tượng sẽ được coi là điềm xấu. Vì thế, người ta luôn cố gắng thuần phục những con rắn để chúng bám chặt vào bức tượng, tránh mang lại vận rủi cho người xem.

Người ta quan niệm để rắn cuốn vào tay, vào người sẽ mang lại phước lành
Người ta quan niệm để rắn cuốn vào tay, vào người sẽ mang lại phước lành  

Tuy nhiên, những người tham gia cũng có thể ném những con rắn nhỏ vào tượng thánh. Sau đó nhặt chúng lên cho chúng trườn lên người để mang lại cho mình khả năng chữa bệnh. Đám rước đi trong tiếng kèn ôboa và clarinet của một ban nhạc dẫn đầu. Theo sau còn có các cô gái địa phương trong những bộ trang phục viền ren mang theo các loại bánh kẹo truyền thống như bánh rán ciambelli để phân phát cho người xem.

Đám rước sẽ được diễu hành qua tất cả những con đường xung quanh thị trấn. Đến buổi trưa, bức tượng thánh được đưa ra khỏi nhà thờ và tới quảng trường lớn. Khoảng hơn 300 người dân địa phương cùng tham gia rước kiệu rắn. Người dân Cocullo quan niệm, việc rước Thánh rắn sẽ giúp họ tăng khả năng miễn dịch với nọc độc rắn cắn trong cả năm sắp tới, cho tới lễ Thánh rắn năm sau. Đám rước sẽ được kéo dài đến chiều tối. Cuối cùng bức tượng sẽ được khiêng tới nhà thờ trong tiếng kêu vang vọng của những chiếc chuông.

Sau đó, người ta sẽ bắn một màn pháo hoa để kết thúc nghi lễ. Sau khi tất cả những nghi lễ kết thúc, những con rắn sẽ được thả tự do vào rừng thay vì bị giết làm đồ ăn như thuở xưa. Lễ hội diễn ra trong vòng 90 phút, sau đó người dân và du khách sẽ được chứng kiến màn pháo hoa rực rỡ và đẹp mắt

Từ trẻ em đến người lớn đều không sợ rắn

 Mặc dù lễ hội thực sự diễn ra vào tháng 5 nhưng các sự kiện tiền lễ hội đã được khởi động từ tháng 3. Cụ thể là vào giữa tháng 3, người dân địa phương và những người thuần phục rắn sẽ đi săn tìm, gom rắn xung quanh vùng và bẻ răng có nọc độc và vỗ béo chúng bằng chuột, trứng để phục vụ cho lễ hội. Một số loài được đặc biệt ưa chuộng là rắn 4 sọc, rắn cỏ và rắn roi xanh. Sau đó những con rắn này sẽ được nuôi giữ cho tới tháng 5 để chuẩn bị cho đám rước. Khi lễ hội chính thức diễn ra, người xem sẽ im lặng tuyệt đối khi những nhà thuần phục rắn quấn rắn vào tượng thánh.

Alexandro - một thanh niên tham gia lễ hội chia sẻ: “Số lượng rắn bắt được hàng năm để tham gia lễ hội không cố định. Để bắt được rắn, người đi bắt thường phải là người địa phương và có kinh nghiệm. Việc tìm bắt rắn được tiến hành vào khoảng tháng 3 hàng năm và được tiến hành rất cẩn trọng. Loài rắn bắt được chủ yếu là loại không có nọc độc.

Ở vùng đất này trẻ em cũng không sợ rắn
Ở vùng đất này trẻ em cũng không sợ rắn  

Năm 2018, những người đăng ký bắt rắn - được gọi là các ‘Serparo’, chỉ bắt được 92 con rắn trưởng thành cho lễ hội. Ngay sau lễ hội, các con rắn này lại được trả về môi trường tự nhiên với ý nghĩa sẽ che chở cho người dân khỏi những tai ương trong suốt một năm mới”. Trong lễ hội, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh người dân cầm những con rắn hoặc để chúng quấn quanh cổ. Cảnh tượng này có vẻ đáng sợ và làm không ít những du khách chứng kiến phải ngạc nhiên.

Tuy nhiên, tất cả mọi người từ trẻ em đến người lớn đều không sợ rắn. Họ luôn vuốt ve và khoác những con rắn lên cổ vì tin rằng điều đó sẽ giúp họ có được may mắn. Có thể nói Lễ hội rắn ở Cocullo được coi là kỳ lạ bậc nhất trong các lễ hội ở “đất nước mang hình chiếc ủng”. Làng Cocullo có dân số 285 người nhưng lễ hội độc đáo của họ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách. Chính vì vậy, dù là ngôi làng yên bình, nhưng vào ngày diễn ra lễ hội, khách du lịch, phóng viên, các nhiếp ảnh gia cũng đứng thành hàng dài trên phố để chờ đợi lễ rước rắn diễn ra.

Nhiều người còn bắt những chú rắn nhỏ hoang dã để cầm trên tay nhằm hòa chung cùng không khí của lễ hội. Tuy nhiên cũng phải cảnh báo rằng, cảnh tượng của lễ rước rất kỳ lạ và lễ hội này không phù hợp với những người yếu tim.

Đọc thêm