Sơn La: Thiếu chặt chẽ trong bồi thường, huyện Vân Hồ bị khiếu nại

(PLVN) - Quá trình phê duyệt bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Đường Quốc lộ 6 đi Trung tâm hành chính huyện Vân Hồ chưa chặt chẽ, thiếu chính xác khiến UBND huyện Vân Hồ bị người dân khiếu nại.
Nhà và tài sản của hai hộ dân đã bị chính quyền cưỡng chế, san phẳng.
Nhà và tài sản của hai hộ dân đã bị chính quyền cưỡng chế, san phẳng.

Huyện dẫn chiếu sai luật?

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 23/5/2016, UBND huyện Vân Hồ có Thông báo thu hồi đất số 878/TB-UBND thu hồi đất của khoảng 196 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức trên địa bàn xã Vân Hồ với tổng diện tích đất thu hồi dự kiến hơn 214 ngàn m2. Trong đó, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thắm bị thu hồi 1324,5m2 đất cây lâu năm, hộ bà Nguyễn Thị Bao (cùng ở Tiểu khu Sao Đỏ 2, xã Vân Hồ) bị thu hồi 149,3m2 đất ở nông thôn.

Việc kiểm đếm được thực hiện sau đó nhưng bẵng đi một thời gian dài, cơ quan chức năng không thực hiện việc thu hồi đất.

Gần 2 năm sau, ngày 4/1/2018, UBND huyện Vân Hồ có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án và ngày 30/3/2018 có quyết định phê duyệt điều chỉnh hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán xây dựng công trình.

Ngày 9/4/2018, UBND huyện có thông báo số 880/TB-UBND “thông báo chủ trương” thu hồi đất để thực hiện xây dựng dự án (bổ sung). Theo đó, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thắm bị thu hồi 208,8m2 đất ở nông thôn và 101,0m2 đất cây lâu năm.

Tới ngày 2/12/2019, UBND huyện Vân Hồ có văn bản số 3601/UBND-TNMT (bản photo đưa cho người dân có chữ ký của chủ tịch Nguyễn Huy Anh nhưng không đóng dấu) có nội dung nhất trí thu hồi đối với diện tích đất ở còn lại nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng đối với 2 hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thắm (khoảng 125m2) và hộ bà Nguyễn Thị Bao (khoảng 98m2).

Tới ngày 23/6/2020, UBND huyện Vân Hồ mới có quyết định số 723/QĐ-UBND thu hồi đất (đoạn điều chỉnh tuyết đợt 6). Theo đó, tổng diện tích đất bị thu hồi của 2 hộ gia đình nói trên là 1682,3m2, trong đó có 400m2 đất ở và 1282,3m2 đất cây lâu năm.

Quy trình thực hiện cưỡng chế đối với hai hộ gia đình cũng có dấu hiệu chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật.
Quy trình thực hiện cưỡng chế đối với hai hộ gia đình cũng có dấu hiệu chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật. 

Trong quá trình triển khai dự án, ngay từ khi kiểm đếm, hộ gia đình bà Thắm, bà Bao đã nhiều lần có đơn kiến nghị, trong đó có nêu việc cơ quan giải phóng mặt bằng không lên phương án bồi thường một số hạng mục tài sản, vật kiến trúc của gia đình như: nhà khung cột sắt, mái lợp tôn, thưng tôn, nền láng xi măng, 2 bể nước tường xây gạch, bán mái trước cửa nhà, khung cột sắt, nền láng xi măng, lợp tôn; trụ cổng, cánh cổng sắt…

Giải quyết nội dung này, tại các văn bản 2343/UBND-KTHT (20/8/2019)  1499/UBND-TNMT (19/5/2020), 1848/UBND-TNMT (24/6/2020), 2560/UBND-TTH (26/8/2020), UBND huyện Vân Hồ đều viện dẫn quy định tại Khoản 2, Điều 49 Luật đất đai năm 2013 về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định:

“Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.

Theo UBND huyện Vân Hồ thì Đồ án chung xây dựng tỷ lệ 1:2000 Trung tâm hành chính, chính trị huyện Vân Hồ đã được phê duyệt ngày 17/7/2014; Kế hoạch sử dụng đất năm 2015 được phê duyệt ngày 9/2/2015; Việc công bố công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2015 được Phòng TN&MT thực hiện tại Thông báo số 02/TNMT ngày 17/7/2015.

UBND huyện Vân Hồ cho rằng, phần tài sản của hai hộ gia đình nói trên “là phần tài sản được hình thành trái quy định của pháp luật. Công trình xây dựng hình thành sau ngày công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền” nên theo quy định tại Khoản 2, Điều 92 Luật Đất đai thì các tài sản, vật kiến trúc của hai gia đình trên không được bồi thường.

Trong phạm vi bài viết này, PLVN chưa đề cập đến “bằng chứng” xác định thời điểm tạo lập tài sản mà UBND huyện Vân Hồ đưa ra đã đúng chưa cũng như nhiều vấn đề chưa rõ ràng khác mà chỉ dẫn quy định tại Khoản 3, Điều 49 Luật Đất đai.

Cụ thể:

“Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Phân tích về trường hợp này, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Tạm tính từ thời điểm Phòng TN&MT huyện Vân Hồ có Thông báo công khai Kế hoạch sử dụng đất năm 2015 - ngày 17/7/2015 đến ngày 23/6/2020 khi UBND huyện Vân Hồ có quyết định thu hồi đất đã là sau gần 5 năm nên theo quy định của pháp luật đã phải điều chỉnh, hủy bỏ. Do đó, người sử dụng đất không bị hạn chế việc xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm. Rõ ràng, dẫn chiếu luận của UBND huyện Vân Hồ như trên là thiếu cơ sở, chưa thuyết phục”.

Phê duyệt kiểu “nhỏ giọt”

Xem xét đơn thư và hồ sơ dự án, hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng do người dân cung cấp còn cho thấy, quá trình phê duyệt bồi thường của huyện Vân Hồ có sự không chặt chẽ, thiếu chính xác, phê duyệt theo kiểu “nhỏ giọt”, sau mỗi lần người dân có đơn thư lại được bổ sung một số tài sản. Cách làm này không những cho thấy năng lực của cán bộ chuyên môn “có vấn đề” mà còn làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự thực thi công việc của cơ quan nhà nước.

Cụ thể như sau khi người dân có đơn, văn bản số 1499/UBND-TNMT ngày 19/5/2020, bổ sung cho gia đình những hạng mục còn thiếu như phần móng bậc lên xuống, công trình nhà tắm, nhà vệ sinh, cây nhãn cho quả trên 10 năm…

Mới đây nhất, tại văn bản trả lời ngày 30/10/2020, UBND huyện Vân Hồ lại “bổ xung” đường lên cổng, phần tường xây gạch block 110mm, không trát, dưới chân bán mái với diện tích 9,5m2; cửa sắt ra công trình phụ khung sắt, thép lưới B40, nằm trong bán mái khung cột sắt với diện tích 5m2 với lý do được đưa ra là: chưa có trong phương án đền bù được phê duyệt tuy nhiên “đoàn kiểm tra xác minh nhận thấy phần tài sản trên đủ điều kiện đền bù”, đồng thời nêu: “căn cứ kết quả xác minh của Thanh tra huyện, UBND huyện nhận thấy có đủ cơ sở để được hưởng đền bù theo quy định”.

Từ một số dẫn chứng kể trên đã cho thấy, quá trình triển khai dự án, phê duyệt bồi thường của UBND huyện Vân Hồ đối với dự án này còn rất nhiều “lỗ hổng”. Ngoài ra, việc giải quyết đơn thư cũng chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Khiếu nại.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin làm rõ.

Văn bản số 2560/UBND-TTH ngày 26/8/2020 trả lời đơn của UBND huyện Vân Hồ thừa nhận: Qua kiểm tra hồ sơ cho thấy, việc thực hiện quy trình, thủ tục thu hồi đất còn kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án. Một số hồ sơ, thủ tục còn thiếu chặt chẽ, chưa có sự phối hợp của gia đình.

UBND huyện cũng cho biết, đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các cơ quan chuyên môn rà soát lại toàn bộ hồ sơ quá trình thực hiện dự án. Nếu có sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý kiểm điểm trách nhiệm.

Đọc thêm