Khách hàng phải làm sao khi mua phải mỹ phẩm giả?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tôi mua kem dưỡng da thương hiệu có tiếng quen dùng, song lần này bị dị ứng rất nghiêm trọng. Xem lại bao bì, tôi thấy không giống hoàn toàn nhãn mác loại đã dùng trước đó. Tôi nghi ngờ đây là hàng giả nhưng không biết phải làm sao để bảo vệ quyền lợi cho mình? 
(Hình minh họa)
(Hình minh họa)

Về tình huống trên, Luật sư Võ Đan Mạch – Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha tư vấn như sau: 

Đầu tiên, bạn cần giữ nguyên hiện trạng lọ mỹ phẩm, đồng thời giữ lại giấy bảo hành, hóa đơn mua hàng và các chứng từ khác liên quan tới việc mua sản phẩm. Ngoài ra, khi khám chữa dị ứng tại bệnh viện da liễu, bạn cần giữ lại các chứng cứ chứng minh thiệt hại như: phiếu chuẩn đoán của bệnh viện, viện phí, đơn thuốc...

Tiếp theo, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa (người bán hàng) chịu trách nhiệm bồi thường, bạn có thể chọn các cách sau:

- Thương lượng, hòa giải: Mục 1 và Mục 2 Chương 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và người bán hàng có thể được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải.

Theo đó, người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu người bán hàng thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Người bán hàng có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Ngoài ra, người bán hàng và người tiêu dùng có quyền thỏa thuận lựa chọn bên thứ ba là cá nhân hoặc tổ chức hòa giải để thực hiện việc hòa giải.

- Quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng. Do đó, bạn có thể gửi khiếu nại tới một trong những cơ quan sau: Chi cục quản lý thị trường của địa phương; Thanh tra Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Người bán hàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền theo quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

- Khởi kiện tại tòa án: theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đủ các điều kiện sau: cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng bị khởi kiện; vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.

Nếu có đủ căn cứ cho rằng việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng đã gây thiệt hại cho mình, bạn có thể khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm trên bồi thường thiệt hại.

Đọc thêm