Tài sản riêng của một bên khi nào thì được xác định là tài sản chung vợ chồng?

(PLVN) - Qua các thời kỳ, Nhà nước ban hành các đạo Luật Hôn nhân và Gia đình có nội dung quy định khác nhau về chế độ tài sản của vợ chồng. Bởi vậy, việc xác định là tài sản riêng hay tài sản chung còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật ở thời điểm tạo lập tài sản, thời điểm kết hôn, vào những sự kiện pháp lý làm thay đổi chế độ sở hữu tài sản...
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Hỏi: Cậu mợ tôi lấy nhau vào những năm 60 của thế kỷ trước và chung sống từ đó đến nay trong căn biệt thự tại Hà Nội mà cậu tôi được tặng cho riêng từ trước khi cưới. Mặc dù ngôi biệt thự đứng tên riêng cậu tôi nhưng cậu đã tự nguyện đưa vào sử dụng chung, coi như đó là tài sản chung của vợ chồng. 

Nay cậu mợ tôi mâu thuẫn, mợ tôi yêu cầu ly hôn và đòi chia nửa ngôi biệt thự dù trên giấy tờ nhà đất xưa giờ vẫn đứng tên riêng của cậu tôi. Xin hỏi ly hôn trong trường hợp này liệu cậu tôi có bị mất một nửa ngôi nhà? (Ông Đỗ Đức Hà, 50 tuổi ở Hà Nội) 

Trả lời: Không phải cứ là tài sản có trước khi kết hôn thì là tài sản riêng, cũng không phải tài sản riêng cứ đưa vào sử dụng chung nhiều năm thì trở thành tài sản chung. Việc xác định tài sản là tài sản riêng hay tài sản chung còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật ở thời điểm tạo lập tài sản, thời điểm kết hôn, vào những sự kiện pháp lý làm thay đổi chế độ sở hữu tài sản.

Nhà nước ta đã ban hành nhiều đạo Luật Hôn nhân và Gia đình và có nội dung quy định khác nhau về chế độ tài sản của vợ chồng, cụ thể là: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 (có hiệu lực thi hành từ 15/1/1960 đến 2/1/1987 trên lãnh thổ miền Bắc; từ 25/3/1977 đến 2/1/1987 trên lãnh thổ miền Nam) quy định vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới.

Vì vậy, các quan hệ hôn nhân xác lập trong thời kỳ thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 nêu trên thì tài sản có trước khi cưới trở thành tài sản chung của vợ chồng kể từ thời điểm kết hôn. 

 

Thực tiễn áp dụng pháp luật xác định, những tài sản đã trở thành tài sản chung như trên sẽ vẫn là tài sản chung nếu vợ chồng không làm thủ tục phân chia thành tài sản riêng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 (có hiệu lực từ 3/1/1987 đến 31/12/2000), Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (có hiệu lực từ 1/1/2001) và Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2015) đều có quy định tài sản có trước khi kết hôn là tài sản riêng. Việc chuyển tài sản riêng thành tài sản chung phải theo đúng thủ tục quy định của pháp luật.

Việc nhập tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung được quy định tại Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 như sau: “Việc lập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng theo quy định phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng”. Theo đó vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

Trở lại trường hợp của cậu mợ ông, cuộc hôn nhân của hai cụ xác lập vào những năm 60 của thế kỷ trước nên việc ly hôn, chia tài sản sẽ được áp dụng theo quy định về phân chia tài sản của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959. Theo đó vợ, chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới.

Các quan hệ hôn nhân xác lập trong thời kỳ thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 thì tài sản có trước khi xác lập thời kỳ hôn nhân trở thành tài sản chung của vợ chồng kể từ thời điểm kết hôn. Trường hợp cậu ông có ngôi biệt thự là khối tài sản đứng tên riêng và có trước thời kỳ hôn nhân nhưng cậu ông tự nguyện đưa vào sử dụng chung và không có bất cứ cam kết nào về việc sẽ không nhập vào tài sản chung vợ chồng (hay không cam kết sẽ giữ là tài sản riêng) nên nó sẽ được coi là tài sản chung.

Như vậy, việc người vợ của cậu ông yêu cầu ly hôn và đòi chia một nửa ngôi biệt thự mà cậu ông được tặng cho riêng trước khi kết hôn là có căn cứ.  

Đọc thêm