Thạc sĩ Làng Sen chọn sen để khởi nghiệp

(PLVN) - Lớn lên từ đồng ruộng nên Phạm Kim Tiến luôn khao khát thoát khỏi lũy tre làng. Nhưng rồi, sau thời gian bươn chải, chàng trai trẻ quê Bác quyết định trở về nơi mình sinh ra để khởi nghiệp. Và con đường anh làm cũng đặc biệt khi chọn hoa sen để phát triển kinh tế, làm đẹp cho quê hương 
Chàng giám đốc 8X Phan Kim Tiến bên các sản phẩm từ sen
Chàng giám đốc 8X Phan Kim Tiến bên các sản phẩm từ sen

Hướng rẽ đặc biệt của chàng trai quê Bác 

Về thăm quê Bác những ngày này, nhiều người sẽ bất ngờ với những ao sen đang nở rộ dọc bên các con đường ở xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ngoài bông hoa sen màu đỏ, du khách sẽ bất ngờ với những bông hoa sen trắng tinh khôi và những bông hoa to, dày cả trăm cánh. Hương sen tỏa mùi thơm thanh khiết rất đặc trưng khiến quê Bác càng trở nên đặc biệt. 

Nhưng sẽ ít người biết rằng, chủ nhân của phần lớn những ao sen rực rỡ ấy là chàng trai trẻ Phạm Kim Tiến (34 tuổi). Từ thanh niên luôn khao khát xây dựng sự nghiệp ở thành phố, anh đã có ngã rẽ bất ngờ khi trở về nơi mình sinh ra để làm công việc liên quan đến nét văn hóa đặc trưng của quê mình. 

Sinh ra và lớn lên ở Kim Liên nên từ nhỏ Phạm Kim Tiến đã quen thuộc với hình ảnh những ao sen. Tuy nhiên, lúc đó đối với cậu thanh niên ấy chưa có ấn tượng gì đối với loại hoa được xem là quốc hoa của Việt Nam. Với mong muốn thoát khỏi lũy tre làng nên Tiến quyết tâm học tập, sau này tìm được công việc phù hợp nơi thành phố.

Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ về nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Phạm Kim Tiến lập nghiệp khắp nơi với đủ việc làm, ngành nghề khác nhau. Nhưng cuối cùng, Tiến lại chọn hướng rẽ đặc biệt khi quyết định trở về quê, làm công việc gắn với đất đai, ao hồ. 

Anh Tiến (trái) đang kiểm tra quy trình đóng gói sản phẩm tại HTX Sen quê Bác
Anh Tiến (trái) đang kiểm tra quy trình đóng gói sản phẩm tại HTX Sen quê Bác  

Bên vườn sen giống xanh tươi, Tiến chia sẻ, sau thời gian làm đủ việc, cũng thử kinh doanh mấy lần nhưng thất bại, cách đây 3 năm vào dịp cận Tết về quê, được biết lãnh đạo tỉnh có chủ trương “kêu gọi” người trẻ về quê khởi nghiệp và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp nên quyết định rời Hà Nội về quê. Và anh chọn hoa sen để đầu tư vì đây là loài hoa quen thuộc đối với những người dân quê hương Bác cũng là nơi mình sinh ra. 

Thêm một lý do nữa để chàng trai trẻ quyết tâm gắn bó với hoa sen là bởi, anh biết đây là loài hoa được xem là quốc hoa của Việt Nam, là hình ảnh Việt Nam, nhưng chưa khai thác hết giá trị của nó. Các sản phẩm lưu niệm từ hoa sen để khách nước ngoài có thể mang đi chưa đa dạng. Thế nên anh nghĩ phải làm cái gì đó để tạo ra giá trị của hoa sen. 

Nghĩ là vậy nhưng để bắt tay vào làm Tiến gặp không ít khó khăn. Bởi vùng nguyên liệu còn ở mức khiêm tốn, các hộ dân trồng sen chủ yếu sử dụng các giống sen địa phương, lâu năm, chất lượng còn hạn chế, mỗi năm chỉ một mùa. Do đó, việc thay đổi tư duy, suy nghĩ của người dân đổi giống sen để bán là điều khó thực hiện.

Các sản phẩm từ sen của HTX Sen quê Bác
Các sản phẩm từ sen của HTX Sen quê Bác  

Không thể thuyết phục bằng lời nói, Tiến quyết tâm bằng hành động. Với vốn kiến thức học được trong quá trình đi làm thuê, cộng với việc học hỏi thêm kinh nghiệm tại những nơi nổi tiếng về hoa sen, anh bắt tay vào công việc. Sau một thời gian dài mày mò nghiên cứu, cùng với sự giúp đỡ của nhiều thầy cô, bạn bè Tiến đã mang được 52 giống sen quý khắp nơi ươm trên vùng ruộng thấp trũng mà dân trong làng bỏ đi. 

Tiếp đến, anh cùng với các thành viên ở Hợp tác xã (HTX) Sen quê Bác nghiên cứu tìm tòi tận dụng tất cả những chế phẩm từ sen. Năm 2018, HTX Sen quê Bác ra đời với 7 thành viên, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen; chế biến sâu các sản phẩm về sen, gồm: Các loại trà sen (trà hoa sen, trà lá sen...), nhóm sản phẩm từ hạt (hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen; kim chi sen, củ sen muối; làm hương thắp từ sen...) Trong đó đã có 3 sản phẩm đạt OCOP của huyện Nam Đàn, có 2 sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà ướp bông sen. 

Nâng tầm hoa sen 

Sau những thành công bước đầu của HTX Sen quê Bác, Phạm Kim Tiến đã hợp tác với một số cửa hàng để trưng bày, bán trà sen, các chế phẩm từ sen tại Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh và ôm giấc mơ xuất khẩu. Anh cho biết, để làm ra những sản phẩm từ sen có giá trị luôn đòi hỏi sự công phu, tỉ mẩn cùng với máy móc hiện đại.

Ví như một bông hoa sen, anh phải cho nhân công thực hiện nhiều công đoạn, người hái bông, người nhặt bỏ những nhánh hoa, người tách nhụy sen và tách gạo sen. Những sản phẩm này sau đó sẽ được ủ với trà để cho ra sản phẩm đặc biêt mang thương hiệu của hợp tác xã. 

Một bí quyết mà anh Tiến chia sẻ là tất cả các công đoạn liên quan đến trà sen phải được thực hiện trong buổi sáng sớm để giữ được mùi thơm của loài hoa này. Do đó, vào những dịp cao điểm mùa hè, ngoài 12 nhân viên chính thức anh phải thuê hàng chục người để cùng hái sen và làm sen. 

Để những sản phẩm dân dã nhưng đặc biệt này có giá trị, HTX Sen quê Bác đã đầu tư hệ thống máy móc chế biến sâu các sản phẩm từ cây sen: máy sấy, máy hấp, máy ủ, máy đóng bao bì, máy hút chân không... Tất cả các sản phẩm đều được đóng gói đẹp mắt, có nhãn mác. Anh còn ước mơ hình thành nơi bảo tồn các giống sen đẹp, quý. Đến nay HTX đã thử nghiệm trồng thành công 52 giống, trong đó 15 giống nội địa, 37 giống ngoại, nhiều giống sen quý hiếm được trồng thành công như: Sen ngàn cánh, sen đỏ Bắc Kinh, sen Quan Âm... 

Một trong những sản phẩm cao cấp nhất được làm ra từ cây sen là trà ướp bông sen. Và để làm ra được sản phẩm này, đòi hỏi quy trình sản xuất được thực hiện nghiêm ngặt, kỳ công trong từng công đoạn. Nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng từ những đầm sen không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có môi trường trong lành. Vào mùa sen nở, những bông sen Bách Diệp to nhất còn đang hàm tiếu (chúm chím nở) sẽ được cắt vào khoảng 4 giờ sáng, khi chưa có ánh sáng mặt trời. Hoa sen được mang về cắm vào nước, sau đó nhẹ nhàng tách cánh hoa và bỏ vào khoảng 12g trà Shan Tuyết đã được ủ hương trước với gạo sen. 

Hiện nay, vùng nguyên liệu hoa sen tại Kim Liên của Tiến đã mở rộng khoảng 30 ha, trong đó có một số diện tích liên kết với các hộ dân. Tự mình anh có thể nhân giống, nuôi cấy, chuyển giao công nghệ, bao tiêu thu mua cho nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kinh tế cao. 

Chia sẻ về những dự định tương lai, anh Tiến cho hay, cảnh quan của vùng Kim Liên rất đẹp, nơi đây có thể phát triển dịch vụ tâm linh gắn liền với du lịch trải nghiệm với sen. Với mong muốn kết hợp giữa du lịch sinh thái với việc cho du khách trải nghiệm quy trình làm sen, tham quan, mua sắm, anh cùng các thành viên trong HTX thành lập dự án nhà máy chế biến các sản phẩm về sen kết hợp du lịch sinh thái phục vụ khách tham quan, nhằm mang đến một mô hình du lịch trải nghiệm thân thiện với thiên nhiên để phục vụ du khách. 

Mới đây, Liên minh HTX Việt Nam đã khánh thành công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ” tại Làng Sen với 4 hồ sen, 2 nhà dừng nghỉ, đường hoa, hàng rào, điện chiếu sáng và hai bia đá, cùng hệ thống hàng rào bao qua¬nh, đèn chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, hoa... Công trình được xây dựng nhằm kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) và thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, HTX Sen quê Bác cũng đã ký cam kết bảo trì, đón khách, khai thác công trình một cách hiệu quả. 

Đọc thêm