Thâu tóm Cầu Tre – bước đi chiến lược của đại gia Hàn

(PLVN) -Sau 34 năm thành lập, ngày 1/6/2017, doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu thực phẩm đông lạnh hàng đầu Việt Nam - Công ty CP Chế  biến hàng xuất khẩu Cầu Tre chính thức được Tập đoàn CJ thâu tóm. Chấp nhận bỏ số tiền lớn hơn nhiều so với giá khởi điểm, “đại gia”' Hàn Quốc này đã có những tính toán riêng của mình trong chiến lược giành thị phần mảng thực phẩm chế biến tại Việt Nam.
Thâu tóm Cầu Tre – bước đi chiến lược của đại gia Hàn

Thâu tóm doanh nghiệp thâm niên 34 năm chỉ trong vòng 5 tháng

Công ty Cầu Tre, tiền thân là Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre - đơn vị thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) - được xây dựng từ năm 1982 với các sản phẩm thịt đông lạnh, xúc xích, món ăn nấu chín sẵn, thực phẩm chế biến… Tuy không phải là cái tên mạnh trong ngành thực phẩm chế biến nhưng với lịch sử lâu đời, các món dimsum hải sản Cầu Tre, chả giò Cầu Tre, bún bò Huế Cầu Tre… đã trở thành sản phẩm quen thuộc với người dân tại miền Tây và miền Nam. Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp này cũng rất rộng với nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hà Lan…

Có lịch sử hoạt động lâu đời và khá năng động nhưng bắt đầu từ năm 2012, Cầu Tre lâm vào tình trạng thua lỗ liên miên. Tại thời điểm cuối quý III/2016, Cầu Tre có vốn điều lệ 117 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 19 tỷ đồng. Tính ra giá trị sổ sách của doanh nghiệp chỉ hơn 11.000 đồng với một kết quả kinh doanh khá ảm đạm. Vì thế, mức giá 65.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng định giá công ty ở mức 760 tỷ đồng (33 triệu USD) khiến nhiều người bất ngờ.

Cầu Tre rơi vào tầm ngắm của đại gia Hàn Quốc bắt đầu từ cuối năm 2016 khi CJ CheilJedang Corporation, một công ty con chuyên về thực phẩm và công nghệ sinh học thuộc Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) nhận chuyển nhượng toàn bộ 47,33% cổ phần từ 3 cổ đông lớn của Cầu Tre theo phương thức thỏa thuận không công khai. Doanh nghiệp này tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,6% vào cuối tháng 3 năm 2017, sau đó chi thêm 187 tỷ đồng mua cổ phần tương đương 20% vốn điều lệ từ SATRA để nắm giữ tỷ lệ 71,6% vào tháng 5/2017.

Tham vọng của CJ

Chấp nhận trả tới 80.000 đồng mỗi cổ phiếu trong phiên đấu giá cuối cùng, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 65.000 đồng, CJ Cheiljedang cho thấy quyết tâm thâu tóm Cầu Tre nhằm mở rộng chuỗi liên kết và phân phối trong ngành thực phẩm. Bởi nếu nhìn vào sự yêu thích của nhà đầu tư nước ngoài nói chung và “khát vọng” của CJ nói riêng đối với ngành thực phẩm chế biến/thực phẩm đông lạnh của Việt Nam thì mức giá này không có gì khó hiểu.

Kết quả của thương vụ mua bán và sáp nhập kéo dài hơn 5 tháng này cũng thể hiện chiến lược bành trướng phân khúc thực phẩm sau khi Tập đoàn CJ đã vững chân ở các mảng khác như nông nghiệp, logistics, rạp chiếu phim (chuỗi rạp CGV). Sở dĩ nói vậy là do trước thương vụ thâu tóm Cầu Tre, CJ đã tham gia vào cuộc chiến khốc liệt để giành thị phần mảng thực phẩm tại Việt Nam suốt 4 năm liên tiếp.

Ban đầu, một công ty thành viên của CJ liên doanh với Công ty CP Đầu tư phát triển Hoa Lâm nhằm phát triển dịch vụ cung cấp thực phẩm và thức ăn dinh dưỡng. Đầu năm 2016, sau thời gian đàm phán kéo dài, Tập đoàn này đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim và từng bước thâm nhập hệ thống bán lẻ với những sản phẩm truyền thống như kim chi, nước sốt BBQ, rong biển... Để phục vụ cho hoạt động sản xuất kim chi, doanh nghiệp này quyết định chi 2,1 triệu USD kết hợp với nông dân tỉnh Ninh Thuận trồng 10 ha ớt.

Chưa dừng lại ở đó, CJ còn thực hiện hàng loạt thương vụ M&A để mở rộng thị phần mảng thực phẩm ở Việt Nam. Nổi bật trong số này là việc mua lại 64,9% cổ phần (tương đương hơn 300 tỷ đồng) của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đông lạnh dạng viên. Tuy nhiên, Tập đoàn này đã đón nhận một thất bại trong cuộc đua nắm quyền sở hữu tại Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) vào giữa năm 2016.

Một số chuyên gia nhận định, tuy chỉ chiếm 2,8% thị phần nội địa nhưng điểm hấp dẫn của Cầu Tre là sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng, kênh tiêu thụ rộng khắp thông qua đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… và kinh nghiệm vận hành hệ thống sản xuất hơn 35 năm. Ngoài ra, việc doanh nghiệp này có sản lượng xuất khẩu ổn định sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới cũng góp phần củng cố vị thế của đại gia Hàn Quốc trong ngành thực phẩm đông lạnh. Sau khi hoàn tất thâu tóm, Công ty này đã chính thức đổi tên thành Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre, đồng thời điều chỉnh bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như chế biến rau quả, sản xuất các loại bánh từ bột và thức ăn chế biến sẵn, đồng thời tham gia bán buôn thực phẩm.

Hướng CJ Cầu Tre trở thành doanh nghiệp toàn cầu

Trở thành cổ đông nắm giữ 71,6% vốn điều lệ, Tập đoàn CJ đã thông qua nhiều nội dung quan trọng về kế hoạch kinh doanh và đầu tư. Dự án nhà máy chế biến thực phẩm mới tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) cũng được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động từ việc chuyển quyền sử dụng khu đất hiện hữu của doanh nghiệp tại quận Tân Phú, vay vốn ngân hàng VietinBank, vay cổ đông CJ Cheiljedang Corporation... 

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Công ty cho thấy, doanh thu thuần đạt 780 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 2,3 tỷ, giảm hơn 72% so với năm trước và chỉ hoàn thành phân nửa kế hoạch đề ra. Nếu không tính thu nhập từ cho thuê mặt bằng, thanh lý tài sản thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính giảm gần 13 tỷ đồng so với năm trước do doanh số mảng thực phẩm đông lạnh xuất khẩu sụt giảm đáng kể.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2017, doanh thu thuần dự kiến đạt 833 tỷ đồng. Do tập trung vào kênh bán lẻ tại thị trường nội địa nên dự kiến doanh thu và tỷ trọng đóng góp doanh thu từ xuất khẩu đều giảm mạnh so với năm trước, lần lượt xuống còn 458 tỷ đồng và 55%. Sau khi tiếp nhận khoản đầu tư lớn, Cầu Tre tập trung đổi mới về công nghệ chế biến, nhận diện thương hiệu và phát triển kênh bán lẻ nội địa, nhất là ở khu vực nông thôn. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này đặt mục tiêu lỗ trước thuế năm 2017 gần 25 tỷ đồng và nối dài chuỗi 3 năm liền kết quả kinh doanh tuột dốc.

Tuy nhiên, lãnh đạo CJ CheilJedang tự tin rằng CJ Cầu Tre sẽ là doanh nghiệp toàn cầu, bước ra thị trường thế giới. CJ Cầu Tre hướng đến xuất khẩu thực phẩm ra các thị trường nước ngoài thông qua mạng lưới thị trường hải ngoại của Tập đoàn CJ cũng như mở rộng nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm mới theo xu hướng K-Food thông qua việc kết hợp với thực phẩm truyền thống Việt Nam. CJ Cầu Tre cũng vạch ra nhiều chiến lược trong đó sẽ triển khai kế hoạch xây dựng Trung tâm R&D thực phẩm và Trung tâm an toàn thực phẩm, nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn và vệ sinh cho sức khỏe người tiêu dùng. 

Cầu Tre lãi gấp 80 lần sau khi về tay đại gia Hàn Quốc

Báo cáo tài chính được Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre công bố năm 2018 ghi nhận 975 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng gần 23% so với năm trước. Bán thực phẩm chế biến (chả giò, xúc xích…) và nông sản vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu với hơn 97%. Phần còn lại đến từ cho thuê kho bãi, kinh doanh bất động sản… Lợi nhuận gộp của Thực phẩm CJ Cầu Tre tăng 33% so với năm trước nhờ giá vốn bán hàng chênh lệch ít hơn doanh thu...

Đáng chú ý, báo cáo tài chính của CJ Cầu Tre đợt này xuất hiện khoản thu nhập đột biến 128 tỷ đồng. Đây là một phần tiền bồi thường và hỗ trợ di dời tài sản tại trụ sở cũ (quận Tân Phú) sang nhà máy Hiệp Phước, nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa công ty với TTC Land. Ngoài việc thoát lỗ, nguồn thu này cũng trở thành “cứu tinh” giúp CJ Cầu Tre chấm dứt chuỗi 3 năm liên tiếp kinh doanh tụt dốc. Lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 80 tỷ đồng, trong khi năm trước con số này chỉ khoảng 1 tỷ đồng.

Đọc thêm