Tiêu chuẩn smartphone xanh: Việt Nam bao giờ mới có?

(PLVN) - Thật khó có thể đánh giá được mức độ trách nhiệm của các công ty sản xuất smartphone (điện thoại thông minh) đối với môi trường vì các hãng hầu như không công khai các thành phần vật liệu sản xuất ra điện thoại. Chính vì thế, cần có những tiêu chí đánh giá khách quan để chính phủ, tổ chức, người tiêu dùng… có thể dựa vào để đánh giá tác động của một chiếc smartphone đối với môi trường. 
Tiêu chuẩn smartphone xanh: Việt Nam bao giờ mới có?

Tiêu chuẩn toàn diện nhất về điện tử xanh 

Nhóm vận động môi trường Greenpeace đã lập ra một bảng đo độ “an toàn với môi trường” theo mức độ nghiêm trọng từ F-A trong các sản phẩm của các công ty. Vào năm 2017, các hãng Amazon, Oppo, Vivo và Xiaomi đang ở mức độ F (báo động cao nhất); Samsung, Huawei, Asus ở vị trí E; Google, LG, Sony ở mức độ D; Dell, HP ở mức C; còn Apple và Fairphone đang nằm ở vị trí an toàn nhất là B.

Bên cạnh đó, công ty iFixit cũng đưa ra tiêu chuẩn của mình để đánh giá mức độ dễ tháo gỡ, sửa chữa của một sản phẩm điện thoại di động. Các công ty tài chính, ngân hàng cũng có những quy chuẩn riêng để đánh giá mức độ xanh của các dự án sản xuất sản phẩm điện tử trước khi đầu tư, cho vay. 

Hơn hết, tiêu chuẩn toàn diện nhất hiện nay được biết đến là  Tiêu chí Đánh giá Môi trường Sản phẩm Điện tử (EPEAT) được Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cùng nhiều nhà sản xuất khác (trong đó có cả chính Apple) thành lập. EPEAT đang được quản lý bởi Hội đồng Điện tử Xanh (GEC) – một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2005. 

Đánh giá của tổ chức Greenpeace năm 2017
 Đánh giá của tổ chức Greenpeace năm 2017

EPEAT giúp người mua (chính phủ, tổ chức, người tiêu dùng, v.v.) đánh giá tác động của sản phẩm điện tử đối với môi trường trên nhiều khía cạnh. Tiêu chuẩn EPEAT cho điện thoại di động dựa trên tiêu chí 7 -16 của Tiêu chuẩn quốc tế UL 110 về Điện thoại bền vững, trong đó bao gồm các chuẩn quốc tế về nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng, quản lý vòng đời sản phẩm, bao bì, văn hoá doanh nghiệp, quy trình sản xuất và vận hành, sự đổi mới.

Cụ thể, trong các tiêu chí về nguyên vật liệu, tiêu chí 7 đánh giá một chuỗi cung ứng nguyên vật liệu được quản lý như thế nào, dựa trên các quy định của luật REACH (trong khối Liên minh châu Âu) về tỉ lệ các vật chất hiếm trong sản phẩm điện tử, giảm thiểu các hoá chất nguy hại (SVHC) và các vật chất thay thế an toàn, chuẩn quy trình lưu trữ, kiểm kê kho.

Tiêu chí 8 đánh giá việc sử dụng vật liệu bền vững, ví dụ hàm lượng nhựa tái chế và nhựa sinh học chứa trong sản phẩm. Theo đó, tiêu chí 9 dựa trên Chỉ thị RoHS của châu Âu về hạn chế các chất nguy hiểm trong sản phẩm điện tử. Bên cạnh đó, tiêu chí về sử dụng năng lượng đánh giá chủ yếu dựa trên hiệu quả của hệ thống sạc pin của thiết bị di động.

Samsung Galaxxy S8, S8+ được xếp hạng Vàng theo Tiêu chuẩn EPEAT
 Samsung Galaxxy S8, S8+ được xếp hạng Vàng theo Tiêu chuẩn EPEAT

Tiêu chí số 11 về quản lý vòng đời của smartphone được người tiêu dùng quan tâm đến nhiều nhất. Việc tuân thủ tiêu chí này được thể hiện thông qua các chương trình thu hồi sản phẩm cũ hỏng; quy trình tái chế được chứng nhận bởi bên thứ ba; khả năng tháo rời, thay pin để tái sử dụng; tính năng xoá dữ liệu người dùng khỏi thiết bị sau khi đã vứt đi hoặc đổi chủ; quy trình sửa chữa và tân trang sản phẩm của doanh nghiệp; sự sẵn có và đa dạng của các bộ phận thay thế cũng như việc cung cấp thông tin minh bạch cho người tiêu dùng về các vật liệu, thành phần của sản phẩm.

Thực tế cho thấy, những chiến dịch thu hồi sản phẩm, đổi cũ lấy mới của các công ty sản xuất như Apple, Samsung… hay các nhà mạng điện thoại như AT&T, Verizon,… đã góp phần xây dựng hình ảnh tốt của những thương hiệu này trong lòng công chúng.

Không kém quan trọng, đó chính là vấn đề bao bì đóng gói, bao gồm các nội dung: phần trăm nhựa trong bao bì, khả năng tách rời nhựa, khả năng tái chế bao bì, hạn chế chất clo và kim loại nặng trong vật liệu đóng gói, nội dung in trên bao bì thân thiện với môi trường và hiệu suất đóng gói… Ngoài ra, còn có các tiêu chí về thực văn hoá doanh nghiệp (tính bền vững của doanh nghiệp, sự minh bạch trong báo cáo thông tin…); sản xuất và vận hành (tác động của chuỗi cung ứng, trách nhiệm của các nhà cung cấp, nhà sản xuất); và sự đổi mới (các sáng kiến xanh vì tương lai phát triển bền vững).

Các công ty sản xuất thiết bị điện tự đăng ký vào Hệ thống EPEAT sẽ được thẩm định sản phẩm dựa trên các tiêu chí nêu trên và được cập nhật trên một danh sách công khai toàn cầu. Trong đó, các xếp hạng bao gồm Vàng, Bạc hoặc Đồng dựa trên khả năng đáp ứng bao nhiêu tiêu chí EPEAT của sản phẩm smartphone.

Cụ thể, sản phẩm được xếp hạng Bạc đáp ứng tất cả các tiêu chí bắt buộc cộng với ít nhất 50% tiêu chí tùy chọn. Sản phẩm xếp hạng Vàng đáp ứng tất cả các tiêu chí bắt buộc cộng với ít nhất 75% tiêu chí tùy chọn. Các sản phẩm đã được đăng ký trên hệ thống sẽ được giám sát bởi một mạng lưới các chuyên gia nhằm đánh giá việc tuân thủ của các nhà sản xuất và nhà cung cấp thiết bị điện tử.

Đầu năm 2007, Tổng thống George W. Bush đã ban hành Sắc lệnh số 13423, trong đó yêu cầu tất cả các cơ quan Liên bang Hoa Kỳ sử dụng Tiêu chuẩn EPEAT khi mua máy tính. Đến nay, Tiêu chuẩn EPEAT đã mở rộng ra các thiết bị điện tử sản xuất hình ảnh, ti-vi, điện thoại di động, …

Các nhà phân phối bán lẻ lớn cũng sử dụng EPEAT để xác định các sản phẩm điện tử xanh trước khi chào bán trên hệ thống của mình, đi tiên phong có thể kể tới Amazon.com (từ tháng 1/2010). Đến tháng 7/2014, hệ thống EPEAT mở rộng để hỗ trợ đăng ký sản phẩm ở Ấn Độ; theo đó, EPEAT đã có mặt ở 43 quốc gia, phân bố đều trên Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á, Nam Mỹ và Úc.

Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn về điện tử xanh

Đến nay, Việt Nam cũng chưa công bố tiêu chuẩn quốc gia nào về các sản phẩm điện tử thân thiện với môi trường nói chung hay điện thoại di động xanh nói riêng. Dù đã có một số nhà sản xuất điện thoại tự ý thức được việc cần thiết phải xây dựng các tiêu chuẩn nội bộ về sản xuất smartphone xanh (ví như Vinsmart); tuy nhiên việc dựa trên tiêu chí xanh để tìm mua sản phẩm vẫn chưa thực sự phổ biến với người tiêu dùng. 

Một phần là do sản phẩm điện tử xanh vẫn là một vấn đề mới mẻ đối với hầu hết người dân khi chọn mua cho mình một thiết bị điện tử. Người tiêu dùng quan tâm hàng đầu đến các tính năng hiện đại và độ thời thường, hơn là những vấn đề về môi trường như: quá trình sản xuất chiếc điện thoại này có tiêu tốn nhiều tài nguyên quý hiếm trong thiên nhiên?; thiết bị này có dễ tháo gỡ để tái sử dụng hay tái chế, tân trang?; hoá chất nguy hiểm trong chiếc điện thoại này gây hại như thế nào cho môi trường về lâu dài?... 

Dễ tháo gỡ, sửa chữa, thay pin là một trong những tiêu chí xanh
 Dễ tháo gỡ, sửa chữa, thay pin là một trong những tiêu chí xanh

Đáng nói, chính phủ các nước đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng xã hội theo hướng đi bền vững, thậm chí có thể vượt ngoài giới hạn lãnh thổ một nước. Đơn cử, rõ ràng chính phủ Mỹ hay Liên minh Châu Âu không thể đặt ra điều kiện làm việc cho các nhà sản xuất điện thoại ở Châu Phi hay Châu Á nhưng các cơ quan này vẫn có thể áp dụng các biện pháp xử lý các thiết bị điện tử ở khu vực của mình. Các biện pháp này sẽ tạo động lực cho các nhà sản xuất nước ngoài phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn mà Mỹ hay Liên minh châu Âu đặt ra để được phép tiến vào thị trường nội địa đầy tiềm năng của họ. 

Trách nhiệm của các cơ quan chính phủ là gì trong chính sách lâu dài về định hướng phát triển sản phẩm điện tử bền vững? Bài tiếp theo sẽ đề cập tới vấn đề này.

(còn tiếp)

Đọc thêm