Tình yêu nở hoa trên cao nguyên đá

(PLVN) - Chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang có nguồn gốc từ một câu chuyện tình yêu đẹp mà buồn về chàng Ba, cô Út ở vùng Khâu Vai thơ mộng, lãng mạn giữa cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang hùng vĩ.  Chợ tình Khâu Vai được tổ chức ở bản Khâu Vai, xã Khâu Vai (tỉnh Hà Giang), cách thành phố Hà Giang 180 km.
Chợ tình Khau Vai gắn với truyền thuyết một mối tình lãng mạn, bi thương
Chợ tình Khau Vai gắn với truyền thuyết một mối tình lãng mạn, bi thương

Chợ tình Khâu Vai còn gọi là chợ Phong lưu đã có lịch sử từ gần 100 năm nay. Theo một số tài liệu, chợ đã có từ những năm 1919. Hiện nay, ngay cả những người già nhất trong xã cũng chẳng biết chợ bắt đầu từ khi nào, chỉ biết từ khi còn “đỏ hỏn” chợ đã có rồi.

Chợ nằm ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang và chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Khâu Vai có nghĩa là cây song cây mây, ẩn ý về tình cảm của người con gái và người con trai gắn bó như cây song, cây mây trên các ngọn núi. Chợ tình Khâu Vai gắn liền với câu chuyện tình yêu lãng mạn giữa nàng Út và chàng Ba yêu nhau nhưng không đến được nhau vì những bước ngoặt cuộc đời.

Chuyện kể rằng: Ngày xưa, ở vùng Khâu Vai có một gia đình nông dân người Nùng nghèo, có ba người con trai. Cả ba chàng trai đều khoẻ mạnh, khôi ngô tuấn tú, giỏi việc nương, săn bắn. Riêng chàng thứ ba có giọng hát rất hay và có tài thổi sáo.

Tuy nhà nghèo nhưng rất tốt bụng, thấy ai gặp khó khăn chàng sẵn sàng giúp đỡ. Vì vậy dân làng yêu quý gọi chàng bằng cái tên trìu mến “chàng Ba” . Tiếng sáo, giọng hát của chàng bay tới đâu đều làm cho mọi người say đắm, nhất đối với các cô gái trẻ. Gia đình tộc trưởng của làng Giáy gần cạnh có một cô con gái út xinh đẹp vừa đến tuổi thích ra bờ suối soi bóng mình. Nàng có giọng hát hay tựa như chim hoạ mi hót...

Ngày nay, phiên chợ Khau Vai trở thành một điểm hẹn văn hóa du lịch
 Ngày nay, phiên chợ Khau Vai trở thành một điểm hẹn văn hóa du lịch 

Nàng càng lớn càng đẹp rực rỡ. Đã có bao chàng trai con nhà giàu của các bản trong vùng ngỏ ý muốn hỏi làm vợ nhưng nàng không bằng lòng vì trái tim của nàng chỉ rạo rực thổn thức vì tiếng sáo của chàng Ba, tiếng hát của nàng đã quyện vào tiếng sáo của chàng Ba từ lúc nào không rõ nữa. Chỉ biết rằng khi nghe tiếng sáo của chàng Ba, cái chân của nàng lại muốn xuống cầu thang chạy đến bên chàng. Đối với chàng Ba mỗi khi nghe thấy tiếng hát của nàng út, trái tim lại thấy bồi hồi xao xuyến.

Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc không cùng con ma, không cùng phong tục tập quán. Con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ. Chàng và nàng trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khâu Vai sống. Gia đình, họ tộc cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai chửi mắng, chàng Út phá lệ đưa cô gái ra rừng.

Gia đình chàng trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra chửi bới nhà gái. Từ hang núi nhìn xuống cảnh máu chảy, đâm chém nhau giữa hai họ, thương cha, thương mẹ, thương dân bản hai làng bỗng trở nên thù hận nhau chỉ vì tình yêu của mình nên chàng trai và cô gái chia tay nhau về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng.

Ngày đôi trai gái chia tay là ngày 27/3, người dân trong vùng lấy ngày đó làm ngày họp chợ. Khi đôi trai gái chia tay nhau đã cắt máu thề: Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 họ lại lên Khâu Vai hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm xa nhau. Họ tâm tình, ca hát hết đêm hôm sau rồi lại trở về với cuộc sống ngày thường.

Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại đến với nhau. Họ tìm đến gốc cây rừng và ngồi bên hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Họ ra đi cũng đúng vào 27/3, ngày mà năm nào họ quyết định chia tay. Dân làng đã dựng hai miếu thờ là "miếu Bà" và "miếu Ông" ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ về mối tình Khâu Vai.

Chính vì vậy, chợ tình Khâu Vai hàng năm đã trở thành địa điểm để người ta tìm đến nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình.

Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa. Đến với chợ tình Khâu Vai, du khách được hóa thân thành những chàng trai, cô gái dân tộc, mặc quần áo, cưỡi ngựa trải nghiệm cuộc sống của họ.

Hàng năm, lễ hội diễn ra với các hoạt động văn hóa: quan sát người dân tộc dệt vải lanh, làm khèn Mông, hội thi đua ngựa… Khách du lịch sẽ còn được trải nghiệm cưỡi ngựa; đẩy đưa tâm hồn trong  điệu hát giao duyên, múa khèn; được hòa mình vào các trò chơi dân gian như đẩy gậy, tung còn và các chương trình văn nghệ ca hát…

Đọc thêm