Trông người để ngẫm đến mình (Bài 5): Người Nhật đổ rác trái phép có thể bị “nhập kho” 5 năm

(PLVN) - Nhật Bản là một quốc gia luôn tự hào với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất thế giới về phân loại và tái chế rác. Điều này đã được thực hiện trong nhiều năm và trở thành một kỹ năng cơ bản của người dân Nhật Bản. 
Trông người để ngẫm đến mình (Bài 5): Người Nhật đổ rác trái phép có thể bị “nhập kho” 5 năm

Quy định nghiêm khắc

Quy định về phân loại và tái chế rác ở Nhật Bản có thể tóm gọn như sau: có một thời gian cố định để xử lý từng loại rác; xử lý các chất thải lớn cần phải được bảo lưu và thanh toán và xả rác bừa bãi có thể dẫn đến tiền phạt cao và thậm chí phải ngồi tù với các quy tắc trừng phạt nghiêm khắc. 

Đơn cử lấy phường Shibuya của thủ đô Tokyo làm ví dụ, để phân biệt các loại rác, trước tiên người dân cần tham khảo biểu đồ phân loại rác tại văn phòng chính quyền phường và trên trang web của chính phủ, ngoài phiên bản tiếng Nhật, còn có các ngôn ngữ Trung, Anh, Hàn. Theo đó, rác thải sinh hoạt về cơ bản được chia thành rác dễ cháy, rác không cháy, rác tái chế và rác kích cỡ lớn. 

Trẻ em Nhật sẽ được học cách nhận diện các loại rác không dễ cháy, rác tái chế và rác kích cỡ lớn, hầu hết mọi thứ còn lại sẽ được phân loại là rác dễ cháy. Hành vi xả rác không đúng quy định được coi là hành vi vi phạm pháp luật, có mức phạt tù nặng nhất tới 5 năm tù hoặc mức phạt tiền lên tới 10 triệu yên (khoảng 2,1 tỷ đồng) đối với cá nhân, hộ gia đình. Còn các công ty có thể bị phạt tới 100 triệu yên (khoảng 21 tỷ đồng).

Hướng dẫn vứt rác tại các khu vực thùng rác tại Nhật Bản
Hướng dẫn vứt rác tại các khu vực thùng rác tại Nhật Bản 

Rác không cháy không thích hợp để đốt và nghiền, bao gồm kim loại, thủy tinh, gốm sứ, pin khô và các thiết bị nhỏ như máy sấy tóc. Trong sinh hoạt, loại rác này thường ít bị vứt hơn so với các loại khác, tần suất tái chế của nó rất thấp, nên được thu gom mỗi tháng một lần. 

Loại thứ hai, rác tái chế bao gồm chai nhựa, báo, tạp chí và thùng giấy, kể cả bóng đèn thải có chứa thủy ngân, thường được thu gom mỗi tuần. Thay vì trộn các loại rác tái chế với nhau, người dân cần phải làm sạch, phân loại và đóng gói tất cả các loại rác tái chế. Ví dụ, nắp chai nhựa và giấy gói thường được loại bỏ và cần được phân loại là chất thải dễ cháy, chỉ để lại thân chai để tái chế. Chính phủ cũng khuyến cáo người dân rửa chai để cặn của đồ uống không bị lưu giữ lại, không tạo ra mùi khó chịu, một động thái không bắt buộc nhưng thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm đối với các nhân viên tái chế. 

Loại thứ ba là rác có kích cỡ lớn, chủ yếu là đồ nội thất dài hơn 30cm, cần được đặt trước với dịch vụ thu gom và được thanh toán phí. Ví dụ: một chiếc ghế sofa đơn có giá 800 yên (khoảng 175.000 VND), ghế sofa đôi 2.000 yên (khoảng 436.000 VND), và chi phí 2.484 yên (khoảng 1542.000 VND) để vứt bỏ máy giặt. 

Loại thứ tư – rác dễ cháy là phổ biến nhất, bao gồm rác thải nhà bếp, giấy, quần áo cũ, cành lá cây... thường được thu gom hai lần một tuần trong các túi trong suốt hoặc sáng màu. Một số rác thải như chai nhựa, cao su hoặc da (như giày và túi da)… vốn rất khó để tái chế nên vẫn được phân loại là rác dễ cháy và được đưa về các lò đốt rác trong thành phố. Có 21 nhà máy đốt rác thải trong 23 phường của thủ đô Tokyo. 

Ở Nhật Bản, người dân thường chất đống rác trong túi bên ngoài nhà để xe tải thu gom dọc đường. Vì vậy, người ta ít thấy các thùng rác trước cửa nhà. Để ngăn chặn những con quạ, chim bới thức ăn trong rác, phân tán rác thải trên đường phố, người dân sử dụng thêm một chiếc lưới màu xanh để che túi rác. Nếu người thu gom rác nhận thấy một hộ gia đình phân loại rác không hợp lý hoặc đổ rác sai thời gian, người này có thể từ chối thu rác và để lại một ghi chú về các phương pháp phân loại để nhắc nhở các hộ gia đình phân loại rác đúng cách cho lần sau. 

Bị trả lại rác do sai quy định là một điều xấu hổ với người Nhật
 Bị trả lại rác do sai quy định là một điều xấu hổ với người Nhật

Hầu hết người dân Nhật đều coi việc xử lý rác bị từ chối là một điều đáng xấu hổ, thậm chí là “nhục nhã”. Đáng nói, trong các vụ đổ rác trái phép có tình tiết phức tạp, cảnh sát Nhật Bản có thể được điều động tham gia điều tra. 

Ý thức rác ai người đó tự xử lý

Người Nhật ý thức cao độ về sự sạch sẽ và thực sự cùng nhau bắt tay vào công việc làm sạch không gian sống của cộng đồng. Nhiều du khách Việt Nam khi đặt chân đến đất nước “mặt trời mọc” đều nhận thấy nước này có rất ít thùng rác công cộng. Ở Việt Nam, mặc dù các thùng rác công cộng được bố trí ở nhiều địa điểm trong đô thị nhằm ngăn cản mọi người ném rác xuống đất, chúng ta vẫn có thể thấy rác bị vứt bừa bãi trên đường. Thậm chí dù thùng rác còn trống, rác vẫn bị vứt ngay dưới chân thùng rác. 

Nhìn chung, người Nhật được dạy và tâm niệm rằng bản thân phải luôn có trách nhiệm và xử lý rác thải của chính mình, chứ không được “đẩy quả bóng trách nhiệm” ấy cho bất cứ ai khác. Chính vì thế, người nước ngoài đến Nhật chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi thấy một người Nhật mang rác thải của họ về nhà để tự xử lý, rồi tuân theo đúng quy trình thu gom rác của khu vực sống, của thành phố.

Trẻ em Nhật tự lau dọn trường học
 Trẻ em Nhật tự lau dọn trường học

Một lý do khiến các cửa hàng tiện lợi ở Nhật luôn cung cấp cho khách hàng một chiếc túi, mặc dù họ chỉ mua một hoặc hai món đồ nhỏ, đó là chiếc túi này còn có công dụng trở thành túi rác cho đến khi người ta tìm thấy thùng rác. Chiếc túi này nhằm nhắc nhở mọi người hãy kiên nhẫn không vứt rác bừa bãi trước khi tìm được nơi vứt rác đúng quy định. 

Người ta cũng ít thấy các nhân viên vệ sinh dọn dẹp đường phố ở Nhật Bản. Tại đất nước này, dân cư và các cơ sở kinh doanh được khuyến cáo “tự chăm sóc” không gian sống của mình. Sẽ không lạ khi thấy mỗi buổi sáng hàng ngày, nhiều người Nhật quét dọn xung quanh nhà hoặc nơi làm việc của họ. Đây không phải là nhân viên vệ sinh, mà là người giữ cửa hàng, nhân viên văn phòng, y tá … và những người dân khác cùng sinh sống trong khu phố. Ngay cả những chiếc xe tải thương mại như những chiếc được sử dụng trong xây dựng, làm xi măng và kéo bụi bẩn, đều được giữ sạch sẽ.

Hầu hết người sống tại Nhật Bản, bất kể là người dân hay người nước ngoài, sẽ nhận được yêu cầu tham gia các hoạt động dọn dẹp cộng đồng theo lịch trình  trong khu phố của mình. Những thời điểm định sẵn có thể sớm nhất là 7 giờ sáng để mọi người có thể tham gia trước khi đi làm. Đó là các hoạt động như dọn dẹp đường thoát nước, cắt cây và cỏ cả những khu vực xung quanh, bao gồm các công viên nhỏ và nhà vệ sinh công cộng. 

Người dân Nhật tham gia dọn dẹp đường phố
Người dân Nhật tham gia dọn dẹp đường phố 

Văn hoá sạch sẽ, gọn gàng đã nằm sâu trong nhận thức của hầu hết người Nhật. Đằng sau lịch trình làm việc bận rộn của người Nhật trong những bộ suit chỉn chu phẳng phiu, chúng ta có thể liên hệ hình ảnh những đứa trẻ phải tự sắp xếp đồ dùng cá nhân, tự dọn dẹp trường học, đến nhóm người trưởng thành quét dọn, lau chùi, vệ sinh các ga tàu điện một cách có trật tự. Có thể thấy, với nỗ lực to lớn của cộng đồng, thì việc cá nhân vứt rác sai quy định là hành vi thờ ơ, thiếu trách nhiệm đến mức độ nào, thậm chí có thể được coi là hành vi phạm tội.

Đọc thêm