Trông người để ngẫm đến mình (Bài 6): Không dọn “rác” từ thú cưng, chủ nuôi đối mặt với án hình sự

(PLVN) - Pháp luật Anh có đạo luật riêng quy định xả thải cho chó và thú cưng, thậm chí người vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Trông người để ngẫm đến mình (Bài 6): Không dọn “rác” từ thú cưng, chủ nuôi đối mặt với án hình sự

Luật xử lý chất thải dành riêng cho cún cưng 

Điều này nghe có vẻ nực cười với nhiều người Việt Nam nhưng động thái này lại hoàn toàn hợp lý khi cân nhắc những số liệu sau. Chất thải từ thú cưng cũng được coi là một loại rác thải sinh hoạt, không chỉ gây khó chịu cho mọi người xung quanh mà còn có thể là nguồn lây lan vi trùng và bệnh tật. 

Chỉ tính riêng chó nuôi trong nhà, trang statista.com ước tính có khoảng 89,7 triệu con chú chó cưng ở Hoa Kỳ vào năm 2017. So sánh với nước Anh, trang pdsa.org.uk thống kê năm 2019 có khoảng 26% người dân Anh nuôi chó cưng, số lượng ước tính lên tới khoảng 9,9 triệu con. Theo đó, trung bình một chú chó cưng “sản xuất ra” ít nhất khoảng 68kg phân thải mỗi năm. 

Như vậy, chỉ tính sơ sơ, lượng phân thải từ chó nuôi trong nhà tại nước Anh mỗi năm rơi vào khoảng 680.000 tấn. Số liệu này còn chưa kể tới các loại rác thải khác thức ăn thừa của chó, các vật dụng chăm sóc chó cưng… Nếu lượng chất thải khổng lồ này không được xử lý đúng cách và kịp thời, có thể thu hút các loại ruồi, nhặng, vi trùng, vi khuẩn, giun, sán… gây ô nhiễm, hôi thối môi trường đô thị, làm suy giảm chất lượng cuộc sống người dân, dịch bệnh từ đó có thể lây lan.

Nói về giữ gìn sạch sẽ đô thị, người Anh ý thức được rất sớm. Từ cách đây ít nhất khoảng 75 năm, người dân Anh tại các đô thị đã có thói quen phân loại rác, để trước nhà cho người thu gom. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà làm luật của Anh đã dành riêng một hệ thống pháp luật dành cho chó – loài động vật gắn bó thân thiết với cuộc sống của họ. 

Người chủ có trách nhiệm dọn dẹp tất cả chất thải từ chó cưng của mình
Người chủ có trách nhiệm dọn dẹp tất cả chất thải từ chó cưng của mình

Năm 1991, nước Anh ban hành Đạo luật kiểm soát chó dữ 1991 (The Dangerous Dogs Act 1991). Tiếp theo đó, không quá ngạc nhiên khi có hẳn một chương trong Đạo luật bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh phố phường năm 2005 (Clean Neighbourhoods and Environment Act 2005) về xử lý chất thải của chó. Cụ thể, chương 6 của Đạo luật này đặt ra các quy định kiểm soát hoạt động xả thải của chó cưng, nghĩa vụ của chủ nuôi, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, chế tài xử phạt và các thủ tục, biện pháp bảo đảm thực hiện. 

Khoảng 10 năm sau, Đạo luật về tội phạm phản xã hội và an ninh trật tự năm 2014 đã thay thế cả hai đạo luật trên. Theo đó, các quy định pháp lý về hành vi của chó cưng và chủ nuôi đã được xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Đơn cử, hành động “không kiểm soát hành vi của cún cưng một cách phù hợp ở nơi công cộng” được coi là hành vi chống lại xã hội, phá vỡ trật tự cộng đồng; tuỳ vào mức độ hành vi, chủ nuôi có thể phải đối mặt với trách nhiệm hình sự. Nói cách khác, mọi chủ nuôi chó ở Anh có nghĩa vụ pháp lý là phải dọn dẹp mọi thứ mà chó cưng của họ “sản xuất ra” ở nơi công cộng. 

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, người mù sẽ không có nghĩa vụ phải dọn dẹp chất thải từ chú chó dẫn đường của họ. Bên cạnh đó, việc chó cưng “xả thải” trên một số loại đất công ở Anh và xứ Wales cũng được miễn trừ nghĩa vụ dọn dẹp, bao gồm các loại sau: đất rừng hoặc đất nông nghiệp, đất ở vùng nông thôn hẻo lánh, đầm lầy hoặc đất hoang, và đường cao tốc quy định tốc độ tối thiểu từ 80 km/h trở lên.

Theo đó, chính quyền địa phương yêu cầu tất cả các chủ nuôi chó, nếu không phải các trường hợp được pháp luật miễn trừ, đều phải mang theo một chiếc xúc và túi đựng phân thải bất cứ khi nào họ đưa chó cưng của mình đến nơi công cộng. Tại nhiều đô thị ở Anh, đôi khi cũng sẽ thấy các điểm lấy túi đựng và chiếc xúc miễn phí trong các công viên dành riêng cho chó hoặc đường cho người đi b , phòng trường hợp chủ nuôi quên mang theo các vật dụng cần thiết cho chú chó cưng của mình. Ngoài ra một số nơi còn cung cấp thùng rác chuyên biệt, được đánh dấu riêng là thùng rác cho chó để vứt loại chất thải trên vào. Nếu không có, chủ nuôi mới có thể vứt vào các thùng rác bình thường.

Phạm tội vì không dọn “chất thải” của cún cưng

Ở Anh và xứ Wales, mỗi chính quyền địa phương sẽ căn cứ trên các đạo luật để đưa ra các quy định cụ thể nhằm giữ gìn sự sạch sẽ, trật tự nơi công cộng. Hành vi không dọn rác thải, phân thải từ chó cưng có thể bị phạt tiền ở địa phương này này, nhưng lại có thể trở thành hành vi phạm tội ở một địa phương khác. 

Thông thường, nếu một chủ nuôi chó bị bắt quả tang không dọn dẹp chất thải từ chó cưng của họ sẽ bị phạt tiền ngay tại chỗ, mức phạt cao nhất là 80 bảng (khoảng 2,3 triệu đồng). Quyết định phạt một khi đã được ban hành không thể bị rút lại, còn được gọi là “thông báo phạt cố định”. Nếu người này từ chối trả tiền phạt, anh ta hoặc cô ta có thể bị khởi tố ra Toà án địa phương vì vi phạm pháp luật, mức phạt tiền có thể lên tới 1000 bảng (khoảng 29 triệu đồng). Hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “phản xã hội do không kiểm soát hành vi của chó cưng nơi công cộng một cách đúng mực” (tên tiếng Anh là “dog fouling criminal offence”).

Đơn cử, tại Scotland cũng có Đạo luật xử lý chất thải từ chó từ năm 2003 (Dog Fouling Act 2003). Theo đó, Đạo luật này quy định chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm dọn sạch các loại chất từ từ chú chó cưng của mình tại các không gian công cộng không bao gồm đất nông nghiệp. Mức phạt tiền tại chỗ là 40 bảng (1,1 triệu đồng), và mức phạt tối đa cho tội này lên tới 500 bảng (khoảng 14,5 triệu đồng).

Việc nuôi chó được pháp luật quản lý chặt chẽ, thông qua những nguyên tắc ràng buộc trong chăm sóc, trông coi loài vật này cùng các chế tài nghiêm khắc. Điều này nhằm tránh hiện tượng chó hoang tăng lên quá đông, phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, tấn công cư dân… 

Thùng rác chuyên dụng dành cho chó tại Anh
 Thùng rác chuyên dụng dành cho chó tại Anh

Có thể nói, việc áp dụng pháp luật nghiêm minh đã tác động mạnh mẽ đến ý thức của người dân. Cũng không lạ khi thấy người Anh luôn mang theo một chiếc túi đen nhỏ khi dắt chó đi dạo nhằm thu thu gom, dọn dẹp các loại chất thải mà chú chó cưng của mình tạo ra. Hiện nay, người dân còn thậm chí không dùng túi nilon mà là các loại túi thân thiện với môi trường, có thể phân huỷ được trong nước và trong môi trường. Chủ nuôi cũng không vứt rác một cách bừa bãi mà sẽ đi đến đúng nơi quy định để vứt rác. Thậm chí nếu không thấy thùng rác, chủ nuôi chó có thể tự mang chất thải về nhà để vứt. 

Ở Anh, còn có những hướng dẫn chuyên môn và những trang thông tin chính thống từ chính quyền địa phương hướng dẫn người dân xử lý chất thải của chó, mèo để giúp các công nhân thu gom, xử lý chất thải làm nhiệm vụ của mình tốt hơn. Nhìn lại Việt Nam, mặc dù chúng ta chưa có thống kê chính xác về số lượng cún cưng nuôi trong gia đình hay các loại thú cảnh khác, nhưng có thể chắc chắn con số này không hề nhỏ. Việc xác định loại chất thải, phân thải từ thú cưng là một dạng rác thải sinh hoạt phải xử lý lại chưa được quan tâm đúng mực. 

Quả thực, đất nước Việt Nam hiện nay đang nêu cao hành động bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp, bên cạnh đó là rất nhiều chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, kế hoạch mới … cập nhật từ các nước tiên tiến như Nhật, Hàn, Singapore… Song thiết nghĩ, nhận thức của pháp luật Việt Nam về câu chuyện chất thải sinh hoạt đã thực sự đầy đủ, hoàn thiện hay chưa?

Đọc thêm