“Truyền lửa” văn hóa đọc từ quán cà phê thanh toán đồ uống bằng sách

(PLVN) - Giữa lòng Sài Gòn có một quán cà phê “Sài Gòn năm xưa”, nơi những người yêu sách có thể vừa đọc sách vừa thưởng thức đồ uống mà không nhất thiết phải thanh toán bằng tiền. Thay vào đó, khách có thể trả tiền cà phê bằng một cuốn sách cũ. Đây là mô hình có một không hai mà anh Lê Bá Tân xây dựng khoảng 2 năm nay, nhằm khơi gợi lòng yêu sách và vun đắp văn hóa đọc cho cộng đồng.
Một góc quán Sài Gòn năm xưa giữa bốn bề hàng ngàn cuốn sách.
Một góc quán Sài Gòn năm xưa giữa bốn bề hàng ngàn cuốn sách.

Nơi khách thanh toán cà phê bằng sách

Quán “Sài Gòn năm xưa” nằm ở số 50 Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang, quận 1, TP HCM. Quán không có vị trí đắc địa, cũng không phải mô hình kinh doanh cà phê sách duy nhất trên thị trường, nhưng bởi cách làm độc đáo mà bất cứ ai một lần đến đây, đặc biệt là những người yêu sách, sẽ có được ấn tượng không thể nào quên.

Quán bày biện nhiều sách cũ mới, có nét giống những điểm cà phê sách khác, chỉ có điều phía trước cửa tiệm lúc nào cũng đặt sẵn 2 kệ sách. Một kệ là sách tặng miễn phí, ai muốn lấy cũng được. Kệ còn lại để trao đổi, mọi người đem sách của mình tới và nhận lại những cuốn sách khác. Chủ quán – anh Lê Bá Tân lý giải, 2 kệ này được đặt sẵn ra bên ngoài để mọi người tùy ý lựa chọn, tránh tạo cảm giác ép khách hàng vào uống cà phê hoặc vào mua sách.

Cũng giống nhiều quán khác, thực đơn của “Sài Gòn năm xưa” là cà phê, trà thảo mộc và một số món đồ uống do quán tự nấu. Tuy nhiên vào Chủ nhật hàng tuần, khách đến quán chỉ cần mang theo một cuốn sách cũ là sẽ không phải trả tiền đồ uống. Việc này giúp bạn đọc có thể chia sẻ, trao đổi những tựa sách, tiếp cận được những cuốn sách mình cần hoặc đơn giản là thưởng thức được nhiều đầu sách hơn.

Anh Lê Bá Tân miệt mài sưu tầm và nâng niu những cuốn sách cũ.
 Anh Lê Bá Tân miệt mài sưu tầm và nâng niu những cuốn sách cũ.  

Với mong muốn bạn trẻ được kết nối nhau thông qua những quyển sách, anh Lê Bá Tân chia sẻ: “Tôi muốn mọi người không chỉ đến đây uống nước mà còn có thể đọc sách và tự chọn lấy một quyển mà các bạn thích. Không quy định loại sách, mọi người có thể mang đến một quyển bất kỳ kể cả truyện, sách giáo khoa và được đổi lại bằng một ly nước. Mình vừa có thể trao đổi sách cũ, bán đồ uống và có thể thực hiện nhiều hoạt động về sách, để làm sao cho thật nhiều người cùng thích đọc sách hơn”.

Qua thời gian xây dựng và được đông đảo bạn đọc hưởng ứng, các kệ sách của quán đã có hơn 15.000 đầu sách khác nhau. Ngoài số lượng sách anh tìm mua, sưu tầm từ các nguồn, một phần còn lại là những cuốn sách đến với quán từ chương trình tặng sách miễn phí vào chủ Nhật hàng tuần. Người yêu sách có thể thoải mái lựa chọn một quyển mà mình muốn đọc với giá 0 đồng hoặc có thể đem một quyển sách đến để đổi lấy một quyển sách khác. Điều thú vị, từ chương trình này đã có nhiều người mang sách đến ủng hộ quán.

Suýt bỏ cuộc sau 3 tháng khai trương

Kinh doanh cà phê đơn thuần đã không phải điều dễ dàng, kinh doanh theo mô hình cà phê sách theo kiểu khác lạ như anh Tân lại khó khăn hơn nhiều lần. Ít ai biết rằng, để Sài Gòn năm xưa duy trì và phát triển đến bây giờ, quán đã phải trải qua những khởi đầu gian nan. Anh Tân từng chia sẻ, có thời điểm anh tưởng sẽ phải đóng cửa vì không thể gồng gánh thêm khi tiền đã cạn, trí đã mòn.

Anh Tân kể, sau nhiều năm kinh doanh sách cũ và tìm được đam mê lẫn một số thành công bất ngờ, tháng 3/2019, anh quyết định mở quán cà phê sách “Sài Gòn năm xưa” cùng với một người anh để làm nơi giao lưu, hội ngộ bạn bè và những người có cùng đam mê đọc sách. Những ngày đầu khởi nghiệp anh dồn hết tiền vào tài sản là sách, còn nhà phải đi thuê. Ba tháng đầu tiên mở quán là những ngày khổ ải nhất.

“Thực tế không như những gì mình mong đợi, lượng khách tới quán không nhiều vì mình cảm nhận được rằng người dân “sợ” sách, mà đúng vậy, họ sợ thật. Người chung quanh bảo, giờ này ai mà đi đọc sách, nhà nhỏ vậy sách vở gì, ai đi qua cũng coi quán như một cái gì đó xa lạ và rẻ rúm...”, anh Tân chia sẻ về những vấn đề từng đối mặt.

Tưởng chừng mọi thứ đã bế tắc và quán sẽ phải giải thể quán sau ba tháng khai trương thì mọi chuyện bất ngờ thay đổi. Vì không gian quán khá chật cộng thêm buồn phiền chuyện cá nhân, một ngày anh Tân quyết mạng tất cả số sách anh có ra tặng cho mọi người. Thật bất ngờ hành động nhỏ này đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ khách hàng cũng như các kênh truyền thông.

Quán bắt đầu tấp nập vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật. Mặc dù tiền bạc từ việc bán cà phê không đáng là bao nhiêu nhưng anh Tân khẳng định lượng khách tới quán đã trở thành động lực lớn nhất để anh tiếp tục tại thời điểm ấy. Trong cái khó ló cái hay, anh Tân và những cộng sự tìm ra cách vận hành tốt hơn. Đồng thời các mối quan hệ mới giúp anh xây dựng được những chương trình phù hợp. Có những người ủng hộ hết lòng, như anh chị chủ nhà có tháng còn không tính tiền nhà.

Đến nay, quán đã có được lượng khách hàng ổn định, Ngoài chuỗi sự kiện trả tiền cà phê bằng sách, Sài Gòn năm xưa còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như các chương trình tìm hiểu về văn hóa đọc, văn hóa dân tộc, cộng đồng, các khóa học kỹ năng… Bản thân anh Tân cũng nhận thêm một số công việc bên ngoài từ đi thỉnh giảng, biên tập, đến nhận quảng cáo… để có thể duy trì công việc kinh doanh.

“Việc xây dựng, tạo nên một cái quán mang tên Sài Gòn năm xưa thì ai cũng có thể làm được, nhưng để nó có một cái hồn như nó cần có thì cần sự đồng điệu của rất rất nhiều trái tim cao quý. Và tụi mình cần những trái tim đồng điệu và yêu quý từ tất cả mọi người yêu sách, yêu văn hóa đọc. Chân thành cảm ơn và hứa sẽ làm tốt hơn những gì có thể”, anh Tân chia sẻ.

Sau bao nhiêu khó khăn và gập ghềnh, đến bây giờ sau gần 2 năm hoạt động, tiệm cà phê sách của anh Tân đã có lãi ổn định và được rất nhiều người biết đến với lịch Chủ nhật tặng sách, thứ Bảy đổi sách. Ngoài món sách, thức uống của quán có cà phê và đồ uống tự làm khá ngon, chỉ có giá từ 20-30 nghìn đồng. Ở đây, mọi người không chỉ tìm được một chốn bình yên thong thả, tĩnh lặng ngay giữa trung tâm thành phố mà còn khám phá được nhiều tri thức từ những cuốn sách hiếm.

Đặc biệt, đến đây khách còn được trao đổi và trò chuyện gần gũi với chủ quán – một người gần gũi và thú vị. Chính vì quý trọng những cuốn sách và luôn trân trọng bạn đọc, quán cà phê “Sài Gòn năm xưa” thu hút đông đảo bạn đọc gồm rất nhiều lứa tuổi khác nhau. Đó có thể là những người làm công việc văn phòng, những người lao động tay chân đến những người có đam mê sách, các bạn sinh viên, học sinh. Thậm chí nhiều người chấp nhận đi một quãng đường xa để đến đây, đắm chìm trong những trang sách giữa không gian yên ắng, xanh mát và những gam màu đầy tính hoài niệm.

Từng là sinh viên, xuất thân từ vùng quê nên anh Tân hiểu được tâm lý của những người không có tiền muốn mua sách. Và theo anh, nếu như mình chỉ bày sách trên kệ mà không đến tay người đọc thì nó không phát huy được giá trị, chỉ khi sách được cho đi, được đọc được nâng niu thì nó mới mang lại tri thức và ý nghĩa cho đời. Cũng vì lòng yêu sách và đi nhiều, trải nghiệm nhiều, anh nâng niu quý trọng sách, đặc biệt là những cuốn sách xưa, sách cũ.

Tâm huyết và niềm say mê với văn hóa đọc của bản thân đã được đền đáp, nhưng dường như lúc nào trong anh Tân cũng nhiệt huyết với công việc. Với mong muốn không ngừng khơi gợi, thúc đẩy thêm tình yêu sách và vun đắp cho văn hóa đọc, anh hầu như lúc nào cũng bận rộn, từ giới thiệu những cuốn sách đến chia sẻ cách đọc sách như thế nào cho hiệu quả, cách bảo quản sách ra sao cho bền đẹp… 

Ngoài chuỗi sự kiện trả tiền cà phê bằng sách, “Sài Gòn năm xưa” còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tìm hiểu về văn hóa đọc, văn hóa dân tộc, cộng đồng, các khóa học kỹ năng… Anh Tân chia sẻ, bằng công sức nhỏ bé và những việc làm thiết thực, anh luôn khát khao lan tỏa tình yêu sách, lòng ham mê tri thức và tinh thần học hỏi đến cộng đồng.

Đọc thêm