Vì sao nguyên giám đốc BQLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị bắt?

(PLVN) -Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) vừa bắt giữ 4 người nguyên là cán bộ Ban Quản lý dự án (BQLDA), lãnh đạo các gói thầu tại dự án (DA) đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do có nhiều sai phạm về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị can Nguyễn Tiến Thành - nguyên Giám đốc BQLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi)
Bị can Nguyễn Tiến Thành - nguyên Giám đốc BQLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi)

Liên quan đến Dự án này, nhà thầu mượn các tuyến đường dân sinh để chở vật liệu phục vụ việc thi công dự án. Tuy nhiên, Dự án đã hoàn thành trong một thời gian dài nhưng các con đường được mượn vẫn chưa được hoàn trả như cam kết, nhiều tuyến đường xuống cấp trầm trọng, gây bức xúc cho người dân.

Bắt 4 cán bộ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Ngày 14/11, C03 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 người liên quan vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), BQLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan.

Những người bị bắt, gồm: Nguyễn Tiến Thành (nguyên Giám đốc BQLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), Hà Văn Bình (nguyên Giám đốc Ban Điều hành gói thầu số 7), Phạm Đình Phú (Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu số 5) và Nguyễn Thành An (thành viên Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Phó giám đốc Ban Điều hành gói thầu số 7). Tất cả bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo thông báo của Bộ Công an, những bị can trên có hành vi sai phạm, gây thiệt hại trong quá trình thi công, nghiệm thu Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. C03 đang mở rộng vụ án, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố và người liên quan khác.

DA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 34.500 tỷ đồng. DA khởi công xây dựng từ tháng 9/2013, dài 139km, đi qua địa phận TP Đà Nẵng và 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ngày 2/8/2017, đoạn tuyến 65km từ TP Đà Nẵng đi TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) được đưa vào khai thác. Đến ngày 2/9/2018, đoạn còn lại được thông xe. Sau khi đưa vào khai thác không lâu, đầu tháng 10/2018, tuyến đường liên tục xuất hiện tình trạng ổ voi, ổ gà, thấm dột tại các cầu vượt, cống chui.

Đến ngày 16/10/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký ban hành quyết định số 2222/QĐ-BGTVT thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác DA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đến nay, kết luận thanh tra vẫn chưa được công bố. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước thời điểm khánh thành tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, VEC tiếp nhận đơn thư nặc danh tố cáo ông Nguyễn Tiến Thành có vi phạm trong quản lý, điều hành DA.

Đơn tố cáo có 6 nội dung, gồm: thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý DA để nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý chất lượng công trình đối với gói thầu A1, A2, A3 đoạn WB và gói thầu 4,5 đoạn JICA; che giấu thông tin nứt dọc bê tông nhựa đoạn MSE - gói 5 thầu JICA; cho phép nhà thầu đắp đá khi chưa duyệt bản vẽ thi công, đồng thời phát sinh khối lượng đắp đá lớn (trên 20 tỷ đồng) mà không báo cáo VEC, kiểm tra hiện trường thiếu trách nhiệm tại gói A1, A2; duyệt đường gom giá trị lớn (trên 20 tỷ đồng) không qua các phòng tham mưu của BQLDA; chỉ đạo nghiệm thu khống số liệu đường lộ đá tại Km90; thao túng quyền lực, trù dập cán bộ, có hành vi tham nhũng.

Ngày 21/5/2018, VEC thành lập đoàn xác minh các nội dung khiếu nại, tố cáo. Đến ngày 17/7/2018, lãnh đạo VEC ký văn bản kết luận, xác định nhiều nội dung tố cáo không có cơ sở. Tuy nhiên, VEC khẳng định ông Thành có một số vi phạm về quy chế hoạt động của BQLDA, không báo cáo kịp thời một số vụ việc cụ thể tới VEC để có phương án chỉ đạo kịp thời.

Về việc che giấu thông tin nứt dọc bê tông nhựa đoạn MSE - gói 5 thầu JICA, VEC kết luận, trách nhiệm của ông Thành là không chỉ đạo thi công rãnh dọc thoát nước mặt và hệ thống thoát nước ngầm kiểu Pháp dưới rãnh dọc đồng thời với quá trình thi công tường chắn MSE hoặc ngay sau khi DA đưa vào thông xe kỹ thuật (ngày 2/8/2017). Ông Thành không báo cáo kịp thời các biện pháp khắc phục về VEC để có phương án chỉ đạo đúng lúc.

Về nội dung tố cáo ông Thành duyệt đường gom giá trị lớn không qua các phòng tham mưu của BQLDA, VEC khẳng định, ông Thành có xem xét nhưng không sử dụng ý kiến tham mưu của phòng kế hoạch tài chính mà sử dụng ý kiến tham mưu của nhân viên kỹ thuật văn phòng hiện trường trực tiếp theo dõi gói thầu số 5, để ký trình hồ sơ báo cáo VEC.

Trong kết luận này, VEC chỉ yêu cầu ông Thành kiểm điểm rút kinh nghiệm. Tuy nhiên sau đó, VEC đã đình chỉ công tác đối với ông Thành do “chậm tổ chức sửa chữa các hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin báo chí không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm”.

Mượn đường thi công rồi “quên” hoàn trả

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù DA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã thông xe hơn một năm, nhưng đến nay nhà thầu và chủ đầu tư DA vẫn chưa hoàn trả các tuyến đường dân sinh bị hư hỏng trong quá trình mượn để thi công cao tốc. Các tuyến đường này đã xuống cấp sau một thời gian “chịu trận” xe tải chở vật liệu phục vụ đường cao tốc, nay lại càng hư hỏng, đầy ổ voi, ổ gà tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Mượn đường nhưng nhà thầu “quên” trả khiến người dân đi lại khốnkhổ
 Mượn đường nhưng nhà thầu “quên” trả khiến người dân đi lại khốnkhổ

Để triển khai thi công gói thầu A3, BQLDA cùng nhà thầu thi công là Công ty TNHH tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) phối hợp với địa phương huyện Bình Sơn và UBND xã Bình Trung thống nhất mượn 4 tuyến đường huyện (ĐH.01, ĐH.02, ĐH.05, ĐH.06) và 3 tuyến đường xã ở xã Bình Trung để chở nguyên vật liệu thi công cao tốc và cam kết sửa đường sau khi DA hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu Giang Tô vẫn chưa hoàn trả hạ tầng khiến người dân đi lại khốn khổ.

Nhiều người dân ở xã Bình Trung cho biết, trước đây mặt đường đã được trải nhựa bằng phẳng. Nhưng từ khi nhà thầu làm cao tốc, xe chở vật liệu qua lại nhiều làm đường biến dạng, mặt đường nát bươm, đầy ổ gà, đất đá. Dù cao tốc đã hoàn thành nhưng nhà thầu không làm lại đường cho người dân, dẫn đến nắng thì bụi, mưa thì bùn, tai nạn té ngã thường xuyên, nhất là ban đêm.

Ông Đoàn Hà Yên - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết: “Nhiều lần chúng tôi gửi văn bản đề nghị BQLDA cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm. Thực tế có nhiều vụ tai nạn đã xảy ra trên những tuyến đường hư hỏng này”.

Về vấn đề này, ông Lê Quang Hào - Phó tổng giám đốc VEC cho rằng, VEC đã nhiều lần yêu cầu nhà thầu phải hoàn trả đường giao thông cho các địa phương. Tuy nhiên, nhà thầu cố tình chây ì, không tiến hành thi công hoàn trả. Theo ông Hào, một trong những cái khó là các địa phương không buộc nhà thầu ký quỹ đảm bảo. Địa phương cho mượn đường, nhà thầu cam kết hoàn trả nguyên trạng nhưng không ký quỹ nên giờ nhà thầu cố tình chây ì. VEC nhiều lần can thiệp thì nhà thầu bảo đang làm nhưng rồi lại để đó.

Sắp tới, nếu các nhà thầu không thực hiện, VEC sẽ có biện pháp mạnh. Theo đó, VEC đề xuất các địa phương tự sửa chữa đưa mặt đường về nguyên trạng như cam kết của nhà thầu. Kinh phí sửa chữa sẽ được VEC giữ lại từ nguồn tiền chưa giải ngân cho nhà thầu. “Căn cứ vào cam kết, nếu đủ cơ sở pháp lý, chúng tôi sẽ giảm trừ nguồn tiền chưa giải ngân cho nhà thầu chuyển trả về địa phương”, ông Hào đưa ra giải pháp.

Được biết, cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC giải quyết dứt điểm các tồn tại của DA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua huyện Bình Sơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cần làm rõ, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến việc chậm hoàn trả đường cho dân. Việc hoàn trả các tuyến đường phải hoàn thành trước 30/11/2019.

Đọc thêm