Vĩnh Phúc: Sự thật việc Chủ đầu tư Dự án​ sinh thái Bắc Đầm Vạc bị tố "chưa giải phóng mặt bằng đã thi công"

(PLVN) - Liên quan đến phản ánh của người dân cho rằng chủ đầu tư lấp hồ, chưa bồi thường cho các hộ dân đã san lấp mặt bằng để thi công Dự án khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), mới đây chủ đầu tư của Dự án đã lên tiếng về phản ánh của 3 hộ dân trong việc này.
Phối cảnh Dự án.
Phối cảnh Dự án.

Dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc tại phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc do Công ty cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia (thành viên của Công ty CP TM Sông Hồng Thủ Đô) làm chủ đầu tư với diện tích 530.839,2 m2, quy mô dân số khoảng 7.200 người

Trước những thông tin về dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc chưa bồi thường giải phóng mặt bằng đã thi công, PV đã có cuộc phỏng vấn với chủ đầu tư dự án này.

Theo đại diện Chủ đầu tư cho hay, dự án trên đã được UBND thành phố Vĩnh yên phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

“Dự án này có hơn 300 hộ dân nằm trong diện được bồi thường hỗ trợ GPMB nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 3 hộ dân không đồng ý với mức giá bồi thường theo quy định mà đưa ra mức giá rất cao. Cụ thể, hộ nhà bà Đỗ Thị Thịnh có tổng diện tích đất nông nghiệp là 1.475,7m2 mà theo quyết định của UBND thành phố Vĩnh Yên phê duyệt phương án bồi thường GPMB thì nhà bà Thịnh sẽ được hưởng số tiền là 171.741.158 VNĐ. Tuy nhiên, bà Thịnh yêu cầu phải được bồi thường số tiền 20 tỷ đồng.

Hộ thứ hai là gia đình bà Nguyễn Thị Sáu có tổng diện tích trong diện được đền bù là 1.369m2, theo quyết định của UBND thành phố Vĩnh Yên phê duyệt phương án bồi thường GPMB thì nhà bà Sáu sẽ được hưởng số tiền là 133.087.648 VNĐ. Tuy nhiên, bà Sáu đòi hỏi phải được nhận số tiền là 5,1 tỷ đồng. Mặc dù đơn vị cũng rất cầu thị và sẵn sàng hỗ trợ cho họ thêm tiền chuyển đổi nghề nghiệp để đồng ý bàn giao đất thế nhưng họ đòi quá cao nên không thể chấp nhận được”, đại diện chủ đầu tư cho hay.

Trước thông tin phản ánh của PV về việc lấp hồ làm dự án, đại diện chủ đầu tư cho rằng, đó không phải là hồ mà là diện tích đất nông nghiệp thuộc khu Đồng Trang Trong và khu Đồng Trang Ngoài của các hộ dân. Trước kia người dân ở đây trồng lúa một vụ và một vụ nuôi cá. Sau đó, toàn bộ diện tích khu Đồng Trang Ngoài được hộ gia đình ông Bùi Văn Thưởng là chủ của nhà hàng Quán Cá Đầm Vạc thuê và mua lại của các hộ dân và tiến hành đào đắp để giữ nước nuôi cá và làm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực này.

Đối với khu Đồng Trang Trong, theo các hồ sơ giấy tờ được chủ đầu tư cung cấp, toàn bộ khu Diện tích ao nuôi cá đã được chủ đầu tự nguyện đền bù cho bà Nguyễn Thị Sáu (chủ hộ) với số tiền 1.165 triệu đồng.

Quyết định số 217/QĐ - UBND TP Vĩnh Yên về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB công trình Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc.
  Quyết định số 217/QĐ - UBND TP Vĩnh Yên về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB công trình Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc.

Qua tìm hiểu của PV, UBND thành phố Vĩnh Yên đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng công trình: Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc tại phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên với tổng kinh phí hơn tỷ 64,6 tỷ đồng. Bao gồm các nội dung: Bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp; bồi thường, hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc, cây trông; chi phí lập, thẩm định phương án bồi thường.

Được biết có 2 hộ dân chưa nhận tiền đền bù vì cho rằng mức giá thấp là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Sáu và gia đình bà Đỗ Thị Thịnh. Trước tình hình những hộ trên chưa nhận tiền đền bù thì Đảng ủy phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên đã thành lập tổ công tác nhằm mục đích tuyên truyền, vận động các hộ dân này chấp hành quy định của nhà nước về giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc. Qua các biên bản làm việc thể hiện đối với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Sáu tổ tuyên truyên, vận động đã làm việc 3 lần nhưng đến nay bà Sáu và bà Thịnh vẫn không chấp hành.

Trong bối cảnh Chính phủ đang hành động quyết liệt để đẩy lùi dịch Covid-19 và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khôi phục sản xuất như hiện nay, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác GPMB để chủ đầu tư huy động nguồn lực sớm triển khai dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bộ mặt đô thị của địa phương.

Đọc thêm