Vợ chồng tôi không chia cho con nuôi phần đất cấp cho hộ gia đình có được không?

(PLVN) - Đất được Nhà nước cấp cho hộ gia đình 5 thành viên trong đó có người con nuôi nhưng trong sổ đỏ đứng tên của chồng tôi. Nay chúng tôi muốn phân chia toàn bộ diện tích đất đai, nhà cửa cho con đẻ mà không cần sự đồng ý của con nuôi có được không? 
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Hỏi: Gia đình tôi trước đây sống ở đất bãi trên sông, năm 1990 địa phương vận động lên bờ, cấp cho diện tích đất hơn 400m2 để ở và canh tác cho 5 nhân khẩu (2 vợ chồng tôi, 2 người con đẻ và 1 con nuôi). Năm 2005 diện tích đất trên đã được cấp sổ đỏ đứng tên chồng tôi. 

Do mâu thuẫn gia đình nên người con nuôi của chúng tôi bỏ đi lập nghiệp ở tỉnh xa, tình cảm xa mặt cách lòng, không có trách nhiệm gì với cha mẹ. Nay chúng tôi muốn phân chia toàn bộ diện tích đất đai, nhà cửa của gia đình hiện đang đứng tên chồng tôi cho hai người con đẻ của mình mà không cần ý chí của người con nuôi liệu có được không?  

Trả lời: Theo dữ kiện bà trình bày, năm 1990, gia đình bà được nhà nước cấp diện tích hơn 400m cho hộ gia đình 5 nhân khẩu, gồm hai vợ chồng bà, 3 người con (2 con đẻ và 1 con nuôi). Mặc dù đất này hiện đã được cấp sổ đỏ đứng tên một mình chồng bà nhưng nguồn gốc đất là do Nhà nước cấp cho hộ gia đình, thuộc sở hữu chung của 5 thành viên trong gia đình, trong đó người con nuôi của ông bà cũng có phần sở hữu chung trên tổng diện tích trên 400m2 đất đó.

Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Như vậy, đất được cấp cho hộ gia đình thì thuộc quyền sở hữu chung của tất cả mọi thành viên trong hộ gia đình. Việc xác định những người có quyền đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình được căn cứ vào sổ hộ khẩu tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Việc định đoạt quyền sử dụng đất là tài sản của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Tại Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.”.

Theo thông tin bà cung cấp, chồng bà đang đứng tên trên sổ đỏ đối với diện tích đất cấp cho hộ gia đình, trong Hộ gia đình có 5 người. Khi nhà nước giao đất cho hộ gia đình, người con nuôi có trong nhân khẩu nên cũng có quyền đối với  diện tích đất được giao.

Như vậy, đất mà nhà nước cấp theo khẩu phần nên người con nuôi vẫn được chia, nếu vợ chồng bà tự ý chia cho hai người con đẻ của mình mà không có ý chí của người con nuôi là không đúng pháp luật.

Đọc thêm