Vợ cũ mắc bệnh nan y, chẳng lẽ chồng tôi cứ phải cấp dưỡng nuôi cô ấy suốt đời?

(PLVN) -  Mặc dù đã ly hôn và lấy vợ mới nhưng hàng tháng chồng em vẫn phải gửi tiền cho vợ cũ chữa bệnh. Kinh tế vợ chồng em cũng không khá giả nên em cảm thấy rất là không thoải mái vì chuyện này...  
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Hỏi: Em kết hôn lần đầu tiên nhưng chồng em thì đã "qua một lần đò". Vợ cũ anh ấy sức khỏe yếu, lại mắc bệnh tim bẩm sinh, không có khả năng sinh con nên hai người phải ly hôn. Sau ly hôn hai năm thì chồng em tái hôn, còn cô ấy bệnh tật nên không đi bước nữa.

Lấy nhau một thời gian em mới biết, mặc dù đã "cắt đứt" nhưng chồng em vẫn gửi tiền cấp dưỡng cho vợ cũ chữa bệnh. Anh ấy làm việc này là tự nguyện chứ không phải do thực hiện theo bản án ly hôn. Anh ấy giấu giếm em chuyện này vì kinh tế vợ chồng em cũng không mấy khá giả, hiện em lại chưa đi làm vì đang phải nuôi con nhỏ.

Em cảm thấy rất là ấm ức, không thoải mái vì chuyện này. Khi em hỏi thì chồng em thừa nhận và nói việc anh ấy làm là vì tình nghĩa và cũng vì trách nhiệm trước pháp luật, việc anh ấy cấp dưỡng là theo quy định của pháp luật.

Em xin hỏi pháp luật có quy định sau khi ly hôn người ta vẫn phải cấp dưỡng cho chồng cũ/ vợ cũ hay không? Nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ cũ khi nào thì kết thúc? Vợ cũ của chồng em bệnh nan y, không kết hôn mới, vậy chẳng lẽ chồng em cứ phải cấp dưỡng nuôi vợ cũ suốt đời hay sao? (Chị Đỗ K.O, 26 tuổi).  

Trả lời: Xin được chia sẻ với tâm trạng ấm ức của bạn. Người ta nói rằng, ứng xử với vợ cũ thế nào không chỉ thể hiện ở một việc làm, một lời nói. Thái độ này còn thể hiện nhân cách của một người. Vợ chồng ly hôn, hết tình nhưng còn nghĩa. Việc chồng bạn vẫn cấp dưỡng cho vợ cũ cho dù hai người họ đã ly hôn không chỉ thể hiện anh ấy là người trách nhiệm mà còn là người nhân nghĩa. 

Đúng như anh ấy đã nói với bạn, việc anh ấy cấp dưỡng cho vợ cũ khó khăn, bệnh tật không nằm ngoài quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Tại Điều 115 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn như sau: "Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình."

Pháp luật quy định về mức cấp dưỡng tại tại Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau: 

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về phương thức cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Điều 118 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau: Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình; Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi; Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng; Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết; Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn; Trường hợp khác theo quy định của luật.

Qua câu chuyện của bạn, chúng tôi hình dung bạn là người phụ nữ hiểu chuyện, kín kẽ và biết nhẫn nhịn. Vậy nên việc bạn hỏi "nếu vợ cũ không kết hôn thì chồng phải cấp dưỡng nuôi cô ấy suốt đời hay sao" có vẻ như chỉ là do hoàn cảnh kinh tế bí bách, tâm trạng ấm ức mà thôi chứ nếu khá giả hơn có lẽ bạn cũng ủng hộ việc làm nhân nghĩa, trách nhiệm của chồng mình. 

Như bạn nói, việc cấp dưỡng là do chồng bạn tự nguyện chứ không phải thực hiện theo quyết định của tòa án. Bởi vậy, trong trường hợp chồng bạn là người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì vẫn có thể tạm ngừng việc cấp dưỡng, dù chưa có căn cứ để chấm dứt việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. 

Đọc thêm