Vụ “Cưỡng đoạt tài sản” ở Tuyên Quang: Vì sao bị cáo kêu oan?

(PLVN)- Quá trình bắt giữ, khám xét hành vi phạm tội đối với Trịnh Văn Long trong vụ "Cưỡng đoạt tài sản", Công an phát hiện có ma túy trong ví của Long và khởi tố thêm tội "Tàng trữ trái phép mà tuý". Tuy nhiên, bị cáo Long kêu oan không tàng trữ ma tuý, hồ sơ vụ án còn có nhiều điểm mờ...


Trịnh Văn Long trước khi bị bắt.
Trịnh Văn Long trước khi bị bắt.

  Từ đòi nợ sang bắt cóc tống tiền

Nội dung vụ án thể hiện, cuối năm 2018, anh Lê Văn Minh (ngụ xã Ninh Lai, Sơn Dương, Tuyên Quang) có nhờ Trịnh Văn Long đòi món nợ 300 triệu đồng của anh Đỗ Văn Lợi (SN 1973, ngụ huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) mua xe ô tô chưa trả hết.

Ngày 02/12/2018, Trịnh Văn Long đã cùng một số đồng phạm gồm Lưu Văn Hiệp (SN 1991), Trần Văn Định (SN 1992), Nguyễn Văn Dương (SN 1994) cùng trú huyện Sơn Dương và Lý Thị Hạnh (SN 2002, trú huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) lên kế hoạch tới nhà anh Lợi để đòi nợ.

Tối cùng ngày, bằng kế hoạch dựng sẵn, Long đã đưa được anh Lợi lên xe ô tô của mình. Từ đó, Long cùng nhóm đối tượng đã nhốt anh Lợi trên xe, hành hung và đòi trả món nợ của anh Minh.

Sau nhiều lần thương thảo, Long yêu cầu anh Lợi trả 1,2 tỷ đồng tiền cả gốc lẫn lãi số tiền nợ anh Minh. Sau đó, 2 bên thỏa thuận anh Lợi đồng ý trả cho Long 1 tỷ đồng.

Chiếc xe được Trịnh Văn Long sử dụng khi gây án
 Chiếc xe được Trịnh Văn Long sử dụng khi gây án

Trong suốt 2 ngày liên tiếp, Long cùng đồng bọn chở anh Lợi bằng ô tô lòng vòng qua nhiều tỉnh thành như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang... bằng nhiều thủ đoạn đe dọa, vừa đàm phán các phương án giao nhận tiền với người nhà nạn nhân. Trên đường đi nhóm của Long thường xuyên sử dụng ma túy và thay đổi nhiều cách thức và phương tiện khác nhau, thậm chí không quên trùm đầu để nạn nhân mất phương hướng.

Đến khoảng 10h30 phút ngày 4/12/2018, khi Long đang nhận tiền từ người nhà anh Lợi thì bị cơ quan điều tra phát hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản. Quá trình kiểm tra, cơ quan điều tra còn phát hiện trong ví của Long có chứa chất ma túy tổng hợp.

Chứng cứ còn nhiều mâu thuẫn?

Ngày 18/11/2019, Trịnh Văn Long cùng đồng bọn bị TAND tỉnh Tuyên Quang xét xử sơ thẩm với các tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” và “Tàng trữ sử dụng ma tuý”. Trịnh Văn Long bị tuyên phạt 16 năm tù cho tội “Cưỡng đoạt tài sản”; 02 năm tù giam về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Văn Long không thừa nhận hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, bị cáo kháng cáo kêu oan vì những lý do như cơ quan công an không lập biên bản phạm tội quả tang về hành vi này, không được ký vào bì niêm phong, người làm chứng không có thực... Người làm chứng tại phiên tòa khai nhận không được đọc biên bản phạm tội quả tang, chỉ được ký vào một giấy và bì niêm phong...

Trịnh Văn Long bên chiếc xe làm phương tiện gây án
Trịnh Văn Long bên chiếc xe làm phương tiện gây án 

Luật sư Lâm Quang Ngọc (Văn Phòng luật sư Hùng Phúc, Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc) nhận định, trong vụ việc này, hồ sơ vụ án còn nhiều điểm mờ, chưa đủ căn cứ để kết luận Trịnh Văn Long tàng trữ trái phép chất ma túy.

Cụ thể, tại Biên bản ghi lời khai, hồi 18h ngày 04/12/2018, Trịnh Văn Long khai: “Số ma túy dạng đá mà tôi đã mua thì tôi chỉ để sử dụng cho nhu cầu của bản thân, không mua bán, trao đổi với ai khác”. Ngày hôm nay tôi đã sử dụng hết số ma túy đó chứ không cất giấu ở đâu cả”.

Trước khi niêm phong đồ vật, tài liệu thu giữ của Trịnh Văn Long, CQĐT đã kiểm tra bên trong và không phát hiện các túi đựng tinh thể màu trắng, màu xanh. Cụ thể, Biên bản hỏi cung bị can ngày 06/3/2019, bị cáo khai: “Cơ quan điều tra đã tạm giữ của tôi những đồ vật, tài sản gồm: 01 chiếc ví da màu nâu, kiểm tra bên trong có hơn 1.300.000 đồng… Sau đó, CQĐT tạm giữ vào 03 phong bì gồm 1 phong bì đựng ví da, 01 phong bì đựng điện thoại và 01 phong bì đựng tiền”

Nhưng tại bút lục khác, bị cáo khai rằng: “Trước khi mở niêm phong, tôi đã kiểm  tra xác nhận chính xác là chữ ký của tôi có 01 chữ ký ở phong bì (tôi chỉ ký 1 chữ ký) vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, tôi nhìn thấy phong bì không còn nguyên vẹn, không nguyên vẹn như thế nào thì tôi không trình bày được”.

Mặt khác, theo lời khai của anh Đỗ Văn Lợi, anh Nguyễn Văn Dương đều thể hiện quá trình ngồi trên xe ô tô cùng Trịnh Văn Long thì thấy các lần Long sử dụng ma túy đều lấy ma túy và dụng cụ có sẵn trên xe ô tô, không có lời khai nào cho thấy Long để ma túy ở trong ví tiền.

Đơn kháng án của Trịnh Văn Long
 Đơn kháng án của Trịnh Văn Long

Ngoài ra, thủ tục niêm phong đồ vật thu giữ được của Trịnh Văn Long và mở niêm phong có dấu hiệu không khách quan, mâu thuẫn và vi phạm quy định pháp luật.

Cụ thể, biên bản niêm phong đồ vật, tài liệu không được lập kịp thời ngay tại thời điểm thu giữ. Bởi theo các tài liệu hiện có trong hồ sơ vụ án, biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với bị cáo được lập vào hồi 10h30p ngày 04/12/2018. Tuy nhiên, đến 13h05 phút cùng ngày, Cơ quan điều tra mới tiến hành lập biên bản niêm phong, đồng thời có dấu hiệu tẩy xóa chữ viết nhưng không có xác nhận về việc này. Trong khi đó, Biên bản niêm phong là một trong những tài liệu, chứng cứ đặc biệt quan trọng, xác nhận việc trong ví của bị cáo Trịnh Văn Long có ma túy hay không?

Quá trình cơ quan điều tra thu giữ, niêm phong, mở niêm phong đối với đồ vật, tài liệu đã thu giữ của bị cáo Trịnh Văn Long có sự chứng kiến của 2 người. Tuy nhiên, dù chưa có kết luận của cơ quan giám định nhưng nhân chứng đã khẳng định tại thời điểm mở niêm phong, trong ví của Trịnh Văn Long có ma túy (trong biên bản làm việc ngày 02/10/2019, BL 1972, 1973).

Từ những tài liệu chứng cứ nêu trên, có thể thấy quá trình Cơ quan điều tra thu giữ, niêm phong và kết luận Trịnh Văn Long tàng trữ trái phép chất ma túy còn nhiều điểm mâu thuẫn, không khách quan và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đó chính là lý do Trịnh Văn Long không thừa nhận tội danh và liên tiếp viết đơn kháng án và kêu oan, còn luật sư bào chữa thì đề nghị hủy án, điều tra lại về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên những dẫn chứng trên bị HĐXX sơ thẩm bác bỏ, cho rằng việc lập biên bản phạm tội quả tang, niêm phong đều thực hiện theo đúng pháp luật. Trước khi mở niêm phong, cơ quan điều tra đã cho các bị cáo và nhân chứng tham gia và xác định tình trạng niêm phong còn nguyên vẹn, do đó không có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên không có căn cứ chấp nhận.

Tới đây, ngày 09/10/2020, Tòa Cấp cao Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm vụ án, thiết nghĩ những vấn đề trên cần được đánh giá khách quan, minh bạch nhằm đảm bảo việc truy tố và xét xử đối với bị cáo được đúng người, đúng tội, tránh oan sai.

Đọc thêm