Xứ sở diệu kỳ của nước

(PLVN) - Tỉnh Đắk Lắk  nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, nơi đầu nguồn sông Sêrêpôk chảy vào đất Việt. Từ Đắk Lắk tiếng M'nông nghĩa là nước, là hồ nước; có lẽ tên của tỉnh và nhiều địa danh trong tỉnh cũng xuất phát từ đặc điểm tự nhiên nơi này. 
Xứ sở diệu kỳ của nước

Tỉnh Đắk Lắk ngoài hệ thống sông Sêrêpôk hùng vĩ, còn có các con sông Đăk Krông, sông Krông Ana, Krông Nô mà mới chỉ nghe cái tên đã thấy cả một không gian văn hóa khoáng đạt của xứ sở đại ngàn Tây Nguyên. 

Ấy là chưa kể những dòng suối trong vắt hàng ngàn năm vẫn miệt mài chảy trong các khu rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia Buôn Đôn, Vườn quốc gia Chư Yang Sin; hay dòng nước ăm ắp, trong xanh đầy hoang sơ và gợi cảm trong các hồ Lắk, hồ Ea Kao; những dòng chảy dạt dào trong thác Thủy Tiên, thác Krong Kmar, thác đôi Dray Sap - Dray Nu quyến rũ giữa đại ngàn… Đắk Lắk là xứ sở của nước.

Hồ trên núi Krông Pa đẹp như một bức tranh.
Hồ trên núi Krông Pa đẹp như một bức tranh.

Đến Đắk Lắk, bạn không chỉ được nghe huyền thoại về dòng sông chảy ngược Sêrêpốk mà còn rất nhiều câu chuyện ly kỳ quanh những dòng thác mộng mơ, huyền ảo. Từ câu chuyện huyền thoại về dòng sông Sêrêpốk, sinh ra câu chuyện về những nhánh sông, những ngọn thác. 

Sông Sêrêpốk chảy qua địa phận tỉnh Đắk Lắk thì tách thành hai dòng, chia hai ngả. Hai nhánh sông ấy mang hai cái tên là sông Krông Ana (sông Cái) và sông Krông Nô (sông Đực). Sông Cái sinh ra ngọn thác Dray Nur (còn được gọi là thác Vợ), và sông Đực (sông Krông Nô) sinh ra thác Dray Sáp (còn được gọi là thác Chồng).

Vẻ đẹp của thác Dray Nu.
 Vẻ đẹp của thác Dray Nu. 

Những năm trước, đôi thác Dray Nu - Dray Sáp là điểm tham quan hấp dẫn du khách không chỉ bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn vì câu chuyện ly kỳ, huyền thoại của “cặp thác vợ chồng” này. Tuy nhiên hiện tại, thác Dray Sáp đã đóng cửa nên du khách chỉ có thể tham quan thác Dray Nur.

Trên khắp các buôn làng của Đắk Lắk, nơi đâu cũng gặp những suối nguồn, những bến nước, hình ảnh các cô gái, các mẹ, các chị trò giặt giũ, chuyện trò rộn rã bên bến nước…

Một con suối bình yên xuyên qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin.
 Một con suối bình yên xuyên qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin. 

Trên dòng suối hiền hòa, đoạn này là đám trẻ nô đùa, tắm mát; đoạn kia là những chú voi nhà hiền lành thong thả uống nước mỗi chiều rồi mới đủng đỉnh về buôn. Cuộc sống nơi đây yên ả như cánh rừng xanh mát, trong trẻo như dòng suối ngọt ngào, nó khiến người ta như sống chậm lại, tâm hồn được thanh lọc khỏi những bộn bề áp lực, ô tạp của đời sống. 

Đắk Lắk là thủ phủ cà phê – nơi có cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng. Nhưng miền đất này không chỉ có cà phê mà còn nhiều “đặc sản” khác. Đó còn là những nét đặc sắc của văn hóa bản địa, của vùng đất sử thi huyền thoại với những trường ca Đăm San - Xinh Nhã. Nơi đây có nhiều di tích, thắng cảnh và có truyền thống văn hóa đa dạng, Phong cảnh ở đây là sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp hoang sơ của núi rừng pha lẫn sự hiện đại của phố thị.

Chiều trên sông Sêrêpôk, những chú voi nhà hiền hòa, thong thả uống nước rồi thủng thỉnh về buôn.
Chiều trên sông Sêrêpôk, những chú voi nhà hiền hòa, thong thả uống nước rồi thủng thỉnh về buôn.

Một phố núi dịu dàng và tĩnh lặng, nhưng lại vô cùng quyến rũ bởi những dãy núi đồi hùng vĩ, những cánh rừng cà phê xanh bạt ngàn, những vạt đồi vàng rực hoa dã quỳ. Ở đó còn có những nếp  nhà rông, nhà dài, nhà sàn của đồng bào các dân tộc Ê Đê, M’nông, J’rai sống xen lẫn với các gia đình người Kinh tạo nên nét văn hóa đa sắc màu... 

Hoàng hôn trên hồ Ea Kao.
Hoàng hôn trên hồ Ea Kao. 

Đặc biệt, Đắk Lắk có Bản Đôn là một địa danh đã được đưa vào bản đồ du lịch thế giới vì truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Được thong thả cưỡi voi trên đoạn sông hay suối là một trải nghiệm đáng nhớ mà nhiều người mong muốn. Đắk Lắk cũng là mảnh đất của thơ ca với bản sử thi huyền thoại như trường ca Đam San, Xinh Nhã dài hàng nghìn câu; như nét đặc sắc của những bài hát bằng ngôn ngữ của người Ê Đê, người M'Nông...; như các đàn đá, đàn T'rưng, đàn k'lông pút...

Đắk Lắk cũng là một phần của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đến Đắk Lắk, bạn cũng được chiêm ngưỡng những ngôi nhà dài truyền thống “dài như một tiếng chiêng” của người Ê hoặc các bến nước tại các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đọc thêm