Ý kiến của chuyên gia pháp lý xoay quanh vụ “ký chuyển nhượng nhà khi đang bị tạm giam”

(PLVN) - Về việc bị cáo vụ “lái xe Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không thương tật 79%” ký chuyển nhượng căn hộ trong lúc đang bị tạm giam, đến khi ra Tòa lại trình bày không có tiền bồi thường cho bị hại, nhiều chuyên gia pháp lý đã lên tiếng phân tích các tình tiết liên quan.
Hiện trường vụ tai nạn ngày 30/1/2020 do Phong lái xe ô tô gây ra.
Hiện trường vụ tai nạn ngày 30/1/2020 do Phong lái xe ô tô gây ra.

Đang bị tạm giam vẫn ký chuyển nhượng nhà

TAND quận Phú Nhuận (TP HCM) mới đây đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, quận Gò Vấp) 7 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”do có hành vi lái ô tô gây ra vụ tai nạn vào rạng sáng 30/1 ở đường Hồng Hà (quận Phú Nhuận) khiến 2 người thương vong.

Ngoài mức án trên, TAND quận Phú Nhuận còn tuyên buộc bị cáo Phong phải bồi thường cho gia đình ông Lê Mạnh Thường (tài xế Grab Bike) 477 triệu đồng, bồi thường cho chị Nguyễn Thị Bích Hường (nữ tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines) hơn 1,4 tỷ đồng.

Đây là trách nhiệm dân sự mà bị cáo Phong phải chịu khi có hành vi gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người khác. Tuy nhiên, tại Tòa, bị cáo cho biết trong thời gian chờ xét xử đã ký công chứng sang tên cho mẹ căn nhà chung cư mua trả góp cùng với mẹ nên giờ không còn tài sản nào khác để chịu trách nhiệm với bị hại. Phong khai thời điểm ký giấy chuyển nhượng, bị cáo đang bị tạm giam, có một người ở phòng công chứng đến, mang giấy tờ yêu cầu Phong ký. Bị cáo ký vào giấy tờ, ngoài ra không biết gì hết. 

Theo nội dung văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ, Phong đã thanh toán cho chủ đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Theo đó, giá chuyển nhượng hợp đồng giữa Phong và mẹ (bà Trần Hoàng Họa Mi) vẫn là hơn 1 tỷ đồng, thanh toán ngay sau khi công chứng hợp đồng này. Ngày 22/6, hồ sơ chuyển nhượng được Văn phòng công chứng Đồng Thị Hạnh công chứng, trong đó có nội dung các bên giao kết hợp đồng đã đọc lại toàn bộ dự thảo này vào lúc 9 giờ 10 tại nhà tạm giữ Công an quận Phú Nhuận.

Trả lời Tòa, bà Mi trình bày khi nghe đến khoản tiền bồi thường quá lớn, bà nghĩ sẽ mang căn nhà đi thế chấp ngân hàng lấy tiền bồi thường. Tuy nhiên, vì căn nhà chưa có sổ đỏ nên không ngân hàng nào chấp nhận. 

Ý kiến của các chuyên gia

Trong phần tranh luận tại phiên tòa, luật sư của bị hại đề nghị Hội đồng xét xửxem xét việc chuyển nhượng tài sản trong quá trình bị cáo tạm giam được xem là hành vi tẩu tán tài sản nhằmtrốn tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, bày tỏ quan điểm trên báo chí, các chuyên gia pháp lý đã có nhiều ý kiến phân tích quanh việc bị cáo Phong chuyển nhượng căn hộ cho mẹ ngay khi đang bị tạm giam.

Cụ thể, theo Thạc sĩ Võ Văn Tài (giảng viên Trường Đào tạo - bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP HCM) người bị tạm giam chỉ bị hạn chế quyền đi lại, những quyền khác nếu luật không cấm, không bị tước bỏ thì được thực hiện. Trong đó, người bị tạm giam vẫn có quyền giao dịch dân sự, nhưng Cơ quan điều tra phải biết giao dịch đó và cho phép các bên gặp mặt để thực hiện giao dịch.

Ông Tài cho biết, theo Điều 128 và Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự, để bảo đảm bồi thường thiệt hại, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản đối với bị can, bị cáo. “Tuy nhiên, điều luật đã tạo điểm mở khi dùng từ “có thể”, tức cơ quan tiến hành tố tụng làm cũng được, không làm cũng không sao. Vì vậy, khi không kê biên tài sản của bị can, tạo điều kiện cho bị can tẩu tán tài sản, thì chúng ta cũng chỉ đặt nghi vấn trách nhiệm của người tham gia tiến hành tố tụng; còn chiếu theo điều luật nào để quy trách nhiệm thì không có”, Thạc sĩ Tài nêu.

Đồng tình với ông Tài, Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng, việc Phong ký công chứng chuyển nhượng nhà chung cư mua trả góp chung với mẹ cho người mẹ là hoàn toàn hợp pháp. Ngoài ra, Luật sư Mạch phân tích: Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, một người được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực của Tòa án kết tội đối với người đó. Bên cạnh đó, nghĩa vụ dân sự (nếu có) cụ thể là nghĩa vụ bồi thường cũng chỉ phát sinh sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó, công chứng viên không có nghĩa vụ phải biết bị can “có khả năng” phải bồi thường thiệt hại cho bị hại để từ chối công chứng hợp đồng chuyển nhượng nêu trên.

Trường hợp này, người có quyền hạn và nghĩa vụ xem xét tính hợp pháp của giao dịch nêu trên là điều tra viên. Khi phát sinh sự việc bị can muốn thực hiện giao dịch dân sự tại trại giam có sự tham gia của công chứng viên thì phải được sự cho phép và giám sát của điều tra viên và cán bộ tại trại giam. Do vậy, nếu nhận thấy sự bất thường đối với mục đích của giao dịch này, điều tra viên cần báo cáo cho người có thẩm quyền để ra lệnh kê biên nếu xét thấy cần thiết. Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành quyết định liên quan đến kê biên tài sản đối với bị can, bị cáo mà bị can, bị cáo vẫn thực hiện các giao dịch chuyển nhượng đối với tài sản bị kê biên thì mới là hành vi trái pháp luật (có dấu hiệu tẩu tán tài sản).

Cần phải rạch ròi giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự của bị cáo trong vụ án hình sự. Đối với nghĩa vụ dân sự trong vụ án hình sự, nếu Hội đồng xét xử tuyên bị cáo có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị hại thì bị cáo phải thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, không phụ thuộc vào việc bị cáo có còn tài sản hay không. Nếu bị cáo không thực hiện nghĩa vụ dân sự trong vụ án hình sự thì sẽ tự hạn chế các quyền của mình như không thể xét tha tù trước thời hạn, không thể thực hiện thủ tục xóa án tích.

Công chứng viên Nguyễn Thanh Lương (Hội Công chứng tỉnh Tiền Giang) cũng cho biết, theo Điều 44 Luật Công chứng thì trường hợp Phong đang bị tạm giam, nếu có yêu cầu công chứng thì việc công chứng có thể diễn ra tại trại tạm giam. Do đó, việc công chứng viên vào trại công chứng là bình thường.

Nếu kiểm tra trên hệ thống, liên kết mạng, tài sản công chứng chuyển nhượng không bị ngăn chặn thì theo quy định, việc công chứng là bình thường. Tuy nhiên, thông thường công chứng viên cũng sẽ dùng những kinh nghiệm nghề nghiệp, vốn sống, hiểu biết... để quyết định việc có công chứng hay không. Chẳng hạn, công chứng viên công chứng tại trại tạm giam thì sẽ biết người giao dịch là ai, đang có nghĩa vụ gì...

Theo Công chứng viên Lương, quá trình tố tụng, Phong chưa bồi thường cho bị hại nhưng có tài sản duy nhất lại bán đi, như vậy càng chứng minh rõ dấu hiệu tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ. Những người có liên quan (như người được quyền nhận bồi thường) có quyền kiện việc dân sự đề nghị Tòa tuyên bố hủy hợp đồng mua bán được công chứng trong trại tạm giam này. Đồng thời, tại phiên tòa hình sự, họ có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định ngăn chặn, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với căn nhà đó.

Đáng chú ý, Công chứng viên Lương nêu rõ, khi xác định giao dịch nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ, việc công chứng là không phù hợp quy định pháp luật thì công chứng viên có quyền đề nghị Tòa tuyên bố giao dịch vô hiệu. Đây là một trong những biện pháp khắc phục, sửa sai...

Đọc thêm