Cẩm Giàng (Hải Dương): Giấu biên chế để tuyển thêm người thân quan chức?

(PLO) - Năm học 2011- 2012, UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục nhằm tìm hiền tài với tinh thần “tất cả vì sự nghiệp trồng người”. Thế nhưng, đằng sau mục đích tốt đẹp ấy, trong kỳ thi tuyển này lại xảy ra nhiều điều khuất tất mà theo phản ánh là do sự “nhúng tay” của cơ quan chức năng huyện Cẩm Giàng.
Độc chiêu “giấu biên chế” để tăng thêm chỉ tiêu thi tuyển có sự “nhúng tay”  của Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Giàng?
Độc chiêu “giấu biên chế” để tăng thêm chỉ tiêu thi tuyển có sự “nhúng tay” của Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Giàng?
Về hình thức, kế hoạch thực hiện kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) năm học 2011 - 2012 cơ bản đúng theo quy định. Nhưng trên thực tế, theo phản ánh, ngay từ đầu kỳ thi này lại có sự khuất tất, “nhào nặn” để có thêm chỉ tiêu thi tuyển bằng chiêu bài “giấu biên chế” để hợp thức hóa cho việc đề nghị tuyển dụng thêm viên chức. Kết quả là, sau khi thi tuyển, số biên chế của trường vốn đã thừa trước đó (so với chỉ tiêu được giao) lại tăng lên.
Phòng Giáo dục và Đào tạo làm báo cáo cho Hiệu trưởng ký tên
Trước thông tin “lạ” về kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục năm 2011 - 2012 tại huyện Cẩm Giàng, sau nhiều ngày dày công tìm hiểu, với những thông tin mà PLVN có được, những khuất tất của sự việc đã phần nào được hé hộ bởi chính người trong cuộc. 
Theo lãnh đạo của một trường trung học cơ sở (THCS) huyện Cẩm Giàng, trong thi tuyển viên chức ngành giáo dục huyện Cẩm Giàng năm 2011- 2012, căn cứ vào nhu cầu, cơ cấu, chỉ tiêu được giao, các trường phải xây dựng kế hoạch thi tuyển báo cáo để UBND huyện tổng hợp, thẩm định, xét duyệt và đề nghị Sở Nội vụ phê duyệt chỉ tiêu, cơ cấu tuyển dụng. 
Tuy nhiên, trong việc xây dựng kế hoạch này, nhà trường đã phải báo cáo thiếu trung thực, ghi giảm số biên chế hiện có của trường, giấu sáu biên chế để hợp thức hóa cho việc đề nghị thi tuyển thêm bốn viên chức, dẫn đến biên chế của trường đã thừa một lại tăng lên thành năm. 
Việc này là do sự “nhúng tay” của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cẩm Giàng. Nghĩa là việc xây dựng kế hoạch thi tuyển không phải do nhà trường tự lập mà do Phòng GD&ĐT lập sẵn, hiệu trưởng chỉ việc ký vào.
“Bản kế hoạch thi tuyển này do Phòng GD&ĐT lập sẵn, đồng chí N.H, chuyên viên Phòng GD&ĐT gọi tôi lên và nói rằng cứ ký vào không chết, không cháy nhà đâu mà sợ” - vị lãnh đạo này cho biết.
Trường THCS Cẩm Định - một trong những trường đã xây dựng kế hoạch và tuyển dụng vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao
Trường THCS Cẩm Định - một trong những trường đã xây dựng 
kế hoạch và tuyển dụng vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao
 
“Giấu biên chế” để có thêm chỉ tiêu 
Cũng theo phản ánh, cả bốn trường hợp được tuyển dụng của một trường trong kỳ thi này đều là con cháu của “các quan” huyện Cẩm Giàng gửi gắm từ trước, đó là bà H.T.H, thi viên chức thiết bị, là người quen của đồng chí Phạm Xuân Tuyển, Trưởng phòng GD&ĐT gửi; bà B.T.H, thi tuyển viên chức môn Kĩ thuật Công nghiệp, là em của đồng chí Cao Danh Chấn, cán bộ Phòng GD&ĐT huyện; bà N.T.Q, thi viên chức môn Hóa học, là em gái ruột của đồng chí Nguyễn Văn Kiên, khi đó là Phó Bí thư chi bộ nhà trường; bà B.T.D, thi viên chức môn Vật lý, là con dâu của đồng chí Vương Đức Hiếu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện.
“Khi xây dựng kế hoạch thi tuyển, nhà trường đã báo cáo rất trung thực, nhưng do định hướng của Phòng GD&ĐT, tôi không tự ý lập kế hoạch thi tuyển. Việc tôi ký vào bản kế hoạch này không nhằm mục đích cá nhân mà là do sự nể nang trong công việc với mong muốn cho những người thân của đồng nghiệp, cấp trên có cơ hội thi tuyển.
Sự việc này không thể nói rằng lãnh đạọ không biết chỉ tiêu đã thừa mà vẫn tuyển dụng bởi việc lập kế hoạch đề nghị thi tuyển của nhà trường đã được Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ huyện Cẩm Giàng thẩm định, rà soát kỹ càng, nếu thấy không phù hợp thì hai cơ quan này hoàn toàn có quyền bác bỏ, không cho nhà trường thi tuyển nữa nhưng đằng này vẫn được thi tuyển bình thường” - lãnh đạo một trường THCS tiết lộ.
Cũng theo lời trần tình trên thì danh sách toàn thể cán bộ, giáo viên trong biên chế và hợp đồng đều được báo cáo thường xuyên bằng văn bản gửi về Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ hàng năm. Bởi vậy, việc nói các trường tự giấu biên chế để có thêm chỉ tiêu thi tuyển là hoàn toàn không chính xác, “nếu vậy tôi lấy tiền đâu ra để trả cho số giáo viên này hàng tháng?”- lãnh đạo một trường THCS giải thích.
Trước những thông tin trên, dư luận không khỏi đặt câu hỏi: trong kỳ thi tuyển này đã có bao nhiêu biên chế bị “giấu”? Có hay không việc Hiệu trưởng của các trường phải ký vào bản xây dựng kế hoạch thi tuyển do Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Giàng đã lập sẵn? Việc xây dựng kế hoạch, tuyển dụng vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào? 
Phải chăng, với độc chiêu “giấu biên chế” để có thêm chỉ tiêu thi tuyển là để địa phương này tạo ra một “sân chơi riêng” cho mình? 
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. 
Kết luận thanh tra số 13/KL/TT-SNV ngày 11/7/2013 của Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương về “Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại các trường THCS, tiểu học thuộc UBND huyện Cẩm Giàng” khẳng định: có chín trường thực hiện vượt biên chế được giao, đó là các trường THCS: Đức Chính (thừa năm giáo viên, thiếu một viên chức hành chính); Cẩm Định (thừa năm giáo viên); Cẩm Vũ (thừa hai giáo viên); Cẩm Đoài (thừa sáu Giáo Viên); Cao An ( thừa một giáo viên); Tân Trường (thừa một giáo viên); Cẩm Đông (thừa bốn giáo viên, thiếu hai viên chức hành chính); Cẩm Hoàng (thừa hai giáo viên); Lai Cách (thừa một giáo viên”....... 
Tại kỳ thi tuyển năm 2011, các trường THCS Cẩm Định, Cẩm Vũ, Cẩm Đoài đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao; UBND huyện không ban hành quyết định công nhận kết quả thi tuyển đối với người dự tuyển.
Kết luận trên cũng kiến nghị UBND huyện xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc quản lý về cơ cấu, biên chế ở các trường, tham mưu cho UBND huyện tuyển dụng, điều động không đúng quy định tại một số trường.

Đọc thêm