Châu Thái (Nghệ An): Sai phạm hàng loạt, chủ tịch vẫn lên chức

(PLO) - Bị cảnh cáo vì để xảy ra hàng loạt sai phạm trong thời kỳ giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã, nhưng không hiểu sao vị này vẫn lên ngồi ghế Bí thư Đảng ủy xã trong khi những sai phạm trước chưa được khắc phục xong.  
Châu Thái (Nghệ An): Sai phạm hàng loạt, chủ tịch vẫn lên chức
Hàng loạt sai phạm tại xã nghèo
Năm 2004, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp có Nghị quyết xây dựng bia tưởng niệm liệt sỹ, mỗi hộ đóng 100.000 đồng. Với 1.301 hộ, ước tính thu được 130,1 triệu đồng. Sau khi thu tiền đóng góp của 26 hộ là 26,3 triệu đồng, lãnh đạo xã đã tự ý chi số tiền trên cho các công trình xây dựng cơ bản, từ đó đến nay xã không tiến hành thu thêm được của hộ dân nào nữa, số tiền đã tạm vay cũng chưa thu lại được để trả cho các hộ dân, trong khi tượng đài liệt sỹ vẫn chưa xây dựng khiến người dân bất bình. 
Châu Thái là xã 135 với nhiều chính sách quan tâm của Nhà nước để cải thiện đời sống nhân dân cũng như xây dựng cơ sở vật chất. Từ năm 2001 đến năm 2005, thực hiện chủ trương xây dựng các công trình cơ bản, lãnh đạo xã Châu Thái đã kí kết vay xi măng của Nhà máy Xi măng Cầu Đước và Xi măng 12/9 Anh Sơn 1.382 tấn. 
Các xóm, trường học đều đăng ký vay xi măng để làm đường, trong đó 667,1 tấn cho các xóm và trường học, 714,9 tấn do xã đứng ra cho các xóm cũng như cá nhân vay để xây dựng công trình cơ bản tại 3 bản trong xã. Ba công trình nhà sàn làm việc khối dân, Trường Tiểu học Tam Thành và cầu đi bản Lòng (500 tấn) là những công trình tập trung xi măng để xây dựng với phương thức lấy xi măng đổi ngang công trình cho bên B thi công nhưng không tính ra giá trị là bao nhiêu. 
Cả 3 công trình này đều không có hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán đầy đủ theo quy định; không ký nhận số lượng xi măng. Đặc biệt, sau khi nhận xi măng, UBND xã đã bán một phần với giá thấp hơn giá của nhà máy. Cụ thể, thời điểm vay nhà máy định giá 1 tấn xi măng có giá 630.000 đồng, nhưng xã Châu Thái bán ra với giá thấp hơn, chỉ từ 500 – 550.000 đồng/tấn. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quỳ Hợp đã tiến hành kiểm tra UBND xã Châu Thái thì vẫn còn 35 tấn xi măng bị thất thoát không chứng minh được giấy tờ sổ sách; trách nhiệm thuộc về ông Lô Văn Thước – nguyên Chủ tịch UBND xã Châu Thái (nay là Bí thư Đảng ủy xã Châu Thái). 
Năm 2007, rét đậm, rét hại khiến hàng trăm con trâu bò bị chết, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho đồng bào xã Châu Thái mỗi con trâu bò bị chết 2 triệu đồng, ngoài ra 37 hộ nghèo trong xã mỗi hộ gia đình có trâu bò chết được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Sau khi nhận tiền hỗ trợ với hơn 700 triệu đồng, xã chỉ chi trả 700 ngàn đồng/gia đình có trâu bò chết. 
Số còn lại lãnh đạo xã trích chi trả nợ xây dựng công trình nhà làm việc 2 tầng của xã mà không họp hay bàn bạc thống nhất nào. Năm 2007 có 174 hộ dân thuộc diện nghèo trong xã được nhận tiền hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ, thay vì lập danh sách và cho các hộ dân nhận tiền thì cán bộ xã tự ký nhận và phát lại cho dân khoảng một nửa trong số tiền đó, số còn lại vay tạm để chi trả nợ nần các công trình xây dựng cơ bản. 
Giữ chức Bí thư để… khắc phục hậu quả (?)
Những sai phạm được Đoàn kiểm tra của Huyện ủy Quỳ Hợp làm rõ, các khoản hỗ trợ và ngân sách xã bị UBND huyện “cấn” trừ vào những khoản nợ trước đó. Ngân sách xã không có, cán bộ xã, thôn, xóm làm việc không có lương nhiều tháng liền, nhiều hoạt động không được triển khai. Năm 2007 huyện đã cấn trừ ngân sách xã 317 triệu đồng, các năm 2009 và 2010 lần lượt là 318 và 20 triệu đồng.
Điều trái khoáy là với những sai phạm trong quản lý, lãnh đạo, thay vì bị kỷ luật thì Chủ tịch Lô Văn Thước lại được nắm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã. Chủ tịch UBND xã Châu Thái Nguyễn Văn Hòa xác nhận: “Trước đó, nhiều tháng liền cán bộ xã đi làm không lương, những sai phạm này xảy ra lúc tôi đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch xã nhưng đang được cử đi học nên sau này khi về giữ chức Chủ tịch xã thay anh Thước mới được biết. Khi nhậm chức Chủ tịch UBND xã thay anh Thước tôi vẫn chưa được bàn giao toàn bộ sổ sách tài chính…”. 
Ông Thân Quang Vinh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp - cho biết, những sai phạm của ông Thước trong thời kỳ ông này giữ chức Chủ tịch UBND xã là có thật, huyện đã chỉ đạo xử lý việc thu hồi 5 sổ đỏ mang tên ông Thước và em trai là Lô Văn Trung. Vẫn còn những sai phạm hậu quả đến nay chưa được giải quyết, nợ đọng chính quyền, chi trả sai mục đích các khoản dân đóng góp xây tượng đài liệt sỹ... 
Sau khi phát hiện ra những sai phạm trên, cấp ủy, UBND huyện Quỳ Hợp đã có nhiều cuộc họp và năm 2010 xét hình thức kỷ luật cho thôi Huyện ủy viên đối với ông Thước. Việc tiếp tục cơ cấu cho ông Thước làm Bí thư, theo ông Vinh là vì công tác cán bộ, nhất là nguồn đào tạo trực tiếp từ địa phương của Châu Thái trong những năm qua rất khó khăn, nên cần có người hiểu rõ đồng bào; đồng thời, để ông Thước đương chức là tạo điều kiện cho bản thân cũng như chính quyền xã tiếp tục có cơ hội khắc phục những hậu quả đang tồn đọng. Tuy vậy, đã gần 4 năm qua kể từ khi ông này ngồi vào ghế Bí thư Đảng ủy xã, những hậu quả vẫn chưa được giải quyết.

Đọc thêm