Công chứng trái pháp luật, công chứng viên hầu tòa?

(PLO) - Một việc hy hữu xảy ra khi TAND TP.Hà Nội thụ lý vụ kiện đòi thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bị đơn đã thực hiện xong cách đây gần 3 năm khiến cho nhiều người nghi ngờ liệu đây có phải là cách “mượn tay tòa” để hợp thức hóa hợp đồng trái pháp luật? 
Công chứng trái pháp luật, công chứng viên hầu tòa?
Công chứng hợp đồng trái pháp luật
Theo đơn khởi kiện của ông Lê Văn Tuấn đối với cụ Khuất Thị Tính và các con thì ông Tuấn đề nghị TAND TP. Hà Nội buộc cụ Khuất Thị Tính và các con phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà ông Tuấn đã ký với vợ chồng hai cụ Khuất Thị Tính, Trần Duy Cát vào ngày 7/4/2011. 
Nếu bị đơn không thực hiện hợp đồng thì ông Lê Văn Tuấn đòi lại tiền, đồng thời đề nghị Tòa án buộc công chứng viên của Văn phòng công chứng (VPCC) A9 phải bồi thường thiệt hại do công chứng trái pháp luật đối với hợp đồng này.
Trở lại sự việc cách đây gần 3 năm, ngày 4/4/2011, trên giường bệnh, cụ Trần Duy Cát đã “ký” hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Lê Văn Tuấn trước sự chứng kiến của nhân viên VPCC A9 (không phải công chứng viên). 
Sau đó, ngày 7/4/2011, công chứng viên đã ký tên, đóng dấu hợp đồng với lời chứng là người ký hợp đồng đã thực hiện việc ký kết trước mặt công chứng viên. Sau đó, bộ hợp đồng chuyển nhượng này đã được chuyển đến UBND huyện Từ Liêm và ngày 26/4/2011, UBND huyện Từ Liêm cấp sổ đỏ cho ông Lê Văn Tuấn. 
Ngoài bản hợp đồng này, công chứng viên còn công chứng hợp đồng tặng cho tài sản mà cụ Cát cũng ký trên giường bệnh trong ngày 4/4/2011 và được công chứng theo cách thức nêu trên.
Thế nhưng khi sổ đỏ chưa kịp trao cho ông Tuấn thì sự việc trên đã bị các cơ quan chức năng phát hiện do có việc các con cụ Trần Duy Cát tố cáo đến Công an và Thanh tra Sở Tư pháp. 
Theo kết luận của Thanh tra Sở Tư pháp TP.Hà Nội thì khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng cụ Cát với ông Lê Văn Tuấn, công chứng viên đã mắc nhiều lỗi nghiêm trọng như: vi phạm thời hạn công chứng; hợp đồng không được ký tại TP. Hồ Chí Minh nhưng trong nội dung hợp đồng thể hiện địa điểm ký hợp đồng là trụ sở VPCC A9 và đặc biệt là việc đương sự không ký tên, điểm chỉ trước mặt công chứng viên, công chứng viên không xác định được tình trạng sức khỏe và nhận thức cũng như ý chí của người ký hợp đồng nhưng vẫn thực hiện việc công chứng.
Với những lỗi trên, Thanh tra Sở Tư pháp, Thanh tra TP.Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Lê Văn Tuấn là trái pháp luật và kiến nghị cơ quan chức năng hủy hợp đồng, hủy bỏ sổ đỏ đã cấp cho ông Tuấn. UBND huyện Từ Liêm đã không trả sổ đỏ cho ông Lê Văn Tuấn, mặc dù thời điểm đó UBND huyện Từ Liêm tuyên bố chỉ giữ sổ trong vòng một tháng để xem xét tính hợp pháp của hợp đồng.
Tòa án thụ lý vụ kiện để hợp thức hóa hợp đồng trái pháp luật?
Mặc dù hợp đồng bị xác định là trái pháp luật và sổ đỏ bị “giam” tại UBND huyện Từ Liêm nhưng bên mua đã nhận đất và bên bán cũng đã nhận tiền. 
Theo Luật sư Trần Việt Hùng, trong việc mua bán này, hai bên đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình theo hợp đồng nhưng do hợp đồng bị trái pháp luật và bị bên liên quan tố cáo, khiếu nại nên các bên đã ký và thực hiện phải hủy bỏ hợp đồng, trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Theo quy định của pháp luật thì hợp đồng phải bị hủy bỏ nhưng năm 2013 ông Lê Văn Tuấn đã làm đơn khởi kiện đối với cụ Khuất Thị Tính và các con của cụ Tính để yêu cầu thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà vợ chồng cụ Tính, cụ Cát đã ký.
Trong đơn khởi kiện, ông Lê Văn Tuấn còn kèm theo một yêu cầu là nếu hợp đồng bị vô hiệu thì yêu cầu Tòa buộc VPCC A9 phải bồi thường thiệt hại do công chứng trái pháp luật hợp đồng chuyển nhượng. Tòa án TP.Hà Nội đã thụ lý vụ kiện này.
Yêu cầu khởi kiện ngay lập tức gặp sự phản đối của các ông Trần Quốc Quang, Trần Duy Toàn và Trần Quốc Quân là các con của cụ Tính được Tòa triệu tập với tư cách là người liên quan. Theo đơn tố cáo gửi TAND TP.Hà Nội, ông Trần Quốc Quang cho rằng, việc Tòa án thụ lý vụ kiện này là trái pháp luật vì yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là… ngược đời. 
Nếu nguyên đơn đòi hủy hợp đồng thì còn có thể chấp nhận được, đằng này hợp đồng đã thực hiện và ông Tuấn đã nhận đất, trả tiền rồi nhưng vẫn đòi bên bán phải thực hiện hợp đồng nữa đã khiến người ta nghi ngờ việc khởi kiện này là nhằm để hợp pháp hóa bản hợp đồng đã được ký trái pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, các cơ quan chuyên môn đã kết luận hợp đồng trái pháp luật nên trong vụ án này, nếu Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi thực hiện hợp đồng thì sẽ biến hợp đồng sai thành đúng và phủ nhận toàn bộ kết quả thanh tra của các cơ quan chuyên môn. Do đó, không khó nhận ra việc xét xử có khách quan, đúng pháp luật hay không.
Theo ông Trần Quốc Quang, từ tháng 4/2011 ông đã khiếu nại việc cấp sổ đỏ trái pháp luật của UBND huyện Từ Liêm cho ông Lê Văn Tuấn và yêu cầu các cơ quan chức năng hủy hợp đồng trái pháp luật nêu trên. Đến nay, mặc dù các cơ quan chức năng đã xác định hợp đồng là trái pháp luật nhưng “quả bóng” trách nhiệm vẫn được đùn đẩy từ cơ quan này đến cơ quan khác, chưa được xem xét, xử lý dứt điểm. 
Do đó, việc nguyên đơn khởi kiện đòi thực hiện hợp đồng là kiện ngược và việc Tòa án thụ lý yêu cầu trên là bất hợp lý. Ông Quang và các anh em của mình vẫn tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng phải xem xét hủy bỏ hợp đồng trái pháp luật nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan nào giải quyết./.

Đọc thêm