Công nhân một nhà máy khốn đốn vì cơ quan chức năng thiếu quyết liệt

(PLO) - Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh (Nhà máy Sông Dinh - Bố Trạch, Quảng Bình) đối diện nguy cơ phá sản bởi sự cạnh tranh tréo ngoe từ một nhà máy khác. Trong khi đó, các ban, ngành tỉnh này vẫn chưa có hướng giải quyết rõ ràng khiến công nhân nhà máy đứng trước nguy cơ mất việc làm…
Khốn đốn vì bị “chụp giựt” nguyên liệu
Trước năm 2012, bởi đặc thù hoạt động theo thời gian thu hoạch sắn nguyên liệu nên mỗi vụ Nhà máy Sông Dinh (Cty CP XD&TV Bình Lợi) sản xuất được 7 tháng (từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau). Nhà máy này cũng xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 3.500ha, với sản lượng sắn hơn 70.000 tấn/năm và đảm bảo thu nhập ổn định cho gần 100 lao động tại đây. 
Gần trăm lao động Nhà máy Sông Dinh bức xúc trình bày về nguy cơ mất việc làm
 Gần trăm lao động Nhà máy Sông Dinh bức xúc
trình bày về nguy cơ mất việc làm
Tuy nhiên, từ niên vụ 2012 – 2013, Nhà máy tinh bột Long Giang (Cty CP TV&ĐT Long Giang Thịnh, ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép xây dựng sản xuất tinh bột dong riềng lại tiến hành thu mua sắn nguyên liệu ngay trong vùng quy hoạch của UBND tỉnh mà Nhà máy Sông Dinh đầu tư từ năm 2004, khiến Nhà máy Sông Dinh chỉ mua được 57.000 tấn sắn nguyên liệu, đủ sản xuất trong 5 tháng. Tháng 8/2012, Nhà máy Sông Dinh đã kiến nghị lên các cấp, ngành liên quan nhưng vẫn chưa được giải quyết rõ ràng.
Đến niên vụ 2013-2014, tình cảnh của Nhà máy Sông Dinh càng bi đát hơn khi số sắn mua được chỉ đủ sản xuất trong 3 tháng. Đồng nghĩa từ tháng 12/2013 đến tháng 3/2014, gần 100 lao động sẽ không có việc làm. Tại cuộc họp khẩn ngày 21/11, Công đoàn Nhà máy Sông Dinh đã gửi lên Cty CPXD&TV Bình Lợi cũng như các cấp, ngành liên quan bản trình bày và kiến nghị của người lao động về tình cảnh bức bách nói trên.
“Vợ chồng tôi đều là công nhân của nhà máy, giờ lâm phải tình cảnh như vậy thì những tháng đầu năm 2014 biết kiếm đâu ra tiền mà sống, nuôi con?”, anh Phan Quốc Vũ – một ca trưởng hỏi thẳng Ban Giám đốc Nhà máy Sông Dinh trong cuộc họp khẩn với vẻ lo lắng. 
Còn ông Trần Ngọc Yên - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy thì chua chát: “Tỉnh quy hoạch cho chúng ta xây dựng vùng nguyên liệu gần cả chục năm, nay lại bị Nhà máy Long Giang không có quyền sản xuất tinh bột sắn thu mua. Họ dùng cách “bồi dưỡng” riêng cho cánh tài xế và thương lái thu mua sắn để “ép giá” nông dân ngay trong vùng nguyên liệu của ta. Mua được thì chở thẳng đến Long Giang bán để có thêm vài đồng tiền “lót tay”. Nhiều công nhân chúng ta không còn cách nào khác phải tranh thủ giờ nghỉ ca, ra tận đường Hồ Chí Minh để gọi xe tải lại, năn nỉ để họ vào bán nhưng cũng lực bất tòng tâm…”.
Ông Trần Văn Thỏ - Giám đốc Cty CP XD&TV Bình Lợi khẳng định: “Thiếu nguyên liệu sản xuất là do Nhà máy Long Giang hoạt động sai giấy phép đầu tư được cấp. Cty sẽ cùng với công nhân hoàn thiện đơn kiến nghị, gửi lên chính quyền và các ngành chức năng một lần nữa. Hy vọng lần này họ sẽ không chỉ “hứa” xem xét như những lần trước…”. 
Cần hướng giải quyết rõ ràng
Được biết, năm 2008 Cty CP TV&ĐT Long Giang Thịnh lập kế hoạch đầu tư dự án xây dựng vùng trồng cây dong riềng làm nguyên liệu và Nhà máy tinh bột Long Giang để sản xuất tinh bột dong riềng rất hoành tráng trình lên và được các cấp ngành tỉnh Quảng Bình phê duyệt. 
Theo tìm hiểu của phóng viên, để UBND tỉnh Quảng Bình và Sở NN&PTNT phê duyệt dự án và quy hoạch một vùng nguyên liệu, Cty này cam kết xây dựng một vùng nguyên liệu dong riềng rộng lớn tại 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh trong khoảng 3 – 5 năm với 3.000ha, tổng mức đầu tư là 43,3 tỷ đồng. 
Nhưng đã qua 5 năm từ khi dự án được phê duyệt, vùng nguyên liệu của nhà máy mới chỉ có được 20ha, phân bố nhỏ lẻ tại một số xã của huyện Quảng Ninh; còn tại Lệ Thủy, từ lãnh đạo cấp huyện đến cấp xã đều khẳng định vùng nguyên liệu của Nhà máy Long Giang chỉ là con số “0”.
“Vẽ” ra vùng nguyên liệu hoành tráng và được Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay vốn với lãi suất ưu đãi 9,6%/năm (thuộc diện các nhà máy thuộc nhóm B – khu vực khó khăn) nhưng Nhà máy Long Giang quay lưng lại với cây dong riềng và ào ra thị trường thu mua sắn nguyên liệu, đẩy Nhà máy Sông Dinh vào tình trạng luôn thiếu nguyên liệu sản xuất. 
Đầu năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết, từ thông tin báo chí nêu sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan kiểm tra và nếu có sai phạm từ Nhà máy Long Giang thì sẽ xử lý nghiêm. Ngày 17/1/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân đã ký Công văn số 71/UBND chỉ đạo: Nhà máy Long Giang thu mua, sản xuất tinh bột sắn trong thời gian qua mà chưa điều chỉnh mục tiêu hoạt động là không đúng quy định của pháp luật; yêu cầu Cty phải đầu tư vùng nguyên liệu dong riềng theo quy hoạch và thực hiện chế biến tinh bột dong riềng theo Giấy chứng nhận đầu tư UBND tỉnh đã cấp.
Mọi chuyện tưởng đã rõ như ban ngày, nhưng chỉ đạo vẫn chỉ là chỉ đạo nên đến nay, năm hết, Tết đến mà hàng trăm công nhân Nhà máy Sông Dinh lại đang đứng trước nguy cơ ra đường.

Đọc thêm