Huyện “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp “xẻ thịt” núi Bần

(PLO) - Lợi dụng Giấy phép khai thác tận thu đất đá của UBND huyện, doanh nghiệp đã “xẻ thịt” núi Bần bán hàng chục ngàn mét khối đất đá ra ngoài thu lợi bất chính, gây ô nhiễm cho khu vực. Người dân kêu ca, huyện vẫn loanh quanh hứa hẹn.
Núi Bần đang ngày đêm bị Cty Đức Xuân “xẻ thịt”
Núi Bần đang ngày đêm bị Cty Đức Xuân “xẻ thịt”
Từ Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho phép tận thu đất đá để san lấp mặt bằng Trường THPT Hậu Lộc III, Cty TNHH Xây dựng Đức Xuân (Cty Đức Xuân)  đã xem đó như một tấm “bảo bối” để bán đất trái phép nhằm thu lợi bất chính.
Dân sống chung với ô nhiễm
Ngày 30/12/2013, Ban quản lý Dự án xây dựng sân vận động Trường THPT Hậu lộc III có Tờ trình số 12/TTr – BQLDA về việc thống nhất chủ trương lấy đất phục vụ san lấp công trình Trường THPT Hậu Lộc III. Đến ngày 06/01/2014, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc  Nguyễn Văn Hoằng ký Quyết định số 19/UBND -TNMT đồng ý cho Cty Đức Xuân được tận thu đất đá ở khu vực núi Bần, xã Thành Lộc để san lấp sân vận động trường học này.
Sau khi được Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho phép, Cty Đức Xuân tiến hành tận thu đất ở núi Bần, thuộc thôn 10, xã Thành Lộc để san lấp mặt bằng cho ngôi trường. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân thôn 10 thì Cty Đức Xuân liên tục bán đất ra ngoài với giá  60.000 đồng/m3 cho nhiều đối tượng trên địa bàn. “Các chú không biết chứ mỗi ngày có hàng chục xe đủ loại lớn, nhỏ chạy ầm ầm không kể thời gian, người dân như chúng tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi sống chung với khói bụi”- một hộ dân sống tại địa bàn này cho biết.
Theo phản ánh của một số người dân, khu vực núi Bần được chính quyền giao cho các hộ dân trồng rừng sản xuất với thời hạn 50 năm (từ năm 1982).  Nhưng khi Cty Đức Xuân vào khai thác đất tại khu vực núi Bần cũng đã phá hủy, làm hư hỏng nhiều cây, nhưng không thực hiện việc đền bù cho nhân dân. Dư luận ở đây vẫn không khỏi hoài nghi liệu có tình trạng “bảo kê” từ chính quyền hay không? 
Từ khi Cty Đức Xuân vào khai thác đất tại đây, tình trạng ô nhiễm xảy ra thường xuyên. Trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì đường luôn sình lầy, bất đắc dĩ nhiều lần hộ dân nơi đây đã dựng các barie để ngăn cản các xe chở đất. Khi dân có nhiều ý kiến lên chính quyền xã thì thấy xuất hiện xe phun nước để chống bụi, nhưng vài ba hôm sau lại đâu vào đấy. 
“Huyện cũng biết là sai”
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Duy Tấn – Chủ tịch UBND xã Thành Lộc liên tục khẳng định: “Trên địa bàn xã không hề có tình trạng khai thác đất trái phép mà chỉ có việc người dân tận thu số đất ở khu vực núi Bần về phục vụ cho việc xây dựng Nhà văn hóa thôn”. 
Trước sự quanh co này, chúng tôi đã đưa ra những hình ảnh về việc Cty Đức Xuân lợi dụng vào giấy phép được cấp để khai thác đất trái phép. Đến lúc này, ông Tấn mời thừa nhận đây là chủ trương của UBND huyện để xây dựng sân vận động cho trường học. Khi được hỏi về việc Cty Đức Xuân đang lợi dụng để bán đất trái phép, ông Tấn cũng thừa nhận là có việc này. Hàng năm, UBND xã cũng lấy từ 800 đến 1.000m3 phục vụ đắp đê trong mùa mưa bão nhằm mục đích giảm bớt một phần đóng góp của nhân dân.
Để hiểu rõ hơn về chủ trương “kì lạ” trên của UBND huyện Hậu Lộc, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Luệ - Phó Chủ tịch UBND huyện này, đồng thời là Trưởng ban Dự án. 
Ông  Luệ cho biết: “Việc cấp phép cho Cty Đức Xuân được tận thu đất đá ở khu vực núi Bần để phục vụ san lấp sân vận động Trường THPT Hậu Lộc III, huyện cũng biết là sai. Chúng tôi cũng căn cứ vào điều kiện thực tế hiện nay của huyện là rất khó khăn. Hơn nữa, trường xây dựng đã 10 năm nay nhưng chưa có sân vận động. Nếu lấy đất ở khu vực khác để san lấp thì chi phí sẽ đội lên rất nhiều chứ không phải là 1,7 tỷ đồng như dự toán ban đầu. Việc công ty bán đất ra ngoài huyện cũng sẽ nhanh chóng được xử lý dứt điểm”.
Khai thác mới, không phải tận thu
Theo tìm hiểu của phóng viên, Cty Đức Xuân đã xẻ cả nửa quả núi Bần, một khối lượng lớn hơn rất nhiều lần so với 13.000m3 như trong quyết định của Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc đã ký. Thực chất đây là việc khai thác mới hoàn toàn chứ không phải tận thu như trong quyết định. Vì theo chúng tôi được biết, trước đây, tại khu vực núi Bần chưa có một doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác đất. 
Hơn nữa, việc cấp phép cho doanh nghiệp được khai thác tài nguyên khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thế nhưng, ở đây, Chủ tịch UBND huyện lại cấp phép cho Cty Đức Xuân được khai thác? Không rõ Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc không hiểu luật hay đã ký “vượt mặt” cấp trên?!
Cty Đức Xuân tự ý bán đất trái phép hay có sự “cấu kết ngầm” để ăn chia lợi nhuận? Tại sao cả chính quyền xã, huyện đều biết nhưng không xử lý?! Lượng đất được khai thác và lấy đi ngày một nhiều, số tiền thu được không hiểu sẽ “chảy” vào túi ai? Để trả lời những câu hỏi này của người dân, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng vào cuộc!./.

Đọc thêm