Làng quê trù phú hóa sa mạc tiêu điều vì nạn khai thác titan

(PLO) - Nhiều làng ven biển ở Bình Định trở nên xơ xác, những cánh rừng phi lao hơn 50 năm tuổi ở vùng cát ven biển bị đốn chặt để khai thác titan. Vành đai phòng hộ ngăn gió và bão cho làng quê từ bao đời nay bị phá bỏ. Nguồn nước ngầm cạn kiệt, những núi cát được hình thành tạo ra những vết sẹo lồi lõm ven biển, dự báo những bệnh tật, nghèo đói…
Một điểm khai thác titan ở thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
Một điểm khai thác titan ở thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
Rừng lá chắn bị phá nát, đồng ruộng sa mạc hóa
Với trữ lượng 2,5 triệu tấn titan, Bình Định là một trong bốn tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bình Thuận) có trữ lượng titan cao nhất nước. Hầu hết các mỏ titan ở Bình Định tập trung ở các xã ven biển của hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát và một phần TP Quy Nhơn. Chỉ tính riêng hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ, có đến hơn 30 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác, sản lượng đăng ký lên tới 650 tấn quặng titan/năm. 
Xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) có hơn 10 doanh nghiệp khai thác titan cùng lúc và cũng là địa phương có lượng titan lớn nhất tỉnh Bình Định. Từ một xã ven biển trù phú, người dân vừa đánh cá vừa làm nông, đến nay Mỹ Thành trở nên xơ xác, tiêu điều. 
Trên trảng cát thôn Hưng Lạc, chúng tôi bắt gặp hình ảnh hàng chục dãy vít khoan titan nổ ầm ầm. Hàng trăm chiếc vòi rồng phun cát tạo thành những núi cát khổng lồ. Những cánh rừng phi lao chắn gió, chắn cát hơn 50 năm tuổi đã dần bị đốn hạ để khai thác titan. Nạn cát bay, cát nhảy, mạch nước ngầm xuống thấp khiến cuộc sống đảo lộn. 
Bà Lê Thị Mận (52 tuổi), bức xúc: “Rừng phi lao hơn 50 năm tuổi làm lá chắn bảo vệ thôn bị phá bỏ để khai thác titan tạo ra những núi cát khô khốc, rát bỏng. Cát từ các mỏ titan bay mù trời, bồi lấp cả các kênh dẫn nước thủy lợi. Chỉ vì titan mà phải chặt phá hết rừng, phá hủy môi trường thì sợ rằng con cháu mình sau này ắt phải nhận hậu họa của thiên tai”.
Còn tại thôn Chánh Giáo (xã Mỹ An), dù công ty khai thác titan đã hoàn thổ, trồng lại phi lao sau khi khai thác, nhưng do mạch nước ngầm bị cạn kiệt nên hơn nửa diện tích cây trồng chết khô, số còn sống thì còi cọc. 
“Sau khi họ khai thác, phải mất mấy tháng mới trồng lại cây, trong thời gian ấy, người dân phải gánh chịu cát bụi mịt trời. Sau khi trồng cây xong thì họ đi, không quan tâm cây sống hay chết, mà còn nước ngầm đâu để cây sống”, ông Trương Công Họa (59 tuổi) cho biết.
Những con đường ở vùng ven biển huyện Phù Mỹ và Phù Cát bị băm nát vì những chuyến xe chở titan.
 Những con đường ở vùng ven biển huyện Phù Mỹ và Phù Cát bị băm nát vì những chuyến xe chở titan.
Người dân cho rằng việc khai thác titan không giúp ích gì cho kinh tế địa phương, mà còn gây ra bao nỗi khổ khác cho dân khi hằng ngày động cơ xe máy ầm ĩ cả ngày lẫn đêm, đường giao thông nông thôn bị cày nát. Nhiều công ty dùng nước biển để tuyển quặng làm hàng chục hecta đất trồng lúa của nông dân bị ảnh hưởng. Biết bao hecta đất ở Bình Định giờ đang đứng trước nguy cơ sa mạc hóa vì những bè hút cát, hút nước của các mỏ titan luôn hoạt động hết công suất suốt năm trong nhiều năm qua. 
Từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay, hàng trăm giếng nước bị khô đáy, đào sâu thêm chỉ gặp nước phèn vàng đục. Ông Nguyễn Văn Ba (49 tuổi, ngụ thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), cho biết: “Nguồn nước bây giờ không còn như trước nữa mà đục ngầu, nhiều nơi còn hoen vàng, rất khó uống”.
Bệnh tật, tai nạn chết người
Nhiều người dân xã Mỹ Thành cho biết, từ năm 2011 đến nay, ở địa phương đã có gần chục người chết vì bệnh phổi, bệnh phế quản. Bà Đặng Thị Kiều (64 tuổi), cho biết: “Khói đen ngùn ngụt từ các nhà máy chế biến titan gần đây đã làm bà con địa phương mắc bệnh phổi, bệnh phế quản rất nhiều”.
 Bà liệt kê: “Xóm trên, bà Trương Thị Thông bị bệnh phổi chết cách đây hai năm. Xóm dưới ông Nguyễn Văn Đức và ông Nguyễn Thành Long vừa chết vì bệnh phổi nặng. Mới đây bà Lê Thị Quy cũng chết vì bệnh phổi, không biết còn bao nhiêu người chết vì bệnh tật, một phần bởi ô nhiễm từ khai thác titan gây ra”.
Còn có ba trường hợp chết và bốn trường hợp bị thương nặng nằm một chỗ do rơi xuống hố sâu của các mỏ khai thác titan không chịu hoàn thổ. Vụ tai nạn gần đây nhất là vào sáng ngày 16/1/2013, trong lúc chăn bò, em Võ Bá Quân (học sinh lớp 8, Trường THCS Mỹ Thành) và 3 đứa trẻ ngồi trên miếng xốp chơi đùa bên hồ nước ở khu vực khai thác titan của Công ty An Trường An. Miếng xốp lật úp khiến 4 trẻ rơi xuống nước. Trong khi các bạn bơi được vào bờ, Quân chìm xuống hố sâu chết đuối. 
Phi lao được hoàn thổ ở thôn Chánh Giáo, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, nhưng do nước ngầm cạn kiệt nên hơn nửa chết khô, số còn lại còi cọc
 Phi lao được hoàn thổ ở thôn Chánh Giáo, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, nhưng do nước ngầm cạn kiệt nên hơn nửa chết khô, số còn lại còi cọc
Trước thực trạng người dân các địa phương ven biển ở Phù Mỹ và Phù Cát đang hứng chịu hậu quả từ việc khai thác titan, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết: 
“Dân kêu ca nhiều lắm, bà con còn lặn lội vào tận UBND tỉnh đưa đơn cầu cứu. Tỉnh đã chỉ đạo phải khẩn trương hoàn thổ và trồng rừng. Phải phục hồi toàn bộ rừng phòng hộ ven biển để khôi phục môi trường. UBND tỉnh kiên quyết không gia hạn thời gian cho bất cứ doanh nghiệp nào tiếp tục khai thác titan”.
Còn ông Trần Thái Nga, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Định, nói: “Trong chức năng, quyền hạn của Sở, chúng tôi đã tham mưu đầy đủ cho UBND tỉnh và cố làm hết trách nhiệm với quyết tâm buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trồng rừng sau khai thác. Tôi là dân Phù Mỹ, tôi cũng xót cho bà con lắm chứ, hy vọng sau ba năm nữa, môi trường ở đây sẽ được cải thiện”.
Hy vọng rằng chính quyền tỉnh Bình Định làm sẽ kiên quyết như nói, để nỗi ám ảnh về titan sẽ không còn tiếp diễn đối với người dân./.

Đọc thêm