Lập lờ hợp đồng đảo nợ để chiếm nhà trái phép

(PLO) - Bà Nguyễn Thị Kim Tươi (67 tuổi, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) là giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu. Bà tích cóp toàn bộ số tiền dành dụm để mua đất, xây căn nhà rộng 200m2 tại số 118/126 ấp 2 xã Nhị Thành. Không ngờ đến cuối đời bà lại bị chủ nợ đẩy ra đường vì hợp đồng mua bán nhà giả tạo 
Bà Tuyền đang theo dõi đàn em vứt đồ đạc nhà bà Tươi ra sân.
Bà Tuyền đang theo dõi đàn em vứt đồ đạc nhà bà Tươi ra sân.
Vay tiền, lại ký hợp đồng mua bán nhà
Cách đây 10 năm, người con gái lớn của bà Tươi là Nguyễn Thị Kim Hồng muốn có vốn hùn hạp trong việc mua bán lúa gạo nên nhờ mẹ sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và 1.500m2 đất để vay vốn kinh doanh. 
Công việc ban đầu khá suôn sẻ. Năm nào chị Hồng làm ăn cũng có lợi nhuận, đáo hạn ngân hàng đầy đủ, rồi vay lại. Tuy nhiên, từ tháng 4/2012, giá lúa gạo bấp bênh, chị Hồng mua đắt, bán rẻ bị lỗ vốn, không có tiền đáo hạn ngân hàng, thậm chí lãi suất cũng không trả nổi. Số nợ ngân hàng thời điểm đó là 230 triệu đồng. 
Bà Tươi khuyên con gái nên xin gia hạn để trả dần, nhưng chị Hồng lại tìm đến một người chuyên cho vay đáo hạn ngân hàng (cho vay nóng, lãi suất cao để trả nợ ngân hàng) là bà Trần Thị Ngọc Tuyền (ngụ ở P.2, TX.Tân An, nay là TP.Tân An, Long An), vay 230 triệu đồng. Theo yêu cầu bên cho vay, chị phải ký vào “Hợp đồng bán nhà” do họ đã soạn mẫu sẵn, lãi suất vay 5%/ tháng, thời hạn vay 3 tháng. 
Ngày 22/8/2012, bà Tuyền đến Ngân hàng, trực tiếp thanh toán tiền và cầm sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của chị Hồng sang Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thủ Thừa đổi sang sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở), công chứng ngay trong ngày. 
Cầm giấy tờ đất rồi, bà Tuyền vẫn buộc chị Hồng ký giấy công chứng nợ tổng số tiền 350 triệu đồng. Chị Hồng đồng ý vì đinh ninh với các giấy tờ nhà đất mới được cấp, ngân hàng sẽ đồng ý nâng tổng giá trị vay là 400 triệu đồng, như thế sẽ trả 350 triệu đồng tiền vay, giữ lại 50 triệu đồng làm vốn kinh doanh tiếp. 
Nào ngờ, bảy tháng ròng rã đợi chờ, phía ngân hàng mới cho chị vay lại. Tuy nhiên, phía bà Tuyền tính toán lãi suất vào “số nợ gốc” 350 triệu đồng mà chị ký lúc công chứng, buộc phải thanh toán 460 triệu đồng mới trả lại các giấy tờ nhà đất. Chị Hồng xin khất 110 triệu đồng tiền nợ nhưng bà Tuyền ra điều kiện phải thế chấp sổ hồng khác có công chứng như sổ cũ và phải chịu thêm 10% phí dịch vụ công chứng. Nghĩa là chị muốn vay được 400 triệu đồng từ ngân hàng, phải gánh thêm 121 triệu đồng tiền nợ bà Tuyền với mức lãi suất 5%/ tháng.
Bị xé áo, quăng tủ thờ, đẩy cả nhà ra đường
Không có cách nào lấy lại giấy tờ nhà đất, cũng không thể vay ngân hàng, chị Hồng rối bời vì chưa bao giờ nghĩ đến tình huống này. Cùng thời gian đó, bà Tuyền liên tục cho “người nhà” đến lấy tiền lãi. Không có tiền, họ đánh chị Hồng, xé cả áo của bà Tươi - mẹ chị, hăm dọa đủ điều. 
Ngày 11/7/2013, bà Tuyền gọi chị Hồng đến nhà, rồi ngang nhiên liên lạc với một ông nào đó trao đổi về việc chuyển nhượng căn nhà của chị. Năn nỉ hoài không được, chị Hồng còn bị đuổi về. Một tuần sau, một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thủ Thừa là người trong xóm, hỏi bà Tươi: “Sao mợ để chị Hồng sang tên nhà đất cho người khác hết vậy?”. 
Tá hỏa, mẹ con bà Tươi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện mới biết mọi thủ tục chuyển nhượng đã xong xuôi. Toàn bộ giấy tờ nhà đất của bà giờ do Bùi Huy Cường (SN 1979, ngụ ở xã Lợi Bình Nhơn, TP. Tân An, Long An) đứng tên. Sau đó, Cường cùng đàn em đến rào lưới B40, đuổi mẹ con bà Tươi ra khoảnh bếp phía sau nhà. Song song đó, bà Tuyền nhắn nhủ chị Hồng rằng muốn chuộc lại nhà, phải nộp đủ 660 triệu đồng tiền nợ. Dĩ nhiên chị này không thể đào đâu ra số tiền ấy, bà Tươi đành thui thủi sống ở chái bếp. 
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2013, bà Tuyền, Cường cùng một đám đàn em đến, xông thẳng vào nhà, lệnh cho bà Tươi phải lập tức giao nhà, nếu không sẽ đánh cả gia đình. Trong số đàn em còn có một kẻ xăm hình vằn vện khắp người, tự khoe “thành tích” đã từng giết người. Cả bọn khiêng toàn bộ đồ đạc trong nhà quẳng ra sân, kể cả tủ thờ chồng bà Tươi. 
Mặc cho mẹ con bà Tươi khóc lóc van xin, thậm chí nói sẽ đi báo công an, nhóm người trên càng thách thức. Nhóm trên nói đã “mua đứt” Công an xã Nhị Thành và huyện Thủ Thừa, còn đọc cả tên và số điện thoại của nhiều cán bộ công an xã và huyện này, nêu cả tên và địa chỉ những quán nhậu từng tiếp đãi các cán bộ công an. Nhóm người ngang nhiên đẩy cả gia đình bà Tươi ra khỏi cổng rào, khóa trái cửa, kèm theo lời dọa sẽ giết chết nếu nhà bà dám đến gặt phần lúa sắp thu hoạch trên diện tích ruộng 1.500m2.
Tuổi già cơm chan nước mắt vì mất nhà
Chiều hôm đó, bà Tươi ôm di ảnh chồng đến Công an huyện Thủ Thừa tố cáo bà Tuyền về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và ông Bùi Huy Cường về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Công an huyện tiếp nhận thông tin, Công an xã đã đến lập biên bản xác định số lượng tài sản bị quăng ra sân, đồng thời yêu cầu nhóm của Cường trả toàn bộ đồ đạc trong nhà bà Tươi về vị trí cũ. Tuy nhiên, nhóm này không thực hiện.
Bà Tươi nhiều lần nộp đơn đến cơ quan chức năng, nhưng Công an huyện cho rằng hai bên đã có biên bản bàn giao nhà đất thì không thể xử lý hình sự. Ngày 21/4/2014, TAND huyện Thủ Thừa mới thụ lý đơn kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa chị Hồng với bà Tuyền. Trong khi đó, bà Tuyền và ông Cường lại tiếp tục chuyển nhượng nhà đất chiếm đoạt của gia đình bà Tươi sang một người khác. 
Hiện nay, bà Tươi già cả lại phải thuê trọ ở. Trong phòng trọ chưa đầy 14m2, cơm chan nước mắt, mỗi ngày đối với bà dài như một thế kỷ. Còn chị Hồng thì ân hận vì đã tự tìm nhóm cho vay nặng lãi, để mẹ già đến cuối đời lại bị mất nhà, phải sống khổ sở như vậy. Hoàn cảnh khốn khổ này không biết đến khi nào mới hết?
Cần khởi kiện, yêu cầu Toà án tuyên hợp đồng bán nhà vô hiệu

Điều 129 Bộ luật Dân sự quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực”. Ở tình huống bài báo phản ánh, hợp đồng mua bán nhà chính là giao dịch giả tạo. Giao dịch mua bán nhà nhằm che giấu giao dịch thực chất là vay số tiền 230 triệu đồng giữa chị Hồng (bên vay) và bà Tuyền (bên cho vay).
Khi hợp đồng mua bán nhà giữa chị Hồng và bà Tuyền bị tuyên vô hiệu thì bà Tuyền phải trả lại ngôi nhà cho chị Hồng. Trường hợp bà Tuyền không tự nguyện trả lại, chị Hồng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành. 
Qua sự việc này, người dân rút kinh nghiệm, khi vay tiền phải lập hợp đồng vay tiền chứ không ký hợp đồng nào khác. Trường hợp bên cho vay yêu cầu thế chấp tài sản, đặc biệt là nhà, đất, người vay nên đến văn phòng luật sư để được tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho mình. Cần tránh tình trạng không đọc kỹ hợp đồng, không hiểu quy định pháp luật nhưng cứ nhắm mắt đưa tay ký bừa để tự gây khó cho mình.

(Thạc sĩ Nguyễn Thế Anh, Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam)
. N.N
l
. N.N
l

Đọc thêm