Một công dân đề nghị khởi tố hình sự chủ đầu tư Flamingo Đại Lải

(PLO) - Ông Trịnh Duy Long (SN 1963, thôn Đồng Câu, xã Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) vừa gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng, đồng thời đề nghị công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố chủ đầu tư dự án Flamingo Đại Lải.

Một công dân đề nghị khởi tố hình sự chủ đầu tư Flamingo Đại Lải
Nguyên do là bởi chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải Resort cho người chặt phá rừng thông của gia đình ông Trịnh Duy Long khi chưa tiến hành thỏa thuận, đền bù GPMB khiến gia đình ông thiệt hại hàng tỷ đồng.

Phá hàng ngàn cây keo để làm đường đi dạo

Phản ánh đến Pháp luật Việt Nam, ông Trịnh Duy Long cho biết, ngày 3/4/2014, đã có hàng trăm người của Công ty Hồng Hạc Đại Lải kéo vào  đảo Keo (nằm giữa hồ Đại Lải, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) có diện tích gần 3ha của gia đình ông trồng gần 4.000 cây thông, keo, bạch đàn có tuổi đời trên 20 năm để chặt phá cây.

Để bảo vệ tài sản của gia đình, ông Long đã đích thân ra đảo thì bị nhiều người lạ mặt ngăn cản không cho lên đảo. Hệ quả là sau khi cho máy móc đến đào bới, cả đảo Cò với những cây thông trên 20 năm tuổi với đường kính từ 5cm- 40cm bị chủ đầu tư dự án cho người đốn ngã. 
Trước sự việc này, ông Long đã trình báo đến cơ quan thẩm quyền địa phương đề nghị can thiệp, giúp đỡ. Tuy nhiên, chủ đảo này cho phía chính quyền địa phương là xã Ngọc Thanh đã không có mặt để can thiệp vụ việc.

Theo ghi nhận của phóng viên, cả hòn đảo 3ha nằm giữa lòng hồ với một màu xanh mướt của cây thông bây giờ như cái đầu bị cạo trọc. Do chưa “ủi” hết nên vẫn còn một ít cây thông, nhìn từ xa như chỏm tóc trơ trụi. Phía ngay lối lên đảo, đơn vị thi công đã cho dựng tấm biển “Lễ khởi công thi công đường dạo và hạ tầng đảo 3ha” do Công ty Hồng Hạc Đại Lải làm chủ đầu tư. Sau tấm biển này, nhiều gốc thông đã bị đơn vị thi công đốn hạ, chỉ trơ trụi lớp đất đỏ màu.

Khi có người lạ lên đảo, chủ đầu tư đã cho nhiều nhân viên chạy ra để quan sát từng cử động. Ông Long cho biết mỗi khi ra đảo đều bị người của chủ đầu tư gây sức ép bằng nhiều cách. Ông Long khẳng định, toàn bộ đất và cây cối hoa lợi trên diện tích đất 3ha ở đảo Keo, hồ Đại Lải vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của gia đình ông. 
Tuy nhiên, Công ty Hồng Hạc Đại Lải đã cho người cùng phương tiện máy móc san ủi, chặt phá rừng của gia đình. “Đây là hành vi xâm hại tài sản do gia đình tôi đã tạo dựng được trong suốt mấy chục năm qua, gây thiệt hại hàng tỉ đồng, có dấu hiệu của hành vi hủy hoại tài sản của công dân, tôi đã đề nghị Công an thị xã Phúc Yên khởi tố vụ án hình sự và xem xét khởi tố bị can đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc”- ông Long cho biết.
Ông Long đau xót chỉ cho phóng viên PLVN hiện trạng khu đất sau khi bị chủ đầu tư Flamingo Đại Lải san ủi
Ông Long đau xót chỉ cho phóng viên PLVN hiện trạng khu đất sau khi bị chủ đầu tư Flamingo Đại Lải san ủi

“Quy chủ” sai vẫn cố đền bù !

Tài liệu của Pháp luật Việt Nam có được cho thấy, năm 2003, Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải (trực thuộc Cty cổ phần đầu tư Hùng Vương) được giao 123 ha đất phía bắc hồ Đại Lải để thực hiện dự án Flamingo Đại Lải Resort. Dự án này có tổng mức đầu khoảng 3.000 tỉ đồng.

Theo đó, để có đất triển khai dự án, đảo cò 3ha của ông Long cũng nằm trong diện tích bị thu hồi. Thế nhưng, khi tiến hành đền bù GPMB thì hòn đảo do gia đình ông Long khai hoang từ năm 1992 và tài sản trên đảo lại được phía chính quyền thành phố Phúc Yên quy chủ cho Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam (sau đây gọi là Trung tâm).

Việc “quy kết” sai chủ thực sự của khu đất ngay lập tức đã bị phản ứng. Phía Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ đã có văn bản khẳng định diện tích đất đảo Keo và tài sản là cây cối trên đất không thuộc quyền sở hữu của trung tâm này, nên sau đó phía trung tâm đã đề nghị chủ đầu tư làm việc với hộ gia đình ông Thái (bố của ông Trịnh Duy Long) là người đã khai hoang, trồng cây trên khu đất để giải quyết.

Văn bản bàn giao đất (ngày 8/7/2005) giữa Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ giữa ông Đinh Văn Quang, Phó Giám đốc làm đại diện và chủ đầu tư dự án do bà Trần Thị Kim Quy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Hùng Vương cũng thể hiện rõ: “Các diện tích đất rừng và tài sản có trên đất thuộc các hộ vườn quả trang trại thì các hộ bàn giao trực tiếp với Cty, hộ ông Thái diện tích 3,0 ha”.

Dù phía Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ khẳng định họ không phải là “chủ thể” để nhận tiền đền bù song thay vì phải đền bù trực tiếp cho gia đình ông Trịnh Duy Long là chủ vườn cây và chủ đất trên, ngày 17/3/2008 chủ đầu tư dự án vẫn chuyển trên 156 triệu đồng vào tài khoản của Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc để đền bù mặc dù không có bất cứ một văn bản thỏa thuận nào giữa hai bên về việc này.

Trước sự việc tréo ngoe này, ngày 7/7/2011,  ông Lê Minh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc đã ký văn bản gửi Cty Hồng Hạc Đại Lải từ chối nhận tiền đền bù ở đảo Keo vì không phải là chủ sử dụng và đề nghị chủ đầu tư có trách nhiệm đền bù trực tiếp cho hộ dân là gia đình ông Long theo như văn bản bàn giao sơ bộ ngày 8/7/2005. Tại văn bản này, ông Cường cũng cho biết là không có lý do để nhận và sử dụng số tiền đền bù trên.

Liệu có gì uẩn khúc đằng sau việc quy chủ sai những vẫn cố tiến hành đền bù và ngang nhiên phá bỏ tài sản của công dân gây bức xúc dư luận?

PLVN tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm