Một dòng họ gần 40 năm đi đòi lại đất

(PLO) - Hai thửa đất số hiệu C252 và C253 có diện tích hơn 3000m2 tại thôn Nhì Tam Đông, xã Thủy An (nay là phường An Đông, TP.Huế) là đất hương hỏa, có Trích lục được dòng họ Trần sử dụng từ năm 1936. Năm 1975 Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng hai thửa đất trên đã đưa vào tập đoàn sản xuất nên không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
Ông Trần Viết Sửu - Trưởng phái III, họ Trần (gọi tắt là họ Trần) liên tục có đơn khiếu nại để đòi lại đất, nhưng ròng rã gần 40 năm UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không ban hành một quyết định cụ thể nào để giải quyết vụ việc khiến cho con cháu của dòng họ này liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan trung ương.
Ông Trần Viết Sửu - Trưởng phái III, họ Trần bên khu đất mà phái họ đi đòi nhiều năm
 Ông Trần Viết Sửu - Trưởng phái III, họ Trần bên khu đất
mà phái họ đi đòi nhiều năm
Nguồn gốc thửa đất
Ông Trần Viết Sửu trình bày: Nguyên hai thửa đất trên có nguồn gốc của phái III, họ Trần được Chính phủ Đại Nam Trung kỳ cấp trích lục địa bộ ngày 15/10/1936 và được dòng họ sử dụng liên tục từ đó cho đến năm 1975. Trên khu đất này trước đây có ngôi nhà thờ nhưng bị chiến tranh tàn phá chỉ còn lại nền móng. 
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, họ Trần tiến hành làm lại nhà thờ họ trên thửa đất nói trên thì bị UBND xã Thủy An trước đây cho lực lượng đến tháo dỡ vì cho rằng đất này do Nhà nước quản lý. Năm 2002, UBND TP.Huế cho xe máy đến san lấp mặt bằng để phân lô bán nền nhưng bị họ Trần phản đối quyết liệt nên dự án không được triển khai. 
Đồng thời, trong thời gian này, họ Trần có đơn đề nghị UBND TP.Huế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được chấp nhận. Mãi đến ngày 26/3/2003, UBND TP.Huế mới ban hành Quyết định số 1067/QĐ-UB trả lời đơn với nội dung: “Không công nhận yêu cầu của phái III, họ Trần về việc đòi lại đất tọa lạc tại thôn Nhì Tam Đông, phần đất này hiện do UBND xã Thủy An quản lý...” 
Không đồng ý với Quyết định trên, họ Trần gửi đơn đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khiếu nại. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ủy quyền cho cho Chánh Thanh tra tỉnh  và Thanh tra tỉnh đã có Quyết định số 352/QĐ-TTr ngày 28/11/2003 trả lời với nội dung: “Phần đất mà đại diện phái III, họ Trần yêu cầu Nhà nước trả lại theo trích lục cũ năm 1936 có diện tích 3196m2 tọa lạc tại thôn Nhì Tam Đông, xã Thủy An, TP.Huế. 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 02 thửa đất nói trên  đã được đưa vào tập đoàn sản xuất và đến năm 1980 bàn giao lại cho HTX Nông nghiệp An Đông, xã Thủy An quản lý để tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do sản xuất không hiệu quả nên đề nghị chuyển sang đất ở... Quyết định này là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng...”. 
Không đồng ý với Quyết định trên, liên tiếp từ đó đến nay họ Trần  tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng UBND tỉnh này không ban hành thêm quyết định nào khác mà ra nhiều văn bản thông báo không công nhận việc đòi lại đất.
Chính quyền quản lý dựa trên cơ sở nào?
Với những lập luận trên của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện họ Trần cho rằng Thanh tra tỉnh nói “đưa vào tập đoàn sản xuất” thì ai đưa? Đưa vào thời điểm nào?. Những giấy tờ liên quan đến việc đưa vào tập đoàn sản xuất đó nay ở đâu, ai đứng ra giao đất, ai nhận?. 
Kết luận Thanh tra cho rằng đây là Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng là trái pháp luật không thực hiện theo Luật Khiếu nại tố cáo 2011 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định trên của cơ quan Thanh tra cũng không đúng thẩm quyền mà thuộc về UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. 
Tại Quyết định số 1067/QĐ-UB ngày 26/3/2003 của UBND TP.Huế viện dẫn tại Điều 2, Khoản 2 của Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam...”. 
Tuy nhiên, ngày 28/8/2003, họ Trần đã được Trung tâm Thông tin Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam) viện dẫn Quyết định số 188/CP ngày 25/9/1976 của Hội đồng Chính phủ về chính sách xóa bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột ở miền Nam  Việt Nam. “Quốc hữu hóa các đồn điền và ruộng đất của tư sản nước ngoài. Tịch thu ruộng đất của các đối tượng: tư sản mại bản, địa chủ phản quốc; ngụy quân, ngụy quyền dựa vào quyền thế để chiếm đoạt...”. 
Đối chiếu với chính sách trên đây, ruộng đất và nhà thờ của họ Trần không thuộc đối tượng quốc hữu hóa, không bị tịch thu, không hiến cho Nhà nước và đến nay không là bị tịch thu thì ruộng đất của họ Trần không nằm trong đối tượng thực hiện chính sách đất đai.
Ông Trần Viết Sửu cho biết thêm, nếu chính quyền lấy đất của chúng tôi vì lợi ích quốc gia thì phải có quyết định thu hồi, bồi thường theo đúng quy định của pháp luật chứ không thể nói lấy đất của chúng tôi mà không có một văn bản nào cả.
Mới đây, ngày 08/11/2013, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Thông báo số 354/TB-UBND về việc chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại và cho rằng nếu không đồng ý với cách giải quyết của UBND tỉnh thì khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Tuy nhiên phái III, họ Trần cho rằng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ ra thông báo mà né ban hành Quyết định dẫn đến việc khởi kiện không đúng theo quy định của pháp luật.
Để phái III, họ Trần không phải liên tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo lên các cấp chính quyền, thiết nghĩ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần đối thoại trực tiếp với đại diện họ Trần hoặc có Quyết định xử lý dứt điểm vụ việc, đừng để kéo dài gây mất ổn định tình hình ở địa phương.

Đọc thêm