Mượn giám định pháp y để trốn nợ?

(PLO) -  Hai chủ thể giao dịch với nhau từ lâu, đến lúc tranh chấp, đột xuất một chủ thể bị tâm thần. Kết luận giám định pháp y trả lời theo yêu cầu của Tòa hoàn toàn mâu thuẫn với hai công văn trả lời cho đương sự. Hành vi ban hành văn bản tiền hậu bất nhất của cơ quan giám định pháp y đẩy Tòa vào thế lúng túng… 

Tâm thần đột xuất
Vợ chồng ông Lê Quốc Trạng, bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng và vợ chồng ông Phạm Văn Đông, bà Trần Kim Lan (cùng ngụ đường 30-4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) có quan hệ làm ăn từ lâu. 
Đến năm 2008 - 2009, bà Trần Kim Lan đã 3 lần vay mượn tiền của vợ chồng ông Trạng, bà Hồng với số tiền 1.418.000.000 đồng, có làm giấy biên nhận nợ và hẹn ngày trả. Tuy nhiên, bà Lan không thực hiện theo cam kết, không trả nợ gốc và lãi. 
Không thể thỏa thuận, bà Hồng, ông Trạng khởi kiện ra tòa để đòi nợ. Ngày 6/5/2010, TAND quận Ninh Kiều ra quyết định thụ lý vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản nói trên. 
Ông Lê Quốc Trạng bức xúc trước vụ việc mượn tiền tỉ rồi cố gắng chứng minh bị bệnh tâm thần để quỵt nợ.
 Ông Lê Quốc Trạng bức xúc trước vụ việc mượn tiền tỉ rồi cố
gắng chứng minh bị bệnh tâm thần
để quỵt nợ.
Nhưng khi Tòa triệu tập, bà Lan nhiều lần vắng mặt. Riêng ông Đông có đến, cho rằng bà Lan đang đi trị bệnh tâm thần và trình sổ khám bệnh (?). Bất ngờ hơn, ông Đông đã làm đơn yêu cầu TAND quận Ninh Kiều tuyên bố bà Lan mất năng lực hành vi dân sự từ năm 2007cho đến năm 2010 và mãi mãi về sau.
Trước yêu cầu của ông Đông, TAND quận Ninh Kiều yêu cầu Viện Giám định Pháp y Tâm thần (GĐPYTT) Trung ương - Phân viện Phía Nam, Bộ Y tế - giám định đối với bà Lan. 
Sau khi có quyết định trưng cầu GĐPYTT của TAND quận Ninh Kiều đối với bà Trần Kim Lan, ngày 7/4/2011  Viện GĐPYTT Trung ương, Phân viện phía Nam ra Biên bản GĐPYTT số 215 kết luận: “Đương sự bị sa sút tâm thần do mạch máu não... đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi (mất năng lực hành vi dân sự)”. 
Hai cấp TAND quận Ninh Kiều và TP.Cần Thơ đưa vụ việc ra xử và tuyên bà Lan chỉ mất năng lực tại thời điểm giám định; ông Phạm Văn Đông là người giám hộ đương nhiên cho bà Lan; bác yêu cầu của ông Đông.
Công văn "nói thêm" vì mục đích gì?
Ngày 24 và 25/1/2013, TAND quận Ninh Kiều đưa vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa vợ chồng ông Trạng, bà Hồng với bà Trần Kim Lan (ông Phạm Văn Đông là người giám hộ, đồng thời là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) ra xét xử. 
Bản án số 06 của TAND quận Ninh Kiều tuyên: Buộc bà Trần Kim Lan – có ông Phạm Văn Đông là người giám hộ đương nhiên, có nghĩa vụ thanh toán cho bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng số tiền nợ gốc là 1.418.000.000 đồng và tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 615.075.000 đồng. 
Sau khi có kháng cáo của ông Đông, đến nay đã gần một năm trôi qua nhưng việc giải quyết tranh chấp ở cấp phúc thẩm vẫn chưa được tiến hành. Bởi, trước tòa phúc thẩm, ông Đông “chìa” ra Công văn số 72/PVPN do Viện GĐPYTT Trung ương, Phân viện phía Nam, ký ngày 23/7/2013 (trả lời đơn yêu cầu của ông Đông). 
Công văn 72 giữ quan điểm như Công văn 840 mà cơ quan này đã ban hành ngày 27/12/2011: bà Trần Kim Lan bị mất năng lực hành vi dân sự từ năm 2007 cho đến nay và về sau. 
Hai công văn trả lời cho ông Đông dựa vào Kết luận GĐPYTT số 215, nhưng Kết luận này là: “Đương sự bị sa sút tâm thần do mạch máu não .. mất năng lực hành vi dân sự”. 
Công văn 840 cũng như Công văn 72 hoàn toàn không phải văn bản pháp luật, vì đây là công văn mà cơ quan GĐPYTT trả lời  đương sự chứ không phải kết luận GĐPYTT  theo yêu cầu của Tòa. 
Hơn nữa, 2 công văn cho rằng bà Lan bị mất năng lực hành vi dân sự từ năm 2007 cho đến nay và về sau là sự nhận định chủ quan và thiếu cơ sở. Bởi, từ năm 2006 bà Lan và ông Đông đã đứng ra ký kết nhiều hợp đồng thế chấp tài sản và khế ước nhận nợ với Ngân hàng. 
Đặc biệt, ngày 17/4/2010, bà Lan và ông Đông còn đến Phòng Công chứng Nhà nước ký kết hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất cho ông Mã Sơn. Vì vậy, 2 công văn cho rằng bà Lan mất năng lực hành vi dân sự từ năm 2007 là không đúng thực tế. 
Vì hai công văn này mà Tòa án TP. Cần thơ lúng túng khi xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng vay mượn tài sản, gây thiệt hại cho người dân. Dư luận đang nghi vấn có hay không sự khuất tất mờ ám sau hai công văn GĐPYTT mà ông Đông “chìa” ra trước tòa? 
Trong phiên họp giải quyết kháng cáo đối quyết định giải quyết việc dân sự ngày 23/4/2012 của TAND TP.Cần Thơ, Thẩm phán Đặng Văn Hùng chủ tọa phiên họp nhận định:
Ngày 7/4/2011, Viện GĐPYTT Trung ương – Phân viện phía Nam đã thành lập Hội đồng GĐPYTT đối với bà Trần Kim Lan và có kết luận đương sự bị sa sút tâm thần do mạch máu não. Đương sự không có năng lực nhận thức và điều kiển hành vi (mất năng lực hành vi dân sự). 
Đồng thời, Khoản 1 Điều 22 BLDS cũng quy định: “Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự”. 
Vì vậy, chỉ kết luận bà Trần Kim Lan bị mất năng lực hành vi dân sự tại thời điểm tiến hành GĐPYTT, không thể kết luận bà Trần Kim Lan bị mất năng lực hành vi dân sự từ năm 2007 và về sau.

Đọc thêm