Nguyên nhân bệnh nhân tử vong sau điều trị tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E đang được làm rõ

(PLO) - Sau khi Báo PLVN có bài viết: “Bệnh nhân tử vong sau điều trị tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E (Hà Nội): Bệnh nhân “số đen” lắp phải thiết bị y tế ngoài luồng", ngày 9/6 Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E có văn bản gửi Báo PLVN phản hồi một số nội dung liên quan tới vụ việc.   
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Văn bản do ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E (Trung tâm), nhận định: Diễn biến xấu của người bệnh là điều không ai mong muốn, đối với bệnh nhân Trần Văn Triển, bệnh cảnh nhiều khả năng là phồng lóc động mạch chủ ngực tiếp tục tiến triển và vỡ gây tử vong sau khi đặt Stent. 
Liên quan tới việc chuyển bệnh nhân Triển sang Bệnh viện Đại học Y thực hiện kỹ thuật đặt stent, lãnh đạo Trung tâm cho biết: Sau hơn 3 năm hoạt động, đã có 984 ca (đến khám và điều trị tại Bệnh viện E) có chỉ định làm can thiệp chẩn đoán hay điều trị đã được Trung tâm chuyển đến làm tại hai Bệnh viện: Trường đại học Y Hà Nội, Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai theo thủ tục chuyển viện thông thường. 
Việc làm này, theo Trung tâm  là “để bệnh nhân được hưởng bảo hiểm y tế, nhằm tạo điều kiện cho bệnh nhân được nằm điều trị trước và sau khi can thiệp tại Trung tâm, góp phần giảm tải cho tuyến trên cũng như đáp ứng sự mong muốn và yêu cầu của bệnh nhân và gia đình (thủ tục hành chính thuận lợi, gia đình bệnh nhân không phải trở về quê xin giấy chuyển viện lần 2)”. 
Văn bản gửi Báo cũng nói rằng, trước khi làm thủ thuật, gia đình bệnh nhân Triển đã được bác sĩ Phan Thảo Nguyên của Trung tâm tư vấn về bệnh lý, cách thức điều trị và những rủi ro của phương pháp, gia đình đồng ý chấp nhận phương pháp điều trị và vợ bệnh nhân đã ký vào Giấy cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật cho chồng. 
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trước khi tiến hành thủ thuật, bác sĩ làm chính, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng đã giải thích lại cho gia đình bệnh nhân về thủ thuật, các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra trong và sau khi làm cũng như chi phí cho thủ thuật khi dùng Stent động mạch chủ ngực. Đại diện gia đình bệnh nhân là bà Đặng Thị Tuyền (vợ bệnh nhân) đã đồng ý và kí cam đoan làm thủ thuật và chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Liên quan tới cáo buộc, điều dưỡng trưởng không có chức năng thu tiền hay cầm tiền của bệnh nhân đi giao dịch mua dụng cụ vật tư khám chữa bệnh nhưng vẫn ký trên phiếu thu để mua bộ dụng cụ 10 triệu đồng và 1 bộ giá đỡ động mạch chủ ngực Stent Graff giá 170 triệu đồng cho bệnh nhân, có phần không chính xác. Giám đốc Trung tâm lý giải: Các trang thiết bị, vật tư tiêu hao, Stent đặt cho bệnh nhân Triển cũng như rất nhiều bệnh nhân khác đều phải qua đấu thầu công khai của hai Bệnh viện nói trên. Điều dưỡng trưởng chỉ làm giúp thủ tục hành chính theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân giống như các trường hợp khác (làm giấy chuyển viện, kí nhận tiền, thanh toán cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trường đại học Y Hà Nội, việc làm này hết sức nhân văn và được tất cả bệnh nhân, gia đình người bệnh ghi nhận).  
Được biết, đơn khiếu nại của gia đình bệnh nhân Triển đã được Trung tâm giải trình trước Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế thụ lý. 

Đọc thêm