Sai phạm nhiều, kỷ luật cho… tự nhận

(PLO) - Từ đơn thư phản ánh, kiến nghị của người dân, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đồng Tháp đã vào cuộc làm rõ nhiều vi phạm của một số cán bộ Huyện ủy, UBND huyện Tháp Mười trong quản lý tài chính, đất đai và tài sản công…
Huyện Tháp Mười lấy đất hai vụ lúa làm dự án
Huyện Tháp Mười lấy đất hai vụ lúa làm dự án
Vi phạm Luật Đất đai...
Ngày 20/11/2007, UBND huyện Tháp Mười có Tờ trình và được UBND tỉnh Đồng Tháp thống nhất về chủ trương cho Cty TNHH Diễm Tường thuê 13.989m2 đất tại xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười để xây dựng xưởng sản xuất gỗ dăm. Trong khi các ngành chức năng của tỉnh đang tiến hành các thủ tục và chưa ký Hợp đồng cho thuê đất với Cty Diễm Tường thì ngày 2/4/2008, UBND huyện này lại có Tờ trình số 27/TTr- UBND gửi UBND tỉnh xin chuyển đổi từ đất thuê sang giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Cty Diễm Tường. 
Chỉ có điều tại thời điểm này, Cty Diễm Tường chưa có đơn xin giao đất và vụ việc này UBND huyện không xin chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy!? Đáng chú ý là sau khi được giao đất, Cty Diễm Tường không triển khai thực hiện dự án như đã cam kết mà âm thầm làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác để hưởng lợi. 
Một trường hợp khác là cơ sở Cơ khí Phan Tấn - hộ kinh doanh cá thể nhưng UBND huyện Tháp Mười vẫn tiến hành xác lập thủ tục cho thuê 9.885,9m2 tại ấp 5, xã Mỹ Đông để xây dựng cơ sở sản xuất máy công nghiệp với quy mô lắp đặt dây chuyền sản xuất đảm bảo công suất 350 máy các loại/năm, có số lao động thường xuyên là 144 người. Việc xem xét và quyết định cho Cơ khí Phan Tấn thuê đất, đồng thời chuyển từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Điều không bình thường của Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười gây thắc mắc trong dư luận là vào năm 2010, ông Phan Văn Lâm trực tiếp thỏa thuận với Cty TNHH Tỷ Xuân về giá giao diện tích 11.469m2 đất cùng tài sản gắn liền với đất trụ sở Huyện đội cho Cty Tỷ Xuân với số tiền 10 tỷ đồng mà không thông qua tham mưu của các cơ quan chuyên môn và còn ứng của Cty này 5 tỷ đồng để chuyển nhượng đất dự kiến xây dựng trụ sở Ban Chỉ huy quân sự huyện Tháp Mười. 
Mãi đến sau này (ngày 17/8/2010), UBND huyện mới có Tờ trình xin chủ trương di dời trụ sở cơ quan Quân sự huyện và được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất. UBND huyện tiến hành tạm ứng ngân sách huyện để chuyển nhượng 2 thửa đất có tổng diện tích 69.795m2 với số tiền 7,767 tỷ đồng, dự kiến xây dựng trụ sở Ban Chỉ huy quân sự huyện. 
Đoàn kiểm tra cho rằng, việc Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Lâm tự ý thỏa thuận về giá đất và tài sản gắn liền với đất trụ sở Huyện đội để giao cho Cty Tỷ Xuân, đồng thời chỉ đạo tạm ứng tiền ngân sách trong khi chưa có ý kiến thống nhất của cơ quan có thẩm quyền về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng - an ninh và không lập dự án là vi phạm Điều 27, Điều 30 Luật Đất đai, vi phạm Luật Ngân sách nhà nước.
Theo phán ánh của người dân địa phương, năm 2010, UBND huyện Tháp Mười cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 19.328m2 đất trồng lúa cho bà Nguyễn Thị Hậu (là vợ của Chủ tịch UBND huyện Ngô Văn Nâu. Ông Nâu giữ chức Chủ tịch UBND huyện từ tháng 10/2010 đến nay), có hộ khẩu thường trú tại khóm 4, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, là đối tượng không được giao đất. 
Với vai trò, trách nhiệm là Chủ tịch UBND huyện, biết rõ vợ mình không thuộc đối tượng được giao đất nông nghiệp và cũng không có nhu cầu sản xuất nhưng vẫn để vợ làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó chuyển nhượng cho người khác để thu lợi. Đoàn kiểm tra đề nghị thu hồi giá trị hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với bà Nguyễn Thị Hậu, số tiền 533 triệu đồng nộp ngân sách.
... đến làm sai nguyên tắc tài chính
Trong nhiều năm qua, lãnh đạo UBND huyện Tháp Mười chủ trương để ngoài sổ sách kế toán các nguồn tiền thu hồi nợ, bán nền chợ, bán tài sản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, chỉ tính từ năm 1993 đến tháng 8/1998 là 4,471 tỷ đồng. Số tiền này dùng để cho vay lấy lãi và chi cho hoạt động của các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo Văn phòng HĐND, UBND huyện. Trong đó, UBND huyện tạm ứng, tạm mượn 1,399 tỷ đồng trong nguồn tiền bán nền ở chợ Mới, bán nền chợ vải, bán nền chợ Đường Thét, thu lãi vay từ năm 1993 đến năm 1997 là 13,311 tỷ đồng. 
Chưa hết, UBND huyện chủ trương sử dụng nguồn tiền bán nền ở các chợ để đầu tư xây dựng nhiều ki ốt tại các chợ thuộc huyện Tháp Mười, giao công đoàn cơ sở Văn phòng HĐND và UBND huyện quản lý, cho thuê. Số tiền thu được chi cho bếp ăn tập thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và lãnh đạo Văn phòng UBND huyện.
Năm 1996 - 1997, UBND huyện chủ trương sử dụng nguồn tiền để ngoài sổ sách kế toán cho các cá nhân vay là 3,7 tỷ đồng và sử dụng nguồn kinh phí chống lũ năm 1996 là 220 triệu đồng cho 8 cá nhân vay không đúng quy định, trong đó, ông Phan Văn Lâm (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND huyện) vay 45 triệu đồng. Tính đến thời điểm kiểm tra, nguồn tiền này chỉ còn trên danh sách nợ vay là 591 triệu đồng... Việc chủ trương và duy trì để ngoài sổ sách nguồn quỹ trên là vi phạm Điều 77 Luật Ngân sách nhà nước. 
Ngoài ra, ông Phan Văn Lâm còn chỉ đạo kế toán làm lại sổ sách từ 11 nguồn thu chỉ còn lại... 5 nguồn và hủy hết sổ sách cũ nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Đến khi giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện, ông Lâm biết rõ nguồn tiền này để ngoài sổ sách kế toán nhưng vẫn chủ trương tiếp tục duy trì, không đưa vào ngân sách UBND huyện!?
Kết luận của Đoàn kiểm tra nêu rõ, từ khi còn là Phó Chủ tịch và đến khi làm Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, ông Phan Văn Lâm cùng lãnh đạo UBND huyện trong giai đoạn này thống nhất chủ trương duy trì và phát triển nguồn vốn từ ngân sách để ngoài sổ sách kế toán, sử dụng chi vay, chi vô nguyên tắc, vượt tiêu chuẩn, chế độ, định mức quy định, gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại công quỹ nhà nước, vi phạm Quy chế làm việc của Huyện ủy và các quy định của pháp luật;  nhưng chỉ yêu cầu làm kiểm điểm về các sai phạm, về tinh thần trách nhiệm, tự nhận hình thức kỷ luật khiến dư luận bức xúc cho rằng không tương xứng với hành vi vi phạm.

Đọc thêm