Sai phạm tại bãi đá sông Hồng do chưa sâu sát hay có sự “bảo kê“?

(PLO) - Rất nhiều cơ quan ban ngành vào cuộc, nhưng sau gần 1 thập kỷ, tất cả đều bó tay với các vi phạm nghiêm trọng trong khu vực hành lang thoát lũ tại bãi đá sông Hồng. Điều này khiến dư luận đặt câu  hỏi: Do các cơ quan chức năng chưa sâu sát hay có sự  “bảo kê” cho sai phạm?

Sai phạm tại bãi đá sông Hồng do chưa sâu sát hay có sự “bảo kê“?
UBND quận Tây Hồ chưa sâu sát?
Đại diện Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội (ĐĐ&PCLB Hà Nội) cho biết: Các vi phạm trên địa bàn quận Tây Hồ chủ yếu tập trung vào các hình thức: Lần chiếm đất công, xây dựng công trình không phép, trái phép trong chỉ giới thoát lũ sông hồng. Các hành vi trên không chỉ vi phạm pháp luật về đê điều mà nghiêm trọng hơn, còn gây cản trở thoát lũ.
Ông Nguyễn Xuân Hải (Phó Chi Cục trưởng Chi cục ĐĐ&PCLB Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi phát hiện những vi phạm pháp luật ở khu vực bãi đá sông Hồng và nhiều sai phạm khác trên địa bàn quận Tây Hồ, chúng tôi đã trực tiếp và có nhiều văn bản đôn đốc địa phương kịp thời xử lý. Tuy nhiên, việc chỉ đạo của UBND quận Tây Hồ chưa thật sự quyết liệt, sâu sát. Chính quyền các vường và cơ quan chức năng của quận chưa thực sự vào cuộc.  Vì vậy hiệu quả xử lý thấp, tồn đọng nhiều vi phạm”.
Quận Tây Hồ chưa sâu sát trong xử lý sai phạm.
 Quận Tây Hồ chưa sâu sát trong xử lý sai phạm.
Trong các văn bản gửi UBND quận Tây Hồ, Chi cục ĐĐ&PCLB Hà Nội đưa ra giải pháp cụ thể với các vi phạm ở khu vực bãi đá sông Hồng đó là: Dỡ bỏ toàn bộ công trình xây dựng trái phép, trả lại mặt bằng tự nhiên, không làm ảnh ưởng đến thoát lũ lòng sông và ổn định bờ bãi sông.
Ngoài ra, Chi cục cũng đã đề nghị UBND quận Tây Hồ chỉ đạo các phường kiên quyết xử lý ngay từ đầu, tránh để phát triển lớn, thành nhà kiên cố, khi đó công tác xử lý rất khó khăn. Tuy nhiên, thay vì kiên quyết xử lý, UBND quận Tây Hồ và các cơ quan trực thuộc đã để các công trình trên khu vực bãi đá tiếp tục tồn tại và ngày càng quy mô hơn.
“Đối với các trường hợp cố tình vi phạm nhiều lần, cần kiên quyết đưa ra xử lý trước pháp luật” – Đại diện Chi cục ĐĐ&PCLB khẳng định.
Theo tài liệu Chi cục ĐĐ&PCLB cung cấp, trong 2 năm 2013 và 2014, cơ quan này đã gửi hơn 10 công văn đến UBND quận Tây Hồ yêu cầu cơ Quận cùng các cơ quan trực thuộc xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến vi phạm ở khu vực bãi đá sông Hồng. Phía UBND quận Tây Hồ cũng đã có nhiều văn bản trả lời, trong đó cũng thể hiện được sự sát sao trong việc chỉ đạo, xử lý các vi phạm liên quan.
Điều đáng nói là trực thuộc UBND quận Tây Hồ có nhiều lực lượng như Thanh tra xây dựng, Phòng Kinh tế, Phòng TN&MT, Công an Quận… đều có chức năng liên quan đến vi phạm luật đê điều trên bãi đá sông Hồng. Với lực lượng hùng hậu đó, không hiểu vì sao những sai phạm nhãn tiền ở khu vực bãi đá sông Hồng đến nay đã 7 – 8 năm vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Có bảo kê cho sai phạm?
Theo toàn bộ hồ sơ liên quan đến khu vực bãi đá sông Hồng mà Chi Cục ĐĐ&PCLB cung cấp thì trong 2 năm 2013 và 2014, cơ quan này chỉ có 2 biên bản xử lý vi phạm pháp lật về đê điều. Trong 2 biên bản đó, Chi cục ĐĐ&PCLB chỉ xử phạt về hành vi đổ phế thải, tuyệt nhiên không đả động gì đến những công trình ngang nhiên vi phạm ở bãi đá sông Hồng.
Trong khi đó, đại diện UBND phường Nhật Tân khẳng định Chi cục ĐĐ&PCLB hoàn toàn có chức năng xử lý các vi phạm. Hơn nữa, khi UBND phường Nhật Tân liên tục “kêu” thiếu người để thực hiện công tác quản lý thì trao đổi với PLVN, Phó Chi Cục trưởng Chi cục ĐĐ&PCLB Nguyễn Xuân Hải cho biết: “Chúng tôi chỉ có chức năng phát hiện và đôn đốc. Nếu phường Nhật Tân mà khó khăn cứ “kêu” Quận; Thành phố Hà Nội”.
Rất nhiều cơ quan chịu trách nhiệm, nhưng sai phạm ở bãi đá sông Hồng vẫn tồn tại được gần 1 thập kỷ.
 Rất nhiều cơ quan chịu trách nhiệm, nhưng sai phạm ở bãi đá sông Hồng vẫn tồn tại được gần 1 thập kỷ.
Ông Hải cũng không quên kể ra rất nhiều các cơ quan liên quan đến vấn đề trên như Bộ NN&PTNT; UBND TP Hà Nội; Sở NN&PTNT Hà Nội; UBND quận Tây Hồ… Và Chi cục ĐĐ&PCLB chỉ là một cơ quan liên quan, trách nhiệm chính vẫn là chính quyền địa phương.
Các hoạt động xây dựng khu vui chơi trái phép, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ nhưng tồn tại ngang nhiên gần 1 thập kỷ mà không bị xử lý triệt. Trong khi đó, có rất nhiều cơ quan chịu trách nhiệm mà vẫn không xử lý nổi tình trạng vi phạm phát luật nghiêm trọng . Chính điều đó khiến rất nhiều người đặt câu hỏi: “Liệu có sự “bảo kê” cho các vi phạm?”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn (Nhật Tân, Tây Hồ) cho rằng: “Các sai phạm trên bãi đá sông Hồng không dễ để xử lý. Nhưng với thời gian lên đến 7 – 8 năm mà không những không xoay chuyển được mà tình hình lại càng tồi tệ thêm thì tôi nghĩ chỉ có “bảo kê” thì chủ đầu tư mới dám ngang nhiên và công khai, bất chấp pháp luật như thế. Cứ sai đâu, xử đấy, sẵn sàng san phẳng các công trình sai phép và xử phạt thật nặng thì chẳng còn ai dám sai phạm”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hà (Tứ Liên, Hà Nội) nhận định: Hà Nội thường xuyên bị ngập, trong khi hành lang thoát lũ bị xâm hại. Chưa kể đến việc rất nhiều người đã bị chết đuối ở khu vực bãi đá sông Hồng. Không hiểu vì lý do gì mà cả TP Hà Nội không xử lý được sai phạm của một vài cá nhân đơn lẻ trong khi nhiều sai phạm lớn hơn, chính quyền còn huy động các lực lượng cưỡng chế được. Đã thế, chính quyền địa phương còn lập đề án xin TP Hà Nội cho phép biến khu vực bãi đá thành khu du lịch sinh thái. Việc đó không khác nào nhượng bộ cho hành vi vi phạm pháp luật./.

Đọc thêm