Tòa trên đã chỉ sai, Tòa dưới vẫn chưa xử!

(PLO) - Qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, tài sản chung của đôi vợ chồng đã “hóa” thành tài sản của bố mẹ chồng. Nhưng “đau” nhất là sau khi có quyết định cưỡng chế, buộc nguyên đơn phải ra khỏi nhà để bàn giao tài sản cho bên được thi hành án thì TANDTC mới có Quyết định giám đốc thẩm hủy những quyết định sai lầm nêu trên. 
Tòa trên đã chỉ sai, Tòa dưới vẫn chưa xử!
Sau 16 năm chung sống hạnh phúc, đến năm 2004, chị Hồ Thị Thúy (thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) có đơn xin ly hôn với chồng là anh Nguyễn Thanh Nhật. Tại Tòa, chị Thúy xin được nuôi con và không yêu cầu anh Nhật phải cấp dưỡng. 
Về tài sản chung, chị Thúy cho rằng, vào năm 1989, Hợp tác xã (HTX) Cao Thái cấp cho ông Nguyễn Hữu Hạnh (cha anh Nhật) và anh Nhật mỗi người một lô đất. Sau khi được cấp, vợ chồng chị Thúy và vợ chồng ông Hạnh đã thỏa thuận hoán đổi đất. 
Cụ thể, vợ chồng chị Thúy cất nhà, làm giếng nước trên diện tích 570m2 mà ông Hạnh được cấp; còn phần đất anh Nhật được cấp thì vợ chồng ông Hạnh cho các con là Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Thanh Minh. Tuy nhiên, anh Nhật khẳng định diện tích 570m2 nêu trên là của cha mẹ anh cho vợ chồng anh mượn để cất nhà khi ra ở riêng; không có việc đổi đất như chị Thúy trình bày.
Nhầm lẫn của hai cấp tòa
Xét xử vụ án trên, Bản án sơ thẩm số 49/2006/HNGĐ-ST của TAND huyện Đức Trọng đã công nhận sự thỏa thuận về việc thuận tình ly hôn giữa chị Thúy và anh Nhật, đồng thời khẳng định quyền sử dụng thửa đất 570m2 tại tổ 16B, khu phố 2, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng thuộc về bà Nguyễn Thị Quyền (mẹ đẻ anh Nhật), tạm giao cho các thừa kế của bà Quyền sử dụng và được quyền sở hữu toàn bộ vật liệu ngôi nhà tạm và các tài sản khác trên phần đất này (do ông Hạnh đã chết năm 1996 và bà Quyền chết năm 2005). 
Bản án phúc thẩm số 02 (ngày 23/1/2007), TAND tỉnh Lâm Đồng sau đó vẫn không công nhận lô đất trên là tài sản chung của vợ chồng chị Thúy và cho rằng phần đất này thuộc quyền sử dụng của bà Quyền.
Thấy việc xét xử quá bất công, chị Thúy đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Trong quá trình chị Thúy gửi đơn, ngày 14/5/2008 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Trọng đã ra quyết định cưỡng chế, buộc chị Thúy phải bàn giao phần đất 570m2  cho các thừa kế của bà Quyền. Tiếp đó, nửa tháng sau, cơ quan này lập biên bản bàn giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho bên được thi hành án. Từ đây, mẹ con chị Thúy bị đuổi ra đường, bắt đầu cuộc sống bơ vơ, không nhà cửa.
“Ngâm” án 4 năm vẫn chưa xử lại
Lời kêu cứu của chị Thúy đã được  “đèn trời soi xét” bằng Quyết định kháng nghị số 53/2010/KN-DS của Chánh án TANDTC, ngày 19/5/2010, Tòa Dân sự TANDTC đã có Quyết định giám đốc thẩm số 210/2010/DS-GĐT với nội dung: Hủy phần quyết định chia tài sản tại Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng và TAND huyện Đức Trọng; giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Đức Trọng xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật. 
“Nhưng cho đến nay đã 4 năm trôi qua, mẹ con tôi cứ chờ đợi trong mòn mỏi mà TAND huyện Đức Trọng vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử và cũng không có bất kỳ một trả lời nào bằng văn bản cho tôi, mặc dù tôi đã có nhiều đơn gửi đi. Trong khi chúng tôi bị đẩy ra khỏi ngôi nhà của mình, phải ở trọ trong một căn phòng chật chội, làm thuê kiếm sống qua ngày thì những người có quyền và nghĩa vụ liên quan lại ung dung sống trên chính tài sản mồ hôi công sức của tôi. Có điều gì khuất tất mà TAND huyện Đức Trọng vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử theo quyết định của TANDTC?”- chị Thúy nghẹn ngào.
Trước đó, tại Quyết định giám đốc thẩm, TANDTC đã khẳng định, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xác minh làm rõ việc cấp đất của HTX Cao Thái cho các thành viên gia đình ông Hạnh cũng như việc hoán đổi đất của họ mà chỉ căn cứ vào lời khai…và Công văn của UBND huyện Đức Trọng để xác định không có việc hoán đổi đất giữa vợ chồng bà Quyền và vợ chồng anh Nhật là chưa đủ căn cứ vững chắc, không đảm bảo được quyền lợi của các đương sự. 
Hơn nữa, nếu trong trường hợp không có việc hoán đổi đất nêu trên nhưng vợ chồng ông Hạnh đã cho vợ chồng anh Nhật xây nhà có khuôn viên riêng biệt để ở ổn định từ năm 1990, đồng thời vợ chồng ông Hạnh đã chuyển về Long An sinh sống thì Tòa án cần phải xác định trên thực tế việc vợ chồng ông Hạnh đã cho vợ chồng chị Thúy diện tích đất nêu trên. 
4 năm - thời gian không dài với một đời người nhưng quá dài đối với hoàn cảnh khốn khó của mẹ con chị Thuý và cũng quá đủ cho việc Tòa án xác minh thông tin để mở một phiên tòa xét xử lại vụ án nêu trên. Đã đến lúc TAND huyện Đức Trọng cần khẩn trương thực hiện Quyết định giám đốc thẩm của TANDTC, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đương sự.

Đọc thêm