Uẩn khúc sau phiên toà tạm dừng vì lý do "lãng xẹt"

(PLO) - "Kiểm sát viên (KSV) chưa thể đưa ra quan điểm để giải quyết vụ án" - đó là lý do khiến Hội đồng xét xử vụ án tạm dừng phiên tòa. Lý do hy hữu này có nguyên nhân từ sự yếu kém về trình độ của KSV hay là bởi ẩn khuất nào trong vụ án chưa thể sáng tỏ?
Hành vi của bị cáo Đông có thể được coi là hành vi tự vệ.
Hành vi của bị cáo Đông có thể được coi là hành vi tự vệ.
Vụ ẩu đả của hai gã "ngựa non"
Ngày 7/3 vừa qua, TAND tỉnh Sơn La đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” (CYGTT) đối với bị cáo Nguyễn Tấn Đông (SN 1995, trú tại phường Quyết Thắng, TP.Sơn La). 
Vụ án bắt nguồn từ việc Đông và Cầm Nguyên Ngọc (SN 1994, trú tại phường Chiềng Cơi, TP.Sơn La) gặp nhau ngoài đường vào tối 8/1/2013. Do mâu thuẫn từ trước, hai bên  lời qua tiếng lại, Ngọc nhặt vỏ chai bia làm hung khí rồi lao về phía Đông khiến đối thủ phải bỏ chạy. 
Hơn một tiếng sau, Ngọc đi qua nhà Đông, cả hai lại tiếp tục chửi bới, thách thức nhau. Đến khoảng hơn 10 giờ tối, Ngọc thủ trong người một con dao inox rồi mượn xe máy quay lại nhà Đông để “nói chuyện”. Mặc dù đã được mẹ Đông khuyên đi về nhưng Ngọc vẫn ở lại tiếp tục chửi bới và thách thức Đông. 
Tiếp đó, Ngọc còn xông vào sân nhà Đông, dùng mũ bảo hiểm lao vào để đập Đông nhưng không trúng. Thấy đối thủ xông vào đánh, Đông vớ lấy con dao trên bàn, chém một nhát trúng vào vùng mặt của Ngọc. Bị chém, Ngọc liền rút dao sau lưng định đánh lại Đông thì bị Đông chém thêm một nhát nữa vào vùng mắt trái…
Giám định thương tật cho thấy Ngọc bị tổn hại tạm thời là 56% sức khỏe nên Đông đã bị khởi tố, truy tố về tội “CYGTT”. Vào tháng 11/2013, Đông đã bị TAND thành phố Sơn La xử phạt 4 năm 6 tháng tù; đồng thời mẹ của Đông phải có trách nhiệm bồi thường cho bị hại 163 triệu đồng.
Có yếu tố “phòng vệ”
Đông đã kháng cáo bản án sơ thẩm vì cho rằng hành vi của mình là “CYGTT trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” (có mức xử phạt nhẹ hơn tội CYGTT).
Tại phiên tòa phúc thẩm, KSV đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) hoãn phiên tòa để có điều kiện xem xét lại một số tình tiết của vụ án. Nhưng HĐXX đã không chấp nhận đề nghị này mà quyết định tiếp tục xét hỏi để làm rõ nội dung vụ án. 
Nhưng một lần nữa, trước khi bước vào phần tranh luận, KSV lại đề nghị “đại diện VKS chưa đưa ra quan điểm giải quyết vụ án vì cần phải xác minh lại một số tình tiết tại các cơ quan tố tụng và một số mâu thuẫn trong lời khai”. Việc KSV chưa thể đưa ra quan điểm như trên đã buộc HĐXX phải tạm dừng phiên tòa phúc thẩm để tiến hành xét xử trong một ngày khác. 
Bình luận về sự kiện trên, Luật sư Trần Xuân Thành (Cty Luật Tuệ Anh, Hà Nội) cho rằng: “Nếu có mâu thuẫn trong chứng cứ hoặc vì nhiều tình tiết chưa thể làm rõ tại phiên tòa thì KSV có thể đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Bộ luật Tố tụng Hình sự không có quy định về việc “kéo dài” phiên tòa như trên”.
Ngoài ra, Luật sư Thành cũng cho rằng, với các tình tiết trong hồ sơ vụ án thì có thể thấy việc kháng cáo của Đông là có cơ sở vì trước khi chém Ngọc, Đông đã bị đối thủ cầm hung khí đến tận nhà dọa đánh. Thậm chí, khi bị mẹ Đông dọa “nếu không về sẽ gọi 113” thì Ngọc còn thách thức lại:“Cô giỏi thì cứ gọi đi”. Ngọc còn dọa rằng: “Riêng thằng này, cháu giết lúc nào cũng được”.  
Trong khi đó, Đông không hề chuẩn bị hung khí, không tấn công Ngọc trước. Chỉ khi bị Ngọc cầm mũ bảo hiểm đánh thì Đông mới vớ được con dao trên bàn để đánh trả. Hành vi này được coi là hành vi tự vệ. 
Trường hợp Đông chém Ngọc nhát thứ hai như trong vụ án này cần được coi là hành vi phòng vệ quá mức cần thiết. Mặc dù Ngọc đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng bản án sơ thẩm đã không đề cập đến lỗi của người bị hại trong vụ việc này.
Được biết, những tình tiết trên đều đã thể hiện trong phiên tòa phúc thẩm vừa qua. Không biết trong thời gian hoãn phiên tòa hiện nay thì những vấn đề trên có được KSV cân nhắc để có quan điểm chính thức khi phiên tòa phúc thẩm được mở lại vào thời gian tới?

Đọc thêm