UBND Từ Liêm có tiếp tục thắng kiện?

(PLO) - Ngày 13/11 tới đây, TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là ông Vương Công Tính (xóm Đồng, thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) và bên bị kiện là UBND huyện Từ Liêm. Mặc dù bản án sơ thẩm nhận định trình tự tiến hành thu hồi đất của UBND huyện là không đúng song TAND huyện vẫn tuyên UBND thắng kiện khiến người dân nghi ngờ, bức xúc.
UBND Từ Liêm có tiếp tục thắng kiện?
Sai nhưng… không ảnh hưởng!?
Gia đình ông Vương Công Tính có 2.365 m2 đất nông nghiệp (đã được cấp sổ đỏ năm 2000). Năm 2011, UBND huyện Từ Liêm có Quyết định số 1158 thu hồi một phần đất (260m2) của gia đình ông Tính để bàn giao cho Cty CP Y học Rạng Đông để xây dựng Bệnh viện Đa khoa quốc tế VIETSING. Ngày 4/11, UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và đến ngày 13/12/2011 đã tiến hành cưỡng chế đối với diện tích đất bị thu hồi.
Cho rằng việc ban hành quyết định cưỡng chế, thực hiện hành vi cưỡng chế của UBND huyện là không đúng quy định của pháp luật, ông Tính (cùng nhiều hộ dân khác có đất bị thu hồi) đã kiện UBND huyện ra tòa.
Tại Bản án số 10/HCST ngày 14/8/2013, TAND huyện Từ Liêm  sau khi phân tích các tình tiết liên quan đã nhận định trình tự các bước tiến hành việc thu hồi đất của UBND huyện Từ Liêm với hộ gia đình ông Vương Công Tính “còn có điểm không theo đúng quy định” song lại cho rằng “điều đó không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất”!?. Điều này, theo người bị kiện là không đảm bảo sự khách quan, công bằng.
Bỏ qua thủ tục quan trọng
Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 69/CP (về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) và Điều 70 Quyết định 108 của UBND TP.Hà Nội thì việc cưỡng chế thu hồi đất …chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện, trong đó phải “thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
Như vậy, đối chiếu với quy định của Nghị định 69/CP thì thấy, chỉ sau khi đã lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ... mới đủ cơ sở để cơ quan Tài nguyên và Môi trường thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ thu hồi đất để UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất.
Trong trường hợp chưa có phương án sơ bộ, chưa có phương án hoàn chỉnh và đã thẩm định thì không thể có căn cứ để UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất.  Đồng thời, theo quy định tại Điều 32 Nghị định 69/2009 thì chỉ khi đã thực hiện đúng trình tự mà người bị thu hồi đất không bàn giao đất thì UBND huyện mới được ban hành quyết định và thực hiện hành vi cưỡng chế.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Hà Luân, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo - Thăng Long (Hà Nội), thực tế, một trong các thủ tục quan trọng liên quan đến chính thu hồi đất đã bị Hội đồng bồi thường bỏ qua mà không hề được tiến hành như bản án đã nhận định.
Bởi, căn cứ theo điều 16 Thông tư số 14/2009 của Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định 69/2009 thì đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của những hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp như trường hợp ông Vương Công Tính, họ có quyền được nêu ý kiến (thể hiện qua văn bản) về việc được hưởng một trong các  hình thức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tạo việc làm.
Nhưng khi thực hiện dự án này, Hội đồng chỉ tiến hành lấy ý kiến người bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ mà không lấy ý kiến về phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp là trái với quy định. Thực tế, thì không có phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp nào được đưa ra để người bị thu hồi đất nêu ý kiến. Như vậy, việc hỗ trợ giá đất nông nghiệp được áp đặt cho người bị thu hồi đất ngay từ đầu mà không cần lấy ý kiến là vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Với “nhận định một đằng, tuyên án một nẻo”, bản thân TAND huyện Từ Liêm đã tự mâu thuẫn trong đánh giá về vi phạm của UBND huyện Từ Liêm và quyết định bác yêu cầu của ông Tính là chưa thỏa đáng. Dư luận đang trông chờ vào sự khách quan, công tâm của HĐXX tại phiên tòa phúc thẩm tới đây.

Đọc thêm