Ủy ban cấp, rút giấy đỏ lung tung, tòa hết đường phân xử

(PLO) - Sau hàng chục năm làm nhà và sinh sống ồn định trên phần đất được cha ruột cho. Nhưng khi người con nhận bảng tính tiền bồi thường để giải phóng mặt bằng, mảnh đất này lại thuộc quyền sử dụng của mẹ kế.
Cửa hiệu An Khương là nhà ông Sơn. Ảnh: Thúy Hồng
Cửa hiệu An Khương là nhà ông Sơn. Ảnh: Thúy Hồng
Hàng loạt quyết định trái chiều của UBND TP.Tân An đã khiến người bộ đội phục viên hoang mang không biết bám víu vào đâu để lấy lại phần đất thừa kế từ cha ruột của mình. Đó là vụ việc của ông Nguyễn Tiến Sơn, chủ căn hộ số 37, quốc lộ 1, khu phố Thanh Xuân, phường 5, TP. Tân An. 
Được cha cho đất, mẹ kế lại đứng tên
Năm 1977, ông Nguyễn Tấn Lực (nguyên bác sĩ quân y bệnh viện 108) được Ban Giám đốc Công an tỉnh Long An xét cấp 1.000m2, tọa lạc tại khu phố Thanh Xuân, phường 5, TP. Tân An theo chủ trương cấp đất cho một số gia đình cán bộ chiến sĩ có khó khăn về nhà ở. Ông Lực đưa bà Lê Thị Đào (vợ thứ ba) và con gái chung với bà Đào là Nguyễn Thị Hoa về sống chung. 
Năm 1983, ông Nguyễn Tiến Sơn (con của ông Lực với vợ hai) giải ngũ, được cha cho cất một căn nhà diện tích 136m2 để ở và buôn bán trong phần đất này. Năm 1988, ông Lực đột ngột qua đời mà không kịp để lại di chúc. Trên diện tích đất được cha mẹ cho, ông Sơn xây lại thành nhà cấp bốn. Đến năm 1999, ông tiếp tục làm thủ tục kê khai đất ở xã Hướng Thọ Phú để xin nhập hộ khẩu thường trú. Địa chỉ nhà ông được cấp là số 337, sau đó đổi thành số 37 cho đến nay. 
Năm 2008, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TX. Tân An đến kê khai tài sản nhà ông để thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 1A. Khi nhận bảng chiết tính bồi thường, ông Sơn mới phát hiện phần đất mình đang ở lại thuộc “chủ quyền” của mẹ kế. 
Bức xúc, ông Sơn đến cơ quan chức năng tìm hiểu và được biết: Từ năm 1993, bà Đào đã được UBND tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) với diện tích 900m2, bao gồm cả phần đất nhà ông Sơn đang ở. 
Đến ngày 20/11/2002, bà Đào tiếp tục được UBND thị xã Tân An cấp  Giấy CNQSDĐ diện tích 533,8m2, vẫn bao gồm cả diện tích đất riêng của ông Sơn. Sau đó, bà Đào làm hợp đồng chuyển nhượng phần đất này cho con gái Nguyễn Thị Hoa. Năm 2005, bà Hoa cũng được cấp sổ đỏ cho phần đất trên. Điều đáng nói, các giấy chứng nhận trên không hề kê khai bất cứ tài sản nào hiện có trên đất.
Trước sự việc này, ông Sơn nộp đơn khiếu nại đến UBND TP. Tân An yêu cầu thu  hồi các giấy chứng nhận đã cấp cho bà Đào, bà Hoa. 
Ông Nguyễn Tiến Sơn trình bày về nguồn gốc đất của ông với phóng viên. Ảnh: Thúy Hồng
Ông Nguyễn Tiến Sơn trình bày về
nguồn gốc đất của ông với phóng viên.
Ảnh: Thúy Hồng 
Thu hồi hai quyết định thu hồi, phải làm lại từ đầu
Lời kêu cứu của ông Sơn đã được chấp thuận. Sau khi thanh tra TP.Tân An xác minh lại nguồn gốc đất. Ngày 22/5/2013, UBND TP.Tân An ra Quyết định số 2208/QĐ-UBND thu hồi lại Giấy CNQSDĐ đã cấp cho bà Đào với ý do: Trong diện tích đã cấp, có phần đất của ông Nguyễn Tấn Lực sử dụng ổn định từ năm 1984 đến nay. 
Tiếp đó, cơ quan này cũng ban hành Quyết định số 2303/QĐ-UBND thu hồi Giấy CNQSDĐ đã cấp cho bà Hoa. Với hai quyết định này, mọi việc tưởng như đã sáng tỏ, khiếu nại của ông Lực đã được chấp nhận, công việc còn lại là xét cấp Giấy CNQSDĐ cho các đương sự theo cơ sở thực tế và lịch sử.
Bà Hoa và bà Đào gửi đơn đến Tòa án nhân dân TP.Tân An, đề nghị tuyên hủy các quyết định số 2208 và 2303 nêu trên. Hội đồng xét xử sơ thẩm khẳng định đơn khởi kiện của mẹ con bà Đào không có căn cứ. Bên khởi kiện kháng cáo lên cấp phúc thẩm. 
Nhưng, khi Tòa án nhân dân tỉnh Long An mở phiên xét xử phúc thẩm thì đại diện UBND TP.Tân An đã trưng ra các Quyết định mới ký trong thời gian tòa án đang thụ lý vụ việc (ký ngày 18/03/2014) thu hồi quyết định số 2303 và Quyết định 2208 với lý do: Trình tự và nội dung của các quyết định số 2303 và 2208  “chưa phù hợp với các quy định của Pháp luật về Luật đất đai”. Trước sự kiện này, mẹ con bà Đào đã rút đơn khởi kiện, HĐXX tuyên đình chỉ vụ kiện. 
Chưa rõ, các quyết định giải quyết của UBND TP Tân An đã chính xác hay chưa, nhưng với cách giải quyết lẩn quẩn này đã khiến người dân mất đất tốn không biết bao nhiều thời gian và tiền của để đeo đuổi vụ kiện. Và đến nay, sau một loạt các quyết định giải quyết, việc đi đòi đất của ông Sơn lại trở về điểm xuất phát ban đầu./.

Đọc thêm