Vụ án "cái giếng trời" và kiểu giải quyết nửa vời khiến dân khốn đốn

(PLO) - Suốt 8 năm chạy lòng vòng kêu cứu việc bị hàng xóm bít mất giếng trời, khổ chủ được nhiều cơ quan chức năng đứng ra giải quyết, nhưng rốt cục vụ việc cũng chỉ giải quyết nửa vời cho… xong chuyện.
Giếng trời khi thông thoáng
Giếng trời khi thông thoáng
Che kín cả giếng trời 
Trước năm 1975, bà Trần Thuyên là chủ hai căn hộ số 69 Khổng Tử và 61 Triệu Quang Phục thuộc quận 5, TP.HCM (nhà 69 và nhà 61), đây là dạng nhà hợp khối 3 tầng liền nhau. Năm 1977, bà Thuyên xuất cảnh sang Hồng Kông nên hiến một phần căn nhà 69 cho Nhà nước. Theo đó, Xí nghiệp Dược liệu Trung ương dùng tầng 2 căn hộ 69 làm nơi chứa thuốc. Tầng trệt, con cháu bà Thuyên vẫn tiếp tục lưu cư. Mọi sinh hoạt của họ đều có sự lưu thông qua lại giữa hai căn hộ số 61 và 69. 
Đến năm 1982, cán bộ của Bệnh viện Hùng Vương thiếu nhà ở nên xin cơ quan chức năng xếp cho một chỗ ở tập thể. Và rồi, tại căn nhà số 69, 3 đơn vị gồm Xí nghiệp Dược liệu, Bệnh viện Hùng Vương và Nhà máy Sửa chữa tàu (cơ quan chủ quản của ông Ngụy Đạt - con trai bà Thuyên, cũng là người được giao gìn giữ căn nhà số 61 và một phần còn lại của căn nhà số 69) cùng họp bàn phân chia lại hai căn hộ này. 
Cũng từ đó, gia đình ông Đạt được toàn quyền sử dụng khu vực nhà tắm, hố xí và giếng nước (tại tầng trệt) của nhà số 69. Bệnh viện Hùng Vương chịu trách nhiệm xây dựng lại nhà tắm và hố xí mới phục vụ nhu cầu sinh hoạt của 10 hộ cán bộ viên chức của bệnh viện tại đây. Vì nhà 61 không có cầu thang riêng nên hai cầu thang lớn của nhà số 69 được các bên đồng thuận chọn làm cầu thang chung. Luồng ánh sáng duy nhất từ giếng trời tỏa xuống khu vực bếp, nhà vệ sinh và hố xí của hai nhà cũng được sử dụng chung. 
Ngày 29/5/1999, ông Đạt được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của phần căn nhà số 61, có diện tích 26,64m2. Năm 2004, 9 hộ gia đình thuộc cán bộ, viên chức Bệnh viện Hùng Vương (1 hộ đã chuyển đi) bán phần nhà đất thuộc chủ quyền của họ cho ông Tăng Đức Phước. 
Tháng 6/2006, ông Ngụy Đạt tiếp tục được UBND quận 5 cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở bổ sung phần diện tích 28,90m2 thuộc căn nhà số 69 và có chú thích về hình thức sử dụng phần đất này là “sử dụng chung”. Điều đó đồng nghĩa với việc gia đình ông Ngụy Đạt tiếp tục được sử dụng cầu thang cũng như nguồn ánh sáng ít ỏi từ giếng trời căn nhà 69 rọi xuống như trước kia. 
Về phần ông Tăng Đức Phước, sau khi nhận chuyển nhượng phần nhà đất từ  9 hộ gia đình, ông này đã dùng tôn che kín phần giếng trời với diện tích 5,2m2.Thiếu ánh sáng, cuộc sống ngột ngạt, ngày 25/7/2006 ông Ngụy Đạt nộp đơn khởi kiện ông Phước ra TAND quận 5 yêu cầu ông Phước dỡ bỏ phần tôn lợp trái phép. Tòa xử ông Ngụy Đạt thắng kiện. 
Sau đó, TAND TP.HCM tại phiên phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Tòa cũng tuyên ông Phước không được sử dụng khoảng không gian trên phần diện tích này với bất kỳ hình thức nào. Nhưng mãi đến tháng 7/2009, sau gần một năm với nhiều lần ông Ngụy Đạt khiếu nại, ông Phước mới tháo dỡ miếng tôn che giếng trời. 
Và khi bị tôn bít kín
Và khi bị tôn bít kín
8 năm khiếu kiện, được giải quyết… nửa vời
Đến đây, mọi việc tưởng đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng ba ngày sau đó ông Phước lại che chắn giếng trời với quy mô kiên cố hơn. Ông Ngụy Đạt lại khởi kiện ra TAND quận 5 nhưng Tòa không thụ lý vì vụ việc đã được giải quyết. Đơn của ông Ngụy Đạt được chuyển lòng vòng từ UBND quận 5 sang Cơ quan Thi hành án dân sự và Phòng Quản lý đô thị quận này, sau đó lại đẩy về Thanh tra Xây dựng quận. Và suốt từ tháng 7/2009 đến giữa năm 2011, Thanh tra Xây dựng quận 5 đã ba lần lập biên bản đề nghị ông Phước tháo dỡ tấm đan nhưng đều bất thành. 
Ông Ngụy Đạt đã có đơn đến TAND quận 5 yêu cầu Chủ tịch UBND quận 5 cưỡng chế tháo dỡ tấm đan, trả lại phần giếng trời như cũ. Khi Tòa đang thụ lý thì UBND quận ra quyết định buộc ông Phước tháo dỡ phần bít giếng trời, trả lại hiện trạng ban đầu nhưng ông Phước vẫn không chấp hành. Ngày 16/4/2014, UBND phường 10, quận 5 phối hợp các ban ngành cưỡng chế tháo dỡ tấm đan, nhưng đáng tiếc các cơ quan chức năng lại “quên” tháo tấm tôn ngay miệng giếng trời.
Thế là sau 8 năm ròng rã khiếu kiện, dù mang tiếng là được chính quyền quan tâm đến cưỡng chế tháo dỡ phần xây dựng trái phép che bít giếng trời nhưng gia đình ông Ngụy Đạt vẫn phải sống trong cảnh ngột ngạt và đến nay vẫn còn đó một tấm tôn mà cơ quan chức năng “chưa dỡ nổi”. Giải quyết vụ việc kiểu nửa vời như vậy không những gây thêm bức xúc cho người dân mà chính cơ quan chức năng đang tự hạ thấp uy tín của mình./.

Đọc thêm