Vụ “bê tông bở như bánh quy”, vì sao chính quyền còn chậm trễ?

(PLO) - Liên quan đến vụ người dân xã Đức Thanh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) nghi ngờ xi măng kém chất lượng được dùng để làm đường nông thôn mới mà PLVN đã phản ánh, nhiều độc giả vô cùng bức xúc trước việc làm, trách nhiệm của những người liên quan và đề nghị PLVN tiếp tục theo dõi phản ánh…
Người dân thất vọng trên con đường của mình
Người dân thất vọng trên con đường của mình
12/16 tuyến đường có dấu hiệu dùng xi măng kém chất lượng
Như Báo PLVN đã phản ánh, hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân các thôn Đại Lợi, Đại Liên, Thanh Trung…, xã Đức Thanh đã không ngần ngại “bỏ công, bỏ của” ra làm đường, để rồi thất vọng khi đến nay có 12/16 tuyến đường xuất hiện hiện tượng bong tróc, bê tông vụn như “bánh quy”… Người dân nghi ngờ nguyên nhân là do xi măng PCB30- sản phẩm của Cty Vicem Hoàng Mai (trên bao bì có ghi dòng chữ “Thách thức thời gian”, “Xi măng xây dựng chương trình nông thôn mới”) được hỗ trợ bị kém chất lượng.
Theo Báo cáo số 08 của UBND xã Đức Thanh gửi UBND huyện Đức Thọ thì: Thời gian nhận xi măng từ tháng 10/2013, xã đã chỉ đạo các đơn vị thôn xóm làm đường, thời tiết tương đối thuận lợi… Năm 2013, làm được 14 tuyến ngõ xóm dài 1.642m, 1 tuyến kênh mương dài 450m, 2 tuyến đường trục thôn dài 860m, 1 tuyến nội đồng dài 400m. Tổng số xi măng đã nhận của Nhà máy Xi măng Hoàng Mai là 299,5 tấn. 
Sau một thời gian, nhân dân hai thôn Đại Liên, Đại Lợi phản ánh một số tuyến đường có dấu hiệu xi măng kém chất lượng, bụi bay mù trời khi xe cộ và người đi lại, một số đoạn đường đá 2x4 lồi lên trên bề mặt…
Theo tìm hiểu của  phóng viên Báo PLVN, đến nay có thêm nhiều tuyến đường (chưa có trong báo cáo) như: tại thôn Thanh Đình có 4 đoạn đường dài 300m vừa làm, thôn Thanh Trung có tổng 220m và nhiều tuyến khác cũng được cấp xi măng nhãn hiệu Vicem Hoàng Mai xuất hiện hiện tượng trên. 
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Trọng Thiều - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thanh cho biết: “Sau khi người dân và báo chí phản ánh, ban đầu huyện cho người xuống kiểm tra các tuyến đường. Tiếp đó, có đoàn kiểm tra khác với đủ thành phần đại diện như: Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh, Sở Xây dựng Hà Tĩnh, UBND huyện Đức Thọ kết hợp với UBND xã, thôn, xóm… về nắm tình hình, khoan đường lấy mẫu bê tông để xác định nguyên nhân. 
Tại cuộc họp ở UBND xã, đoàn công tác yêu cầu xã báo cáo về công tác giám sát thi công và tôi là người báo cáo. Theo đó, sau khi nhận kế hoạch thì xã chỉ đạo các thôn, xóm, sau đó xã đăng ký lên huyện, còn đường thì tùy từng tuyến mà nhân dân đóng góp số tiền khác nhau. Về thời tiết trong giai đoạn thi công thì khá thuận lợi, nhân dân cũng rất kỹ càng trong thi công bởi đây là đường họ bỏ tiền, bỏ công ra làm và phục vụ cho chính họ. Về nguyên, vật liệu như: đá, cát, nước…người dân đều chọn nguyên liệu tốt”.
Ông Thiều cho biết thêm, sau khi nghe xã báo cáo đoàn công tác đã đi kiểm tra một số tuyến đường và khoan lấy mẫu bê tông tìm nguyên nhân để trả lời người dân. Cho đến nay, chỉ thấy có 4/16 tuyến là chưa nghe nhân dân phản ánh, còn 12/16 tuyến thì đã có hiện tượng bong tróc. 
Đá và xi măng kết dính kém
Đá và xi măng kết dính kém
Khắc phục bằng cách nâng cấp mặt đường?
Trở lại thôn Đại Lợi, ông Phan Ngọc Trinh chưa hết thất vọng cho biết: "Những con đường trên có thể được coi là tâm huyết của người dân, nên sau khi đường có hiện tượng xấu người dân thất vọng là đúng. Tôi và người dân ban đầu phản ánh lên xã và có nghe nói là tại các cuộc họp xã cũng báo cáo lên huyện nhưng không thấy chính quyền có động thái gì. Đến khi Báo PLVN về tìm hiểu sự việc và phản ánh thì mới thấy huyện, tỉnh về kiểm tra."
Còn ông Đinh Hùng Vương Trưởng thôn Đại Lợi cho hay: “Sau một thời gian người dân và báo chí phản ánh vừa qua có một người đến gặp tôi tự xưng là cán bộ thị trường của Cty Vicem Hoàng Mai nói là nhận được thông tin về việc đường kém chất lượng nên về nắm tình hình. Tôi trả lời thẳng rằng không phải nói gì nhiều, anh cứ ra xem đường là tự hiểu ngay thôi. Tôi đưa anh này ra xem đường thôn Đại Lợi, rồi dùng tay “bóc” đá từ bê tông ra cho anh ta xem. Anh ta quay về và không nói gì thêm. 
Cách sau đó không lâu, tôi đi vắng về nghe vợ kể lại có 4 người đi xe ôtô tự xưng là cán bộ của Cty Vicem Hoàng Mai trao đổi thông tin. Họ nói rằng trước sự việc đường bị bong tróc, lồi đá… nên muốn hỗ trợ người dân “nâng” mặt đường lên từ 7- 10cm. Dù không rõ là ai nhưng nghe họ nói thế, vợ tôi nói rằng “chuyện đó các anh gặp lãnh đạo và những người dân khác chứ tôi không có quyền quyết định nên họ đi về…”
Cũng theo ông Vương, trước đây người dân rất phấn khởi trước việc được hỗ trợ xi măng để làm đường, người dân không ngại bỏ hàng chục triệu để làm đường, nhưng hiện tại họ đang trong tâm trạng thất vọng và bức xúc. Hiện tượng một số bao xi măng mang nhãn hiệu Vicem Hoàng Mai khi mới nhận về đã bị “chết” - tức là một số bao bị đóng cục, kết dính không thể sử dụng được, ngay khi phát hiện ông đã gọi lãnh đạo xã xuống thôn để trao đổi. 
Sau đó, ông đã lập biên bản và gửi lên UBND xã Đức Thanh. Tuy nhiên, về việc xi măng “chết” thì hiện vẫn không thấy ai kiểm tra. Còn việc “đá lỗi” cho người dân là không đúng bởi khi thi công nhân dân làm rất cẩn thận. PLVN sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc./.

Đọc thêm