Câu đối chỉnh

* Năm nay là năm con hổ, có người làm câu đối: “Núi cao hổ rống thêm mùa mới/ Bốn mùa xuân đến nảy mầm xanh”. Xin cho biết câu đối này đối có chỉnh không? Câu đối chỉnh phải như thế nào? Có mấy loại câu đối? (Trần Thị Mỹ Anh, Hội An, Quảng Nam).

* Năm nay là năm con hổ, có người làm câu đối: “Núi cao hổ rống thêm mùa mới/ Bốn mùa xuân đến nảy mầm xanh”. Xin cho biết câu đối này đối có chỉnh không? Câu đối chỉnh phải như thế nào? Có mấy loại câu đối? (Trần Thị Mỹ Anh, Hội An, Quảng Nam).

Cau doi Tet: Viết câu đối Tết tại Chợ Hoa xuân Đà Nẵng. (Ảnh: VTL)

Cau doi Tet: Viết câu đối Tết tại Chợ Hoa xuân Đà Nẵng. (Ảnh: VTL) 

* Lâu rồi, tôi biết có một vế đối như thế này: “Tết tiếc túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế”. Nhiều người bảo vế đối này rất “hiểm”, nhưng không biết đã có ai đối lại chưa? (Nguyễn Văn Quảng, Hải Châu, Đà Nẵng)

- “Núi cao hổ rống thêm mùa mới/ Bốn mùa xuân đến nảy mầm xanh” là một câu đối không chỉnh.

Một câu đối gọi là chỉnh, theo tác giả An Chi trong “Thế nào là câu đối hay?” (Kiến thức Ngày nay số 154, ngày 20-10-1994), khi cả hai vế đều đáp ứng được ba yêu cầu: (1) Các tiếng đối nhau trong hai vế phải cùng từ loại với nhau; (2) Các tiếng cuối nhịp của hai vế phải đối nhau về đường nét thanh điệu: bằng (ngang, huyền) đối với trắc (hỏi, ngã, sắc nặng) hoặc ngược lại; (3) Tiếng đối lại của vế dưới phải theo sát tiếng tương ứng của vế trên về tất cả các đặc điểm ngữ học của nó.

Về câu đang xét, núi (danh từ) không thể đối chỉnh với bốn (số từ); mùa (danh từ) không đối chỉnh với cao (tính từ). Ngoài ra, núi cao hổ rốngbốn mùa xuân đến còn phạm tiêu chuẩn (2) khi cả hai cụm từ này đều không đối nhau về thanh bằng, trắc.

Tùy theo cách sử dụng, người ta chia câu đối ra sáu loại như sau:

1- Xuân liễn: Câu đối xuân, chuyên dùng vào dịp Tết, gắn ở cửa.

2- Doanh liễn: Câu đối treo ở cột trụ, dùng trong nhà, cung điện của vua và những nơi cổ kính.

3- Hạ liễn: Câu đối chúc mừng, thường dùng vào các dịp chúc thọ, chúc sinh nhật, hôn lễ, thăng quan tiến chức, sinh con, khai trương…

4- Vãn liễn: Câu đối than vãn, dùng chia buồn trong lễ tang.

5- Tặng liễn: Dùng để tán thán, đề cao hoặc khuyến khích người khác.

6- Trung đường liễn: Câu đối dùng để treo ở những khách đường lớn, chỗ nhiều người lưu ý, và được phối hợp với nghệ thuật thư pháp.

Tết tiếc túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế” là một vế đối rất “hiểm” vì tất cả đều bắt đầu bằng một chữ “t”. Giai thoại làng văn cho rằng Thế Lữ đã đối lại là: “Xuân sang xong xổ số, say sưa sắm sửa sẵn xu xài”, trong đó chấp nhận s = x. Đối lại vế đối hiểm hóc này, dân gian có một số vế đối khác như: Cô kia còn kênh kiệu, kỹ càng cố kén cậu căn cơ; Hội hè hòng hí hửng, hỏi han hàng họ hẳn hay ho; Mới me mừng mợ mạnh, mỹ miều mà mở mặt môn mi; Ái ân êm ấm ấy, ỡm ờ uốn éo ý yêu ai... Tuy nhiên, tất cả vẫn là câu đối không chỉnh, ngay cả câu đối được cho là của Thế Lữ.

Câu đối dùng một phụ âm đối chỉnh nhất được biết đến là: Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt/ Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương.

Nói thêm, nhân năm hổ, xin gửi đến bạn đọc xa gần mấy vế đối “hiểm” dưới đây, vẫn chưa ai đối được, để ngẫm ngợi trong mấy ngày Tết.

- Đêm ba mươi Tết, cọp nằm nhà, xoa đầu con, beo má vợ, sẵn tương ớt, rót hổ cốt nhắm với tôm hùm, no kễnh bụng. (Các từ cùng nghĩa, chỉ loài hổ báo: ba mươi, cọp, beo, hổ, hùm, kễnh).

- Làm đại khái qua loa, nói như hùm như cọp, ông ba mươi đã lên giọng lão, chẳng sửa dần càng thêm hổ miệng. (Cũng thế: khái, hùm, cọp, ông ba mươi, dần, hổ.

ĐNCT

Đọc thêm