Chánh án buộc thẩm phán dừng tuyên án, có đúng pháp luật ?

 Luật Tổ chức TAND và Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân quy định “Khi xét xử, thẩm phán độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật”,“Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ “Khi xét  xử, Hội thẩm, ngang quyền với thẩm phán”. Nhưng thực tế vẫn diễn ra tình trạng Chánh án yêu cầu thẩm phán phải “báo án”; thậm chí cản trở thẩm phán tuyên án…

Luật Tổ chức TAND và Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân quy định “Khi xét xử, thẩm phán độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật”,“Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ “Khi xét  xử, Hội thẩm, ngang quyền với thẩm phán”. Nhưng thực tế vẫn diễn ra tình trạng Chánh án yêu cầu thẩm phán phải “báo án”; thậm chí cản trở thẩm phán tuyên án…

Hội đồng xét xử một phiên tòa hình sự. Ảnh minh họa
Hội đồng xét xử một phiên tòa hình sự. Ảnh minh họa

Vừa qua, dư luận xôn xao chuyện Chánh án TAND một tỉnh miền trung kiểm điểm phê bình Thẩm phán N.C.C vì cho rằng đã có thiếu sót trong việc không báo án cho Chánh án và Ủy ban Thẩm phán trước khi xét xử hoặc sau khi ra phiên tòa, xét xử khác với ý kiến đã báo cáo với Ủy ban thẩm phán…

 Trong đó, có vụ án sơ thẩm, Chánh án yêu cầu Thẩm phán phải dừng tuyên án để báo cáo vụ án cho Chánh án và tập thể Ủy Ban thẩm phán nghe để có ý kiến  chỉ  đạo…Vấn đề đặt ra là việc Chánh án buộc thẩm phán phải dừng tuyên án như vậy có đúng luật?

Có ý kiến cho rằng, về góc độ quản lý hành chính thì Chánh án hoàn toàn có quyền, phải biết, phải yêu cầu thẩm phán báo cáo về đường lối xét xử vụ án, nhất là những vụ phức tạp, nhạy cảm. Từ đó, nhận xét việc lãnh đạo tòa yêu cầu thẩm phán dừng tuyên án để báo cáo về đường lối xử lý vụ án là hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến nguyên tắc xét xử độc lập.

Tôi không thống nhất với quan điểm này, vì toàn bộ hoạt động xét xử của Tòa án là đại diện cho công lý, mọi hoạt động xét xử phải thực hiện đúng theo nguyên tắc pháp chế XHCN: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác phải  được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”(Điều 3 Bộ luật TTHS năm 2003).

Bộ luật TTHS chỉ quy định việc hoãn phiên tòa theo Điều 194, chứ không có điều nào quy định việc dừng tuyên án. Bộ Luật TTHS cũng chỉ quy định nếu qua việc nghị án mà thấy có tình tiết của vụ án chưa được xét hỏi hoặc xét hỏi chưa đầy đủ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc xét hỏi và tranh luận.

Tuy Bộ luật TTHS không quy định, nhưng trong thực tế nếu có thì Hội đồng xét xử có thể dừng (hoãn) việc tuyên án trong trường hợp bất khả kháng như đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa hoặc có thành viên trong Hội đồng xét xử bị tai nạn, ốm đau đột xuất hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tham gia khi Hội đồng xét xử tuyên án.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân dân và Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân quy định: “Khi xét xử, thẩm phán độc lập,chỉ tuân thủ pháp luật”,“Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở Thẩm phán,Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ “Khi xét  xử, Hội thẩm, ngang quyền với thẩm phán “.

Như vậy, về khía cạnh quan hệ hành chính, cứ cho rằng việc Chánh án yêu cầu buộc thẩm phán phải dừng tuyên án là quan hệ cấp trên -cấp dưới, tức là thẩm phán phải chịu sự lãnh đạo,chỉ đạo của Chánh án  buộc thẩm phán phải tuân theo. Tuy nhiên, kể từ khi Chánh án phân công cho thẩm phán giải quyết một vụ án cụ thể  theo quan hệ tố tụng thì Thẩm phán được quyền xem xét quyết định theo pháp luật (trừ việc quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử và áp dụng ,thay đổi, hủy bỏ biện pháp  tạm giam) và khi vụ án được đưa ra xét xử, tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và có quyền quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến vụ án. Do đó, việc Chánh án yêu cầu buộc thẩm phán phải dừng việc tuyên án thực chất là đã can thiệp đến hoạt động của Hội đồng xét xử chứ không riêng thẩm phán, vì Hội thẩm nhân dân là người ngang quyền với thẩm phán và họ có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Ở đây, quan hệ hành chính được Chánh án lấn át quan hệ tố tụng như bài viết của ông Đinh Văn Quế  (Nguyên Chánh Tòa hình sự-TANDTC). Và như vậy, Chánh án thực hiện không đúng luật chứ không phải thẩm phán? Tại sao Chánh án không thực hiện quyền của mình là làm văn bản yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm các vụ án nếu cho rằng Thẩm phán xét xử sai ,không đúng đường lối xét xử chung của ngành ?

Thiết nghĩ, nếu thẩm phán xét xử có nhiều vụ án có sai phạm nghiêm trọng thì chính Chánh án có quyền làm văn bản đề nghị người có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm chức danh Thẩm phán khi đang còn nhiệm kỳ hoặc ít nhất không thể tái bổ nhiệm thẩm phán cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Tôi đồng ý với quan điểm của ông Đinh Văn Quế, để khắc phục tình trạng “báo án” tràn lan không đúng tinh thần cải cách tư pháp,cần thiết phải ban hành bản quy chế chung cho tất cả tòa các cấp về việc lãnh đạo,chỉ đạo hoạt động xét xử.

Để công cuộc cải cách tư pháp đạt kết quả tốt, chất lượng xét xử các vụ án ngày càng cao,tránh oan sai theo tinh thầnNghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết 49-NQ ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị có lẽ ngành Tòa án cần quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết của Đảng,pháp luật của Nhà nước để không để xảy ra tình trạng nêu trên.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà  (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa)

Đọc thêm