|
Bên ngoài phiên tòa là những câu chuyện, những mảnh đời éo le… |
Một phút nông nổi, ám ảnh cả đời
Không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh bởi dáng đi tất tả, bước thấp bước cao của người đàn bà nông dân lam lũ ấy. Đó là bị cáo Nguyễn Thị Tươi (38 tuổi, quê Thái Bình) trong phiên tòa “Môi giới mại dâm” ngày 18/7 của TAND TP.Hà Nội.
Hơn chục năm trước, Tươi rời quê ra Hà Nội làm tạp vụ, rửa bát, dọn phòng cho Ngô Thúy Triều (chủ nhà hàng Hương Trầm ở Đông Anh, Hà Nội) với tiền công là 300 ngàn đồng/tháng và được chủ bao ăn ở. Gái quê chân ướt chân ráo ra thành phố, hồi mới vào làm Tươi không hề biết nhà hàng Hương Trầm là một ổ mại dâm trá hình. Sau một thời gian làm việc ở đây, thấy Tươi nhanh nhẹn, chăm chỉ lại thật thà nên bà chủ tin tưởng giao thêm cho chị ta vài việc vặt. Đó là dẫn khách lên phòng, phát bao cao su và thu tiền nộp cho bà chủ. Khi đã quen việc, bà chủ Triều còn cho Tươi số điện thoại của “đào” để khi nào khách có nhu cầu mua dâm mà nhà nghỉ thiếu hàng thì Tươi sẽ chủ động gọi “các đào” nơi khác đến phục vụ khách.
Trong suy nghĩ nông cạn của cô gái quê ít học, Tươi biết việc làm của mình như thế là sai nhưng không biết được đó là hành vi phạm pháp. Cho đến một ngày cuối tháng 10/1999, công an ập vào bắt quả tang hành vi mua bán dâm tại nhà nghỉ Hương Trầm. Trước khi bị cảnh sát bắt quả tang, do thiếu “hàng”, bà Triều đã điều Tươi gọi thêm gái mại dâm tên Tuyết Lan đến để mua vui cho khách và thu của mỗi “thượng đế” 120.000 đồng. Năm 2000, khi vụ án bị xét xử, Ngô Thúy Triều bị tuyên án 5 năm tù về tội chứa mại dâm, riêng Tươi bỏ trốn.
Tươi vào Bình Dương lấy chồng, sinh con, vui vầy với hạnh phúc gia đình bình dị như bao người đàn bà khác. Hơn chục năm trôi qua, Tươi đã trở thành một nông dân thực thụ trong việc làm ruộng làm rẫy và có hai đứa con ngoan. Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm hồn, người đàn bà này luôn bị ám ảnh bởi lầm lỗi trong quá khứ. Thế là sau 11 năm trốn truy nã, Tươi đã về quê Thái Bình và ra đầu thú. Với hành vi trên, Nguyễn Thị Tươi bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù về tội “Môi giới mại dâm”.
Lửa ghen tiêu tan hạnh phúc
Ngày 28/7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Hữu Thành (42 tuổi, ở Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) về tội “Giết người”. Thành đã đổ chai xăng lên người vợ mình rồi châm lửa đốt.
Thành và chị Hoàng Thị Thúy H. (32 tuổi) kết hôn được khoảng 10 năm thì cuộc sống gia đình bắt đầu rạn nứt do Thành nghi ngờ vợ có quan hệ ngoại tình. Tháng 7/2010, chị H. nộp đơn xin ly hôn rồi về nhà bố mẹ đẻ ở Yên Phụ, Tây Hồ sống. Khoảng 22h30 ngày 2/9/2010, trên đường đi chơi đến đoạn trước cửa nhà số 1 Yên Phụ, Thành mang theo nửa lít xăng. Khi gặp vợ trong bãi gửi xe trên đường Yên Phụ, lợi dụng chị H. đang cúi người xuống rửa tay, Thành đã đi đến đổ xăng vào người vợ rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa bùng cháy dữ dội, nạn nhân tuy được cứu sống nhưng bị tổn hại đến 77% sức khỏe.
Tại phiên tòa ngày 28/7/2011 của TAND TP Hà Nội, Thành tỏ thái độ vô cảm, không một lần quay lại nhìn chị H. gầy guộc ốm o ngồi phía sau mình. Thành cũng không một lời xin lỗi, ăn năn vì hành vi tàn ác đã gây ra cho người vợ. Dầu vậy, chị H. và người nhà vẫn mong muốn tòa tuyên Thành mức án nhẹ để Thành sớm được quay về với con.
Nhận mức án 18 năm tù về tội “Giết người”, bị cáo Nguyễn Hữu Thành thập thõm lê bước ra về. Phía sau Thành, chị H. cũng bước thấp bước cao chống nạng, được người thân dìu bước. Trên khoảng sân tòa rộng rãi, một vạt hoa bằng lăng nở muộn tím ngát xao xuyến mà buồn tái tê… Những ngày sắp tới là khoảng thời gian đằng đẵng Thành phải giam mình trong trại; trong khi cuộc sống của chị H và các con cũng sẽ nặng nề buồn tủi và nhiều nỗi gian truân.
Nỗi niềm ghi ở sân tòa…
Nhiều năm theo dõi mảng pháp đình, mòn chân ở TAND TP.Hà Nội, vậy mà đôi lúc tôi vẫn ngỡ ngàng trước cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp nơi đây. Mùa xuân sấu xanh mơn mởn, hạ về tím ngát bằng lăng, thu sang nồng nàn hoa sữa và đông qua xuân tới là lúc hàng dạ hương cổ thụ trổ lá xanh mơ màng, tỏa hương thơm đến ngất ngây… Và chính cảnh trí nên thơ lãng mạn- nơi diễn ra những cảnh tù tội, tan vỡ, chia ly đã khiến cho người ta thấy trĩu nặng tâm tư về thế thái nhân tình.
Điều khiến tôi ám ảnh nhất sau các phiên tòa chính là lời nói sau cùng của bị cáo và bước chân âm thầm của họ lúc lên xe về trại. Lời nói sau cùng của bị cáo thể hiện là nỗi sợ cô đơn, nỗi sợ bị bỏ rơi xa lánh và cũng là ước mơ cháy bỏng được sớm quay về cuộc đời tự do, được nhìn nhận đúng nghĩa là một con người trên bước đường đời lương thiện sau này. Và bước chân họ âm thầm trên những bậc cầu thang cô đơn buồn tủi, nửa như ăn năn sám hối, nửa như khát khao, mơ ước nếu được một lần quay ngược thời gian để có cơ may cứu chuộc lỗi lầm…
Lê Nguyễn