Chấp nhận hệ quả "hồi xuân" của ba chồng?

Nếu những gì trong thư là sự thật thì mối quan hệ của họ đã kéo dài hơn 10 năm, ngay khi mẹ chồng tôi còn sống; ngay trong thời gian ba tôi lúc nào cũng kè kè chiếc đồng hồ quả quýt trong túi để canh giờ cho mẹ tôi ăn uống, tắm rửa, thuốc men…

Mẹ chồng tôi mất đã 5 năm nhưng trước đó bà đã bệnh nằm một chỗ gần  10 năm. Trong khoảng thời gian dài đằng đẳng ấy, ba chồng tôi là người đã chăm sóc cho bà từng miếng ăn, giấc ngủ, viên thuốc…

Ông đi đâu, làm gì nhưng cứ đến giờ ăn, giờ uống thuốc của mẹ tôi là ông có mặt ở nhà. Thậm chí, đang say sưa chơi cờ với mấy ông bạn già trong xóm nhưng nghe tiếng chuông của chiếc đồng hồ quả quýt trong túi áo báo hiệu, ông lập tức cáo lỗi, chạy ngay về nhà.

Ngần ấy năm trời, trong mắt tôi, ông là biểu tượng của một người chồng tuyệt vời nhất. Và tôi thầm mong, con trai ông cũng thừa hưởng “gen” chung thủy của cha.

Những ngày đầu mẹ chồng tôi mới mất, ông sống lặng lẽ hơn. Buổi sáng ông một mình đi ra mộ thắp hương, nhổ cỏ, chăm sóc mấy luống hoa; buổi trưa ăn cơm xong, ông ngã lưng trên tấm nệm mà mẹ tôi đã nằm suốt những ngày dài bị tai biến. Buổi tối ông ngồi hàng giờ trước ảnh mẹ, thậm chí ông còn chuyện trò thành tiếng với người đã khuất… Rồi ông cặm cụi tới khuya ghi chép vào quyển sổ màu hồng có mùi hương dìu dịu, loại sổ dùng để viết thư tình…

Chồng và các em chồng tôi nhìn cảnh ấy mà đau lòng. Chúng tôi tìm mọi cách gần gũi, khuyên lơn để ông khuây khỏa nỗi buồn.

Rồi ông cũng lấy lại thăng bằng, thường xuyên tới lui với mấy bác trong câu lạc bộ hưu trí, đi tham quan du lịch với các cụ khi có dịp… Tôi nói với ông xã: “Vậy là mừng rồi chớ nhìn ba giam mình trong nhà, em rầu quá”. Vinh, chồng tôi mỉm cười: “Tại em quá lo chớ ba đâu phải là người yếu đuối”.

Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua như thế cho đến một ngày, khi tôi ở nhà một mình thì có người phụ nữ trạc ngoài bốn mươi đến tìm “anh Huấn”. Huấn là tên ba chồng tôi. Nghe vậy, tôi đinh ninh chị ta nhầm nên lắc đầu: “Ở đây không có ai tên như vậy, chị thử đi qua mấy nhà bên cạnh hỏi xem”. Nhưng chị ta khăng khăng: “Tôi làm sao mà lầm được? Cô là con dâu của ảnh phải không? Tôi biết cô cả chục năm nay, từ khi vợ ảnh còn…”.

Hôm đó cô em chồng tôi tổ chức sinh nhật cho con nên cả nhà kéo qua bên đó, tôi lúng túng không biết xử lý thế nào thì chị ta lấy trong túi xách ra tấm hình: “Cô coi phải ảnh không?”. Đó là bức hình chụp ba chồng tôi với người phụ nữ này cùng một đứa trẻ chừng ba bốn tuổi. Thoạt nhìn, trông họ như một gia đình. Tôi đành mở cửa cho chị ta vào.

“Chị tìm ba tôi có việc gì?”. Tôi rót nước mời khách và sốt ruột hỏi ngay. Bất thình lình, chị ta bật khóc: “Ảnh tệ lắm. Tôi theo ảnh mười mấy năm nay, chịu thiệt thòi, không dám ra mặt, vậy mà bây giờ ảnh đi với con khác, bỏ mẹ con tôi”. Nói rồi chị ta móc trong giỏ xách ra một xấp giấy: “Cô coi, thư của ảnh viết cho tôi từ trước tới giờ đó…”.

Cảm giác của tôi lúc đó thật lạ. Cứ như đang nghe… chuyện tiếu lâm. Những điều người phụ nữ này nói như những nhát búa tạ phá tan bức tường thành vững chãi đã được xây dựng, thử thách qua bao nhiêu mưa nắng dãi dầu.

Tôi bảo chị ta cho tôi mượn lại những bức thư nhưng ngay lúc đó vẫn chưa biết phải làm gì. “Chị cứ về đi, tôi sẽ bàn bạc với ông xã và các em chồng tôi. Chị tuyệt đối không được làm rùm beng mất mặt ba chồng tôi; nếu không, tôi không giúp gì được cho chị đâu”- tôi bảo người phụ nữ với giọng đe nẹt. Chị ta sụt sùi: “Ảnh làm quá tôi mới lên tiếng chớ tôi đâu muốn lùm xùm làm gì…”.

Ba chồng tôi có bồ nhí khi đã 72 tuổi! Chưa kể, trước đó, ông đã ăn ở với một người phụ nữ khác và có con với chị ta. Tin được không? Ai ở trong hoàn cảnh tôi lúc này cũng sẽ không tin. Bởi người đàn ông ấy đã từng là một bức tường thành của lòng chung thủy, là thần tượng trong mắt các con...

“Phải làm sao bây giờ anh?”- Tối đó tôi bức bối hỏi Vinh. Anh trầm ngâm: “Anh cũng đang rối đây. Hay là… cứ hỏi thẳng ba xem sao?”. Chính Vinh cũng thấy bất ngờ khi đọc những bức thư mùi mẫn của ba tôi gởi cho người phụ nữ ấy.

Nếu những gì trong thư là sự thật thì mối quan hệ của họ đã kéo dài hơn 10 năm, ngay khi mẹ chồng tôi còn sống; ngay trong thời gian ba tôi lúc nào cũng kè kè chiếc đồng hồ quả quýt trong túi để canh giờ cho mẹ tôi ăn uống, tắm rửa, thuốc men…

Trời ạ, có ai từng lâm vào cảnh ngộ như chúng tôi không? Tôi không biết chuyện này khi vỡ lỡ ra thì cha mẹ tôi sẽ nghĩ thế nào về sui gia? Rồi còn hàng xóm láng giềng, con cháu, bạn bè…

Trong lúc chúng tôi đang bối rối như tơ vò thì ba tôi vẫn cặm cụi với quyển sổ màu hồng có mùi hương dìu dịu… Tôi nhìn kỹ, thấy nét mặt ông lúc đó sáng bừng những tia thật lạ. Đó là thứ ánh sáng của tình yêu...

Ba chồng tôi đang viết thơ tình, tin được không?

Nhìn cảnh ấy, tôi chỉ còn biết ôm đầu rên rỉ: "Ông trời ơi, con biết phải làm sao bây giờ?".

Theo Người lao động

Đọc thêm