Hiện Pháp và Italy hiện đã nhất trí về phần đóng góp của các nước này trong gói cứu trợ Hy Lạp trị giá 110 tỷ EUR, tương đương 140 tỷ USD nhằm giúp Hy Lạp tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực “dập tắt” cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp khi mà trong cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) diễn ra chiều 7/5 tại thành phố Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng thuyết phục các thị trường trên thế giới rằng, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp sẽ không lan rộng đến các nước khác trên thế giới và làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục kinh tế của châu lục này.
Hiện Pháp và Italy đã nhất trí về phần đóng góp của các nước này trong gói cứu trợ Hy Lạp trị giá 110 tỷ eur, tương đương 140 tỷ USD nhằm giúp Hy Lạp tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ. Trong khi đó, Đức gần như đã đồng ý với gói cứu trợ này.
Đã nhiều ngày nay, các nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn khăng khăng rằng, sự lan rộng của vấn đề tài chính của Hy Lạp xuất phát từ sự quản lý kinh tế yếu kém, sự lạm chi và gian dối trong hoạt động thống kê không phải là hiện tượng chung đối với tất cả các nước Châu Âu như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Gói cứu trợ của EU dành cho Hy Lạp trong thời gian 3 năm là nhằm giúp Hy Lạp tránh bị vỡ nợ khi mà nước này sẽ phải trả khoản nợ trái phiếu lên đến 8,5 tỷ USD vào ngày 19/5 tới.
Tuy nhiên, bất chấp sự thuyết phục của các nhà lãnh đạo Châu Âu, đến thời điểm này, thị trường tài chính châu Âu vẫn chưa có sự thay đổi. Bằng chứng là chứng khoán, trái phiếu của Hy Lạp và trị giá đồng tiền châu Âu vẫn đang trượt xuống mức thấp nhất so với đồng đô la trong 14 tháng qua kể cả sau khi người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet ngày 6/5 nhấn mạnh rằng, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không phải là Hy Lạp. Trước những diễn biến tài chính phức tạp tại nhiều nước châu Âu, tỷ giá đồng ơrô so với đồng đô la ngày 5 tháng 5 vừa qua đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua, khi 1 EUR chỉ đổi được hơn 1,2 USD.
Dù các nền kinh tế như Đức, Anh vẫn được cho là tương đối “vững” trước lo ngại về sự lây lan của cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp, song các thị trường tài chính đã không cho thấy dấu hiệu vững tin. Có nhiều quan ngại rằng, các khoản nợ liên đới giữa ngân hàng các nước châu Âu có khả năng gây ra phản ứng dây chuyền, một khi mắt xích nào đó, chẳng hạn như Tây Ban Nha, gặp khó khăn./.
Nguồn: Đài Tiếng nói Việt Nam