“Chạy” đấu thầu?

“Người ta chạy mà mình không chạy là tự khai tử, thành ra ai cũng chạy. Nếu đối thủ chạy mạnh, mình chạy yếu cũng thua. Việc chạy thầu trở thành thói quen của các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm”.

“Người ta chạy mà mình không chạy là tự khai tử, thành ra ai cũng chạy. Nếu đối thủ chạy mạnh, mình chạy yếu cũng thua. Việc chạy thầu trở thành thói quen của các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm”.

Nhiều doanh nghiệp đã nói như thế. Không ít doanh nghiệp cho rằng: “Một công ty cung ứng thuốc mà dám phê phán bệnh viện thì nói càng đúng càng chết. Anh nói thế à? Nhớ nhé, chào anh, vĩnh biệt!...”.

Hầu hết đều cho rằng trong hoàn cảnh lộn xộn của đấu thầu thuốc hiện nay, các công ty chỉ còn cách “sống chung với lũ”.

Không đấu thầu: giá rẻ hơn!

Theo các doanh nghiệp, hầu hết bệnh viện đều nợ doanh nghiệp tiền thuốc 3-6 tháng, thậm chí cả năm. Điều này dễ dẫn đến nhiều tiêu cực làm ảnh hưởng đến giá thành điều trị của bệnh nhân.

Dù bệnh viện là “con nợ” nhưng các công ty khẳng định không bao giờ dám thưa, dám đòi tiền thuốc vì thưa hay đòi là “vĩnh biệt anh luôn”!
Giám đốc bán hàng một công ty nói rằng ở góc độ kinh doanh bình thường, muốn đưa hàng ra bán phải chọn cách bán hàng phù hợp, bán giá tốt mới có người mua, thậm chí còn phải rao, thuyết phục đủ mọi cách. Khi bán được giá cao là do người mua đồng ý trả giá cao. Thường thì người mua giá cao là người xài tiền của người khác.

Một công ty còn cho rằng để bán được hàng, có khi phải “chiều chuộng” đủ mọi cách, đủ mọi khâu. Có khi công ty chào giá thuốc A 12.000 đồng/viên, với giá này lời được 2.000 đồng/viên.

Tuy nhiên, có khi bệnh viện bảo: “Tôi mua 15.000 đồng, anh đưa lại 3.000 đồng được thì tôi mua”. Với đề nghị kiểu này, một là doanh nghiệp phải chấp nhận vì 2.000 đồng lời của mình, vì phải giữ mối làm ăn lớn (mua hàng nhiều), lâu dài; hai là, nếu có lương tâm một chút thì công ty đề nghị “13.000 đồng thôi để tôi còn giải trình được nếu có ai thắc mắc”. Công ty này cho biết nếu không bán 15.000 đồng thì không bán được hàng nên nhiều khi “phải cắn răng mà bán, áy náy mà bán, còn lương tâm luôn bị ray rứt...”.
Mua bán thuốc tại nhà thuốc một bệnh viện ở TP.HCM - (Ảnh: Thanh Đạm)
Mua bán thuốc tại nhà thuốc một bệnh viện ở TP.HCM - (Ảnh: Thanh Đạm)
Để hoa hồng 3.000 đồng/viên thuốc cho bệnh viện mà không bị giảm lãi do đóng thuế và các khoản khác, thường các công ty phải “phù phép” nâng giá chi phí đầu vào, chi phí kinh doanh, khấu hao, mua sắm, đầu tư... trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho khớp với giá 15.000 đồng. Đặt trường hợp không thầu thì sao? Các công ty khẳng định: “Không thầu thì không có hội đồng thầu. Cứ theo giá thị trường mà mua bán. Còn thầu thì phải làm sao cho hội đồng thầu đồng ý. Hội đồng muốn mua rẻ thì rẻ, muốn mua mắc thì mắc. Doanh nghiệp phải làm theo ý kiến của hội đồng thầu mới thắng thầu...”. Theo một trưởng phòng tiếp thị, có những bệnh viện đòi giá cao mới mua!? Cho nên doanh nghiệp nào đưa hàng vào đúng giá, không theo ý kiến của “ai đó” thì rớt thầu là chắc. Điều này cho thấy cái tâm của hội đồng thầu sẽ chi phối toàn bộ việc đấu thầu. Thực tế bán thuốc cho bệnh viện công qua đấu thầu và bệnh viện tư sẽ thấy khác biệt. Ông chủ bệnh viện tư bảo: “Tôi không cần hoa hồng. Rẻ tôi mua, mắc thì thôi”. Nhưng với bệnh viện nhà nước, công ty dược chỉ bán được hàng với giá mà lãnh đạo bệnh viện “vừa lòng” nhất.Phải “chạy” mới xong?! Theo nhiều công ty dược phẩm, “chạy thầu” đã trở thành chuyện bình thường. Tâm lý này và thực tế “có chạy có trúng” khiến công ty nào cũng nhào vào chạy. Có doanh nghiệp “chạy” hết các thành viên hội đồng thầu, có khi chỉ “chạy” người có quyền quyết định. Giám đốc kinh doanh một hãng thuốc khẳng định đã “chạy” thì thế nào cũng trúng. Nhưng khi ký hợp đồng mà không biết “chăm sóc”, bệnh viện cũng không mua. Thậm chí chăm sóc rồi bệnh viện vẫn không mua vì “anh chăm sóc không bằng anh kia”. Một doanh nghiệp xuất nhập khẩu dược phẩm trung ương (thuộc Bộ Y tế) cho biết đấu thầu thuốc hiện nay đẻ ra nhiều thứ “xin - cho” làm phát sinh tiêu cực. Ví dụ, một thuốc có ba loại hàm lượng 10mg, 20mg và 30mg nhưng trong danh mục thuốc mời thầu của bệnh viện không có loại 20mg thì phải “chạy” cho loại 20mg vào danh mục dự thầu. Khi có kết quả thầu lại phải “chạy” vào danh mục bảo hiểm y tế vì trúng thầu mà không vào được danh mục bảo hiểm y tế sẽ không bán được bao nhiêu hàng. Đến lúc nhập thuốc vào kho cũng phải “xin”. Đến khâu tài chính thì phải “xin được thanh toán”. Việc phải chung chi hoa hồng cho bệnh viện khi đấu thầu là có thật. Có người đòi hỏi một cách nhẹ nhàng, tế nhị, có người vòi vĩnh công khai. Tại TP.HCM còn có tình trạng bệnh viện tuyến trên chấm thầu cho một số thuốc (thường thuộc nhóm tim mạch, tiêu hóa) của công ty nào đó với giá cao nhưng không mua vì mục đích chấm là giúp công ty đó có sản phẩm trúng thầu. Bệnh viện tuyến quận huyện không biết sự “bắt tay” này nên lấy kết quả của bệnh viện tuyến trên áp thầu vào việc mua thuốc của bệnh viện mình. Hàng của công ty kia sẽ được chạy về tuyến quận huyện với số lượng sử dụng cực kỳ lớn.“Đúng là có hiện tượng chạy thầu. Bản thân tôi trước ngày đấu thầu nhiều khi cũng phải trốn. Gần như ngày nào các công ty dược cũng đến đây ngồi chờ. Họ cứ bảo là anh giúp đỡ em thế này, anh giúp đỡ em thế kia” - ông Nguyễn Trường Sơn, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kể lại. Theo ông Sơn, có thể có cá nhân tiêu cực nhưng cũng phải thấy có nguồn cung cấp tiêu cực đó. Mục tiêu của hãng thuốc là lợi nhuận. Muốn có nhiều lợi nhuận họ phải tìm mọi cách đưa được thuốc vào các bệnh viện lớn. Một dược sĩ chuyên lo việc đấu thầu cho một công ty dược ở TP.HCM cho biết vấn đề lớn nhất dẫn đến tình trạng loạn đấu thầu thuốc hiện nay là sự thiếu công bằng giữa người gọi thầu và người dự thầu. Hiện nay phía bệnh viện đòi hỏi quá nhiều, yêu cầu cái gì công ty dược cũng phải đáp ứng, không dám cãi. Khi không bình đẳng thì các yếu tố của đấu thầu bị phá vỡ, những yêu cầu của một cuộc mua bán đàng hoàng, sòng phẳng vì lợi ích bệnh nhân sẽ không còn. Thực trạng giá thuốc trúng thầu hỗn loạn ở các bệnh viện hiện nay và những kêu ca, phản ảnh của doanh nghiệp về việc “chạy thầu”, cả Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đều biết từ lâu. Thế nhưng đến nay những loại thuốc trúng thầu, những đơn vị dự thầu thuốc có giá cao bất thường vẫn chưa bị cơ quan có trách nhiệm vào cuộc thanh tra, kiểm tra làm rõ xem có tiêu cực hay không, tiêu cực ở đơn vị, cá nhân nào để chấn chỉnh, xử lý.
Nên đấu thầu tập trung hay riêng lẻ?

Sở Y tế TP.HCM cho biết việc đấu thầu tập trung tiết kiệm được thời gian, nhân sự, chi phí và đảm bảo được tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Đồng thời quản lý được việc sử dụng thuốc và điều trị tại các bệnh viện trực thuộc, chấm dứt tình trạng thuốc đấu thầu mỗi nơi một giá...

Tuy nhiên, đấu thầu tập trung có nhược điểm là nếu gom tất cả về một đầu mối với số lượng thuốc lớn, nếu xảy ra “đứt hàng” do công ty không cung ứng được thì các bệnh viện có nguy cơ thiếu thuốc.

Trong khi đó, việc đấu thầu thuốc riêng lẻ hiện nay còn quá nhiều bất cập, có thể là mảnh đất cho tiêu cực sinh sôi. Nếu các cơ quan có trách nhiệm không sớm tìm giải pháp khắc phục thì cuối cùng quỹ bảo hiểm y tế sẽ ngày càng thâm hụt, thất thoát không thể kiểm soát được!
Theo Lê Thanh Hà
Tuổi Trẻ

Đọc thêm