Chém cha cái kiếp... chồng chung

Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ cho phép một vợ một chồng, nhưng trong nhân gian còn không ít những bà vợ phải cắn răng để chồng ngang nhiên lấy vợ hai, vợ ba, thậm chí vợ tư…mà không dám than vãn nửa lời.

Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ cho phép một vợ một chồng, nhưng trong nhân gian còn không ít những bà vợ phải cắn răng để chồng ngang nhiên lấy vợ hai, vợ ba, thậm chí vợ tư…mà không dám than vãn nửa lời. Các bà, các mợ biết trách oán ai bây giờ, có chăng là trách số phận mình nó vậy…

Bà Hoàng Thị Bảy, ở Mai Linh, thuộc quận Hà Đông (Hà Nội) năm nay đã 62 tuổi. Ba đứa con của bà đã trưởng thành, có gia thất cả. Một mình bà sống trong căn nhà rộng, có vườn tược, cây cối xanh tươi. Chồng bà sống với vợ bé, còn rất trẻ ở Cầu Giấy, mấy năm nay chẳng đoái hoài gì tới bà. Bà lấy ông trong tình cảnh gấp gáp, trước khi ông nhập ngũ đúng 5 ngày.

Ba tháng trời ông ở đơn vị bộ binh huấn luyện, vợ chồng chỉ gặp nhau duy nhất 1 lần khi ông tranh thù trốn về trước hôm xuất quân vào Nam đánh giặc. Đất nước thống nhất, ông phục viên trở về và chuyển sang làm cai xây dựng. Kể từ khi kiếm được tiền, ông thay đổi tính tình, chơi bời, ít quan tâm tới bà vợ quê mùa già hơn 3 tuổi. Thế rồi vào một hôm trời mưa rất to, ông đánh xe về nói thẳng với bà: “Tôi lấy thêm vợ nữa, bà thông cảm cho tôi. Nếu bà không đồng ý thì ra tòa ly dị, ngày xưa tôi lấy bà vì hoàn cảnh chứ không yêu nhau”.
             Ảnh Lao Động Thủ  Đô
Ảnh Lao Động Thủ Đô
Bà Bảy đứng chết trân, không biết nói thế nào. Ông ấy có tiền làm gì mà chẳng được, bà thì già rồi làm sao níu kéo nổi chân ông. Bây giờ tóc bạc quá nửa rồi mà ra tòa ly dị thì chỉ tổ thiên hạ nó cười thối mũi, còn con cháu thì sao, ngượng lắm, sợ mang tiếng với xóm làng. Bà Bảy nằm mấy hôm, không ăn uống gì, lả lử như muốn chết. Mấy đứa con xúm xít động viên mẹ, thôi thì mặc bố, bố còn sức thì cứ để bố kiếm dì hai, mẹ già rồi sống vì con cháu, không hơi đâu phải phẫn đời. Thế là bà nghe theo con, cúi đầu chấp nhận. Ông hứa mỗi tháng đều đặn chu cấp cho bà triệu rưỡi, đủ ăn. Sống ở nhà quê có vườn, có ao thả cá, tiền không quan trọng, chỉ cốt cái tinh thần. Thế là ông ngang nhiên sống với bà vợ bé không hôn thú. Phụ nữa bây giờ hiện đại lắm, thích là sống với đàn ông, chán thì bỏ, miễn sao kiếm được ít tiền. Cô vợ bé ít hơn ông 30 tuổi, cũng là dân quê ở Nam Định lên thành phố kiếm việc làm thì gặp ông. Đàn ông có tuổi mà gặp gái trẻ lại xinh đẹp nữa thì chết ngay tức thì. Bà Bảy trở thành người thừa trong con tầu hôn nhân. Hồi còn trẻ bà đã cắn răng chờ ông trở về, mặc dù không ít cám dỗ, chim chuột của người khác. Bà chỉ biết trách số phận. Câu chuyện của chị Vũ Thị Dung, ở Mễ Trì, quận Thanh Xuân (Hà Nội) thì lại khác. Chị lấy chồng ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Chồng làm ra tiền nên bắt chị ở nhà làm nội trợ, sinh con đẻ cái, không được đi làm. Họ hàng ai cũng mừng cho chị, lấy chồng tài hoa, kiếm tiền như rác. Đẻ cho chồng 2 đứa con đẹp như tranh, nuôi nấng trưởng thành, đều vào đại học thì chồng bất ngờ tuyên bố sẽ lấy vợ bé. Gần 20 năm sống phụ thuộc chồng, bây giờ chị đành chấp nhận cho chồng lấy vợ bé, nếu không chấp nhận thì sẽ bị cắt trợ cấp ngay, chết đói tức thì. Mấy lần chị Dung cũng định ra tòa ly dị, nhưng lại sợ ảnh hưởng tới con cái, tới sự ổn định và tiếng tăm. Thế là đành ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận cho chồng ở với vợ bé 3 ngày trong tuần, còn mình thì hưởng 4 ngày. Sức mạnh thuộc về người làm ra tiền, còn kẻ sống phụ thuộc thì bao giờ cũng lép vế. Chị Dung tâm sự: “Nói thật với anh, em cũng định xin việc gì đó làm mà chẳng tìm được việc gì phù hợp. Gần 20 năm ở nhà chỉ đi chợ, nấu cơm rửa bát, cho con bú…nên không thể đánh vi tính, soạn văn bản được. Có ông giám đốc chấp nhận cho em làm tạp vụ, lau ấm chén, quét dọn văn phòng, trực tiếp khách… tháng được triệu sáu, làm từ sáng sớm đến tối mịt, vất vả quá, không còn thời gian nấu nướng cho con nữa. Làm được mấy hôm thì phải bỏ, thế là đành chấp nhận tiếp tục ăn bám chồng. Mà đã ăn bám chồng thì phải chấp nhận cho chồng có vợ bé, nhục như con trùng trục anh ạ”. Chị Dung lau nước mắt, nhưng rồi lại tươi trở lại, chị nói tiếp: “Được cái chồng em không hắt hủi mà vẫn quý vợ con. Ông ấy tuyên bố, tôi yêu cô này như yêu chính mình, không thể bỏ được, cũng như yêu bà ngày xưa. Gì thì gì chứ vợ chỉ lấy thêm chứ không bỏ bớt đi được. Đàn ông các anh tệ thế đấy”. Chị Dung thể hiện sự trầm mặc, không ra buồn mà cũng chẳng ra vui. Cuộc đời là như thế đấy, đàn bà như hạt mưa sa, chẳng biết thế nào mà lần. Các cụ chẳng đã nói, vợ ăn ở có 5 con mà chẳng biết lòng chồng đấy thôi, chị Dung đành chấp nhận số phận. Đối với người phụ nữ sự chia sẻ khó nhất đó là chia sẻ chồng với người phụ nữ khác, chia đôi còn đỡ, có khi còn phải chia ba như hoàn cảnh của chị Trần thị Xuân ở Gia Lâm nêu dưới đây thật bất hạnh. Chị Xuân lấy chồng từ năm 17 tuổi, khi có con đầu lòng cũng là lúc phát hiện chồng cặp bồ với một cô gái khác. Chị đã đôi lần đích thân đánh ghen nhưng chẳng ăn thua gì, mỗi lần như vậy lại bị chồng đánh cho một trận lên bờ xuống ruộng. Chị không có gan bỏ chồng vì sợ không nuôi nổi con. Ông chồng tổ chức một buổi để hai bà vợ gặp nhau, ông tuyên bố, nếu các bà còn cãi nhau thì ông sẽ bỏ tất đi lấy bà khác. Cô bồ nghiễm nhiên thành vợ bé, dù không có đăng ký kết hôn. Cô vợ bé được chồng yêu nên coi vợ cả chẳng ra gì, thậm chí còn lớn tiếng công bố, mình mới là vợ chính chủ. Cuối cùng bà cả phải chịu lép vế vì không muốn con mất bố, không muốn mất “tiền trợ cấp thất nghiệp” hàng tháng. Mỗi khi chồng về nhà, vợ cả vẫn cứ phải phục vụ đàng hoàng, thậm chí phục vụ cả vợ bé của chồng nữa. Khi vợ bé sinh đẻ thì vợ cả phải lên giặt giũ, nấu nướng. Thế rồi đùng một cái, trong một lần cô vợ cùng chồng về quê gặp vợ cả. Cô vợ bé khóc lóc kể tội chồng. Ông ta lại vừa cặp với một cô bồ trẻ măng, thậm chí còn ngang nhiên lôi về nhà ngủ. Cô này có vẻ lẳng lơ lắm, chẳng coi ai ra gì. Ai đời, vợ mới đẻ được hơn tháng mà ông ta đã không chịu đựng được. Vợ hai mới nói mấy câu liền bị ông chồng bạt tai cho mấy phát và tuyên bố: “Cô ấy là vợ ba của tôi. Từ nay các bà phải hòa thuận với nhau, nếu gây mất đoàn kết, làm ảnh hưởng tới tôi thì tôi bỏ tuốt, mặc xác các bà”. Những hoàn cảnh trên đây còn có cái gì đó “thông cảm” được, bởi gì thì gì ông chồng vẫn còn có trách nhiệm với vợ con ít nhiều, mặc dù việc làm của họ đã vi phạm nghiêm trọng Luật Hôn nhân và gia đình. Trên thực tế, còn bao nhiêu những bà vợ bị chồng lừa gạt lấy vợ bé rồi bỏ rơi một cách không thương tiếc mà vẫn phải im lặng vì nhiều nhẽ của đời. Hoàn cảnh bà Lại Thị Hoàng, ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) là một ví dụ. Bà lấy chồng từ năm 16 tuổi, sau này ông ấy đi làm cán bộ khảo sát thiết kế. Một lần đi công tác trên Sơn La, ông gặp một thiếu nữ xinh đẹp thế là lấy chui làm vợ, bỏ bà cả ở quê, không đoái hoài gì. Bà Hoàng đã ngoài 50 tuổi chẳng còn cơ hội lấy ai, hơn nữa ông ấy cũng không ra mặt bỏ hẳn thì làm sao có thể đi lấy chồng. Đàn bà nhà quê 50 tuổi thì thuộc diện hom hem lắm rồi, thế là bà đành sống cô đơn suốt quãng đời còn lại. Mặc dù được pháp luật bảo vệ nhưng vẫn còn không ít người phụ nữ vẫn phải chịu cảnh chồng chung mà không dám than vãn nửa lời, nhất là những bà vợ xuất thân từ nông thôn, ít hiểu biết lại lấy chồng kiếm ra tiền thì dễ rơi cảo cảnh... lấy chồng chung.
Theo Lao Động Thủ Đô

Đọc thêm