Chỉ 35,5% phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực giới tiếp cận dịch vụ hỗ trợ

(PLVN) -Tỷ lệ người bị bạo lực tìm kiếm các biện pháp bảo vệ chính thức còn thấp, đặc biệt là nạn nhân bị quấy rối tình dục, bạo lực tình dục do tâm lý e ngại, xấu hổ. Chỉ 35,5% phụ nữ dân tộc thiểu số đã từng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới so với 66,7% phụ nữ Kinh.
Không nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số  tiếp cận dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới (ảnh minh họa)
Không nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới (ảnh minh họa)

Con số này được đưa ra tại hội thảo “Dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại cộng đồng: Chính sách, thực tiễn và giải pháp” do Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) cùng tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới (GBV.net) tổ chức.

Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ dự án SUSO (dự án nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc miền núi phía Bắc trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới) do Liên minh châu Âu tài trợ. 

Dự án SUSO với mục tiêu phá vỡ im lặng xung quanh bạo lực giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây và từ đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới nói chung, đã được triển khai từ năm 2018 đến năm 2021 tại 4 xã (Thanh Nưa, Hua Thanh, Mường Phăng và Pá Khoang với 24 thôn bản thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Trong vòng 2 năm triển khai, dự án đã thực hiện nhiều hoạt động và thu hút được một số kết quả quan trọng. 92% phụ nữ và 85% nam giới người dân tộc thiểu số tại các địa bàn dự án đã nhận diện được 4 hình thức bạo lực (bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế) và phản đối mọi hình thức bạo lực.

Theo chia sẻ của chị Vì Thị Phong ở bản Mến xã Thanh Nưa, dự án hỗ trợ các “hạt nhân thay đổi” tổ chức các sự kiện cộng đồng để nâng cao hiểu biết của người dân về các hình thức bạo lực, nguyên nhân của bạo lực và các kênh hỗ trợ người bị bạo lực.

Thông qua đó, dự án hướng tới phát huy năng lực của “hạt nhân thay đổi” để tự tin truyền cảm hứng cho cộng đồng lên tiếng thảo luận về bạo lực và sử dụng những kỹ năng hỗ trợ người bị bạo lực chia sẻ về vấn đề của họ.

Đọc thêm